Để du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Sau một thời gian đóng cửa do ảnh hưởng dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Phú Yên đón hơn 100 nghìn du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, từ sau Tết Nhâm Dần đến nay, lượng khách đến Phú Yên tăng gấp nhiều lần so với trước, mở ra nhiều triển vọng để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025, đã đề ra.
Khởi sắc ngay từ đầu năm
Từ đầu năm 2022 đến nay, lượng khách đến du lịch tại tỉnh Phú Yên tăng cao so cùng thời điểm năm trước. Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, trong vòng 20 ngày đầu tháng 2/2022, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 89.310 lượt, tăng 97%, trong đó khách quốc tế tăng 7,7%. Lũy kế trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 109.430, tăng 14% so cùng kỳ.
Tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt 130,2 tỷ đồng, tăng 41%; trong đó doanh thu lưu trú đạt 34,3 tỷ đồng, tăng 38,8%.
Riêng tại điểm du lịch độc đáo Gành Đá Đĩa (huyện Tuy An), bình quân mỗi ngày có hơn 5.000 lượt khách tham quan. Chỉ trong vòng một tháng 13/1 đến ngày 12/2, khách tham quan tại di tích quốc gia đặc biệt này đạt xấp xỉ 47.000 lượt khách (trong đó có 31.566 lượt khách ngoài tỉnh), tăng 133,4%.
Tại thắng cảnh Bãi Môn-Mũi Đại Lãnh đạt 12.776 lượt khách (trong đó có 8.747 lượt khách ngoài tỉnh), tăng 108%. Khách tham quan tại di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn đạt 19.268 lượt, tăng 85% …
Khách du lịch chủ yếu đi theo hình thức nhóm gia đình và đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, các tỉnh Tây Nguyên.
Du khách Hồ Thị Nhật Tú, từ Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu đến tham quan tại Gành Đá Đĩa có cảm nhận: “Phải nói Gành Đá Đĩa rất độc đáo, rất đẹp và thu hút du khách. Mình tới đây được mọi người đón tiếp hòa đồng và dễ gần. Đây là chuyến đi rất là thú vị. Đi du lịch nhưng vẫn thực hiện 5K, mong là dịch bệnh qua đi và phục hồi lại nền du lịch của đất nước mình”.
Đến nay, toàn tỉnh Phú Yên có 385 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, với tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có khoảng 6.250 buồng, trong đó có khoảng 700 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Nhưng công suất phòng tại các khách sạn có quy mô lớn trong những ngày cao điểm (như từ ngày 2 đến 6/2 đạt 95-100%.).
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết, mặc dù ảnh hưởng của Covid-19, gần 2 năm qua, du lịch Phú Yên gần như dừng hoạt động, tuy nhiên theo kịch bản phục hồi kinh tế chung của tỉnh, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thích nghi trong tình hình mới, góp phần xây dựng hình ảnh Phú Yên thân thiện và mến khách.
Năm nay, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu đón khoảng 2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 20 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu trong lĩnh vực du lịch phấn đấu đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
“Để phục hồi lại du lịch, việc đầu tiên là an toàn công tác phòng chống dịch. Thứ hai tăng cường công tác quảng bá. Vừa rồi, chúng tôi tập trung công tác chuyển đổi số trong việc tuyên truyền, quảng bá về du lịch, các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử trên địa bàn. Thứ ba là quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo phục vụ khách đến với Phú Yên. Tăng cường các đơn vị đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và các sản phẩm du lịch của Phú Yên để đáp ứng nhu cầu khách khi đến với Phú Yên” – bà Nguyễn Thị Hồng Thái nói.
Giải pháp du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Phú Yên vừa ban hành Chương trình hành động về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Riêng trong giai đoạn 2021-2025 Phú Yên duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch tăng trưởng trên 14% năm, trong đó khách quốc tế tăng 15- 20% năm, doanh thu du lịch tăng trên 14% năm, công suất sử dụng buồng trung bình đạt khoảng 61% năm, số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch tăng trưởng bình quân 4% năm.
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Tỷ trọng đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh từ 10% trở lên, doanh thu du lịch khoảng 12.600 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, để đạt các mục tiêu trên, Tỉnh ủy Phú Yên đề ra các giải pháp tập trung lập quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch.
Tập trung huy động các nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại một số khu vực trọng điểm như vịnh Xuân Đài, Bãi Môn-Mũi Điện-Vũng Rô, cao nguyên Vân Hòa; quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng tại các khu di tích, danh thắng.
Lập quy hoạch chi tiết, đầu tư hạ tầng thiết yếu để hình thành các khu du lịch ẩm thực mang thương hiệu, đặc trưng Phú Yên tại các khu vực trên địa bàn TP Tuy Hòa, Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, Vũng Rô… Ưu tiên thu hút đầu tư hình thành một số khu du lịch tạo điểm nhấn của Phú Yên mang tầm quốc gia, quốc tế tại vịnh Xuân Đài, Gành Đá Đĩa, vịnh Vũng Rô, cao nguyên Vân Hòa…
Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thúc đẩy các dự án du lịch lớn đã và đang nghiên cứu triển khai, sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động như các dự án du lịch tại vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, đèo Cả-Vũng Rô, các dự án du lịch ven biển thành phố Tuy Hòa…
Tỉnh Phú Yên khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ, hướng dẫn người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch và hưởng lợi từ du lịch.
Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Phú Yên. Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, đặc trưng, có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp nhu cầu thị trường, dựa trên nền tảng các giá trị về tự nhiên, di tích lịch sử, danh thắng, truyền thống văn hóa của địa phương.
Tập trung phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, lấy du lịch sinh thái, du lịch sinh thái làm mũi nhọn; kết hợp hình thành và phát triển một số loại hình du lịch chuyên đề; phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh, sạch, bền vững, chất lượng.
Tỉnh cũng sẽ huy động nhiều nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu, hình thành một số sản phẩm du lịch cao cấp, mang tính đặc trưng của từng khu vực, địa bàn. Hình thành các tuyến du lịch nối liền giữa miền biển, đảo với các tỉnh Tây Nguyên; hình thành mạng lưới không gian du lịch duyên hải Nam Trung Bộ-Tây Nguyên; phát triển lữ hành quốc tế, đa dạng các hình thức du lịch lữ hành nội địa.
Ý kiến ()