Trong Nghị quyết có ghi: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. “Ðầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”. Quan điểm đúng đắn đó đã được khẳng định trong nhiều văn kiện qua các nhiệm kỳ. Song trên thực tế, không thiếu những trường hợp ngược lại. Nhiều khoảnh đất rộng rãi đã được các cấp có thẩm quyền ưu tiên dành cho những “dự án” có trường hợp vẫn đang bỏ hoang trong khi nhiều trường còn chật chội, trẻ em ở nhiều khu dân cư không có chỗ chơi, chỗ học. Ngân sách dành cho giáo dục vẫn chưa đủ để thực hiện miễn phí ở cấp THCS, ngay kinh phí chi thường xuyên cũng như vốn đầu tư xây dựng trường vẫn còn phải dè xẻn, thì nhiều khoản tiền quá lớn từ ngân sách Nhà nước được duyệt chi vào những công việc chưa thật cấp thiết. Nhìn vào thực trạng yếu kém, bất cập dồn nén, kéo dài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có thể nói, các cấp lãnh đạo chưa thật sự coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ðể chấn hưng giáo dục và đào tạo thành công, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, rõ ràng, điều kiện tiên quyết là lãnh đạo các cấp phải thật sự quán triệt chủ trương “quốc sách hàng đầu”, thể hiện rõ rệt bằng những hành động có hiệu quả cụ thể.
Trong đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, quan trọng nhất là đổi mới mục tiêu giáo dục mà Nghị quyết cũng đã nêu ra. Cho đến nay, nhà trường nước ta vẫn tập trung vào việc truyền thụ kiến thức một cách thụ động, cốt làm sao cho người học tiếp thu được càng nhiều kiến thức càng tốt. Cuối cùng, văn bằng dành cho ai cũng lại căn cứ vào chỗ thuộc được nhiều hay ít kiến thức sách vở. Ðành rằng truyền thụ kiến thức là cần thiết nhưng, với sự phát triển của khoa học, đặc biệt khoa học giáo dục, nhà trường ngày nay có một tầm vóc cao hơn, ảnh hưởng to lớn hơn đối với sự phát triển của thanh thiếu niên. Nhà trường có thể phát huy tiềm năng của từng con người, biến tri thức thành năng lực cá nhân, từ đó phát huy sức mạnh của cả dân tộc. Ðấy mới chính là những điều cuộc sống đang đòi hỏi ở nhà trường. Tất nhiên, để nhà trường đáp ứng được yêu cầu đó, không thể xem nhẹ sự đồng thuận của xã hội, trước hết là của phụ huynh học sinh.
Một vấn đề rất mấu chốt, mà Nghị quyết nhấn mạnh, đó là vấn đề đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nghị quyết nhận định: “Ðội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục…”. Rõ ràng, nếu không lo giải quyết tận gốc vấn đề nhân lực của chính ngành có trách nhiệm đào tạo nhân lực, thì không thể tạo được chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Trong cơ cấu nhân lực của ngành giáo dục, đội ngũ nhà giáo chiếm tỷ trọng lớn nhất và giữ vai trò chủ lực trong đổi mới giáo dục và đào tạo. Ðể thực hiện mọi phương án nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, một mặt phải tiến hành cập nhật kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho các thầy giáo, cô giáo hiện đang đứng lớp; mặt khác, phải đổi mới công tác đào tạo các thế hệ giáo viên sẽ vào nghề trong tương lai. Như vậy, cần phải sắp xếp, kiện toàn (hay tái cơ cấu) hệ thống, mạng lưới các trường sư phạm để các trường này đủ sức thực hiện có hiệu quả ba nhiệm vụ: đào tạo giáo viên mới, bồi dưỡng (đào tạo lại) giáo viên đang đứng lớp, và làm đầu tàu trong đổi mới dạy và học. Ðồng thời, các trường sư phạm phải xây dựng cho được một mô hình đào tạo mới theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực chuyên nghiệp ở những thanh niên đã chọn nghề thầy, đồng thời phải giúp họ có ham muốn và kỹ năng tự cập nhật, trau dồi kiến thức thường xuyên ngay cả khi đã làm thầy.
Cùng với việc đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, nhất thiết phải thay đổi chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo. Nghị quyết ghi: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp…”. Năm 1996, Trung ương khóa 8 đã có nghị quyết y hệt như vậy. Hiện nay, các yêu cầu mới đặt ra trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đòi hỏi người thầy trách nhiệm càng nặng nề hơn trước. Ðể tạo động lực nghề nghiệp cho nhà giáo, phải tăng lương và phụ cấp. Ðòi hỏi các thầy giáo, cô giáo dồn trí tuệ, sức lực vào việc dạy học trong khi lương và phụ cấp trả cho giáo viên không đủ để có một cuộc sống tươm tất thì không hợp đạo lý. Hơn nữa, tiền lương còn là sự thể hiện rõ ràng thái độ trọng thị của xã hội đối với nhà giáo và nghề dạy học, làm cho các thầy giáo, cô giáo yêu nghề và càng có trách nhiệm hơn trong hoạt động nghề nghiệp.
Cũng trong khuôn khổ vấn đề nhân lực của ngành giáo dục, cần phải tạo điều kiện hình thành các hội nghề nghiệp của nhà giáo để thúc đẩy tiến trình chuyên nghiệp hóa. Các tổ chức này sẽ huy động và phát huy sự đóng góp của nhà giáo vào công cuộc chấn hưng giáo dục, vận động nhà giáo thực hiện quy ước đạo đức nghề nghiệp, kiểm định các chương trình đào tạo giáo viên, xác định tư cách hành nghề của nhà giáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo. Tương tự như đối với một số ngành nghề đặc thù trong xã hội, nhà giáo và nghề dạy học rất cần có một đạo luật làm cơ sở pháp lý cho việc nâng cao phẩm chất, năng lực và trách nhiệm của mỗi thầy giáo, cô giáo.
Nghị quyết đã xác định những quan điểm và định hướng lớn, trình bày một cách khái quát về các mục tiêu và giải pháp. Ðể thực hiện Nghị quyết, cần phải cụ thể hóa nội dung Nghị quyết bằng một đề án tổng thể. Hơn nữa, Nghị quyết còn để ngỏ một số vấn đề, trong đó có nội dung đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục và đào tạo. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc phân luồng sau giáo dục cơ sở (chín năm) và định hướng nghề nghiệp ở THPT chưa thành công là do cơ cấu hệ thống giáo dục và đào tạo không hợp lý. Như vậy, muốn giải quyết một cách căn bản vấn đề phân luồng (một mục tiêu quan trọng) và định hướng nghề nghiệp thì không thể không thay đổi cơ cấu hệ thống. Hơn nữa cơ cấu hệ thống lại cần xác định trước khi xây dựng chương trình dạy và học. Do đó chủ trương trước mắt ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay cần được tính toán kỹ lưỡng về mặt thời gian trong đề án tổng thể. Ðồng thời cũng cần sớm đặt ra việc chấn chỉnh và đổi mới hệ thống dạy nghề và hệ thống giáo dục đại học – hai bộ phận gắn trực tiếp với việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng. Rõ ràng giải quyết thấu đáo các vấn đề tương tự như vậy bằng một đề án tổng thể là rất cần thiết để tránh sa vào tình trạng chắp vá, thiếu đồng bộ.
Do phạm vi rộng lớn và tầm quan trọng của công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo, nhất là trong điều kiện xã hội đang rất quan tâm việc học hành của thế hệ trẻ, đề án tổng thể phải tập hợp được sự đóng góp về trí tuệ của đông đảo nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trên nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả cha mẹ học sinh. Muốn có một đề án tổng thể như vậy, việc soạn thảo cần do một đội ngũ chuyên gia được chọn lọc cả trong và ngoài ngành giáo dục với sự chỉ đạo của Ủy ban quốc gia Ðổi mới giáo dục và đào tạo (sẽ được thành lập theo Nghị quyết). Và Ủy ban quốc gia sẽ căn cứ vào đề án mà chỉ đạo việc thực hiện. Mặc dù Bộ GD và ÐT có vai trò quan trọng song không thể để ngành giáo dục ở vào thế đơn độc càng không thể khoán trắng cho ngành giáo dục. Các ngành khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp giáo dục như tài chính, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ…, cần chủ động thực hiện chủ trương quốc sách hàng đầu.
Thực hiện thắng lợi Nghị quyết chắc chắn sẽ là sự đóng góp to lớn và có ý nghĩa nhất cho sự phát triển của đất nước. Mong rằng, năm 2014 việc triển khai công cuộc đổi mới quan trọng này được tiến hành hết sức khẩn trương và mạnh mẽ.
Ý kiến ()