Ðể doanh nghiệp bán lẻ trong nước trụ vững trên "sân nhà"
Khách mua hàng của Siêu thị FIVIMART (Hà Nội). Sau năm năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thực hiện cam kết mở cửa thị trường, các nhà bán lẻ nước ngoài đã tham gia hoạt động phân phối hàng hóa trực tiếp, góp phần thay đổi diện mạo của ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam, đem lại nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Sự có mặt của các tập đoàn đa quốc gia này tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước phải vươn lên, sẵn sàng cạnh tranh và hợp tác.Nhà phân phối nước ngoài đứng vữngHiện nay, nhiều tập đoàn phân phối lớn trên thế giới như Metro (Đức), Casino (Pháp) với thương hiệu BigC; các trung tâm mua sắm mang tên Parkson (Ma-lai-xi-a) và thương hiệu Lotte (Hàn Quốc) đã có mặt tại Việt Nam. Sau thời gian hoạt động và gặt hái nhiều thành công, các tập đoàn này đã và đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động với các mô hình phân phối hiện đại, quản lý tiên tiến, tạo sức ép cạnh tranh với các DN bán lẻ trong nước, đồng thời...
Khách mua hàng của Siêu thị FIVIMART (Hà Nội). |
Sau năm năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thực hiện cam kết mở cửa thị trường, các nhà bán lẻ nước ngoài đã tham gia hoạt động phân phối hàng hóa trực tiếp, góp phần thay đổi diện mạo của ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam, đem lại nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Sự có mặt của các tập đoàn đa quốc gia này tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước phải vươn lên, sẵn sàng cạnh tranh và hợp tác.
Nhà phân phối nước ngoài đứng vững
Hiện nay, nhiều tập đoàn phân phối lớn trên thế giới như Metro (Đức), Casino (Pháp) với thương hiệu BigC; các trung tâm mua sắm mang tên Parkson (Ma-lai-xi-a) và thương hiệu Lotte (Hàn Quốc) đã có mặt tại Việt Nam. Sau thời gian hoạt động và gặt hái nhiều thành công, các tập đoàn này đã và đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động với các mô hình phân phối hiện đại, quản lý tiên tiến, tạo sức ép cạnh tranh với các DN bán lẻ trong nước, đồng thời thúc đẩy phát triển các loại hình phân phối mới ở Việt Nam theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại. Số lượng cơ sở của DN phân phối có vốn đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam trước khi ta gia nhập WTO có tốc độ tăng đáng kể như Metro mở thêm 10 trong tổng số 17 trung tâm đang hoạt động; BigC mở thêm 13 trong tổng số 18 đại siêu thị BigC; Parkson mở thêm bảy trong tổng số tám trung tâm mua sắm. Ngoài ra, các “đại gia” bán lẻ lớn của thế giới như Walmart, Carefour, Tesco… đang thăm dò thị trường, chuẩn bị vào cuộc.
Đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước, sau năm năm thực hiện “Đề án phát triển thương mại” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg đã phát triển nhanh hơn, bước đầu tạo lập được vị thế trên thị trường, tạo dựng được một số thương hiệu. Đến cuối năm 2011, cả nước có 638 siêu thị tại 59/63 tỉnh, thành phố và 117 trung tâm thương mại. Số lượng siêu thị thành lập mới năm năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO (2007-2011) so với năm năm trước đó tăng 20% và trung tâm thương mại tăng hơn 72%. Ngoài ra, tham gia thị trường bán lẻ còn có các cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện ích, phân bổ rộng khắp, nhất là tại đô thị. Thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc góp vốn liên doanh, nhượng quyền thương mại, các DN Việt Nam đã mở rộng mạng lưới bán hàng, khai thác và kết hợp nguồn lực của nhiều DN xây dựng hệ thống bán hàng quy mô đáng kể. Một số nhà bán lẻ đã tổ chức mô hình bán hàng theo chuỗi như Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh với gần 60 siêu thị mang thương hiệu “Co.op Mart” và 30 cửa hàng Co.op Food. Tổng công ty Thương mại Hà Nội có ba trung tâm thương mại, hơn 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapro Mart, 36 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Hapro Food và khoảng 200 cửa hàng chuyên doanh quy mô nhỏ…
Kết luận của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng tại buổi làm việc với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tháng 3 vừa qua cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các DN phân phối trong nước đã có bước phát triển cả về quy mô, chất lượng phục vụ và trình độ quản lý, đóng góp tích cực vào sự phát triển thương mại trong nước, đóng góp đáng kể vào GDP hằng năm (chiếm tỷ trọng từ 13% đến 15%); tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 5,5 triệu lao động, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng và nhà sản xuất. Hoạt động thương mại trở thành cầu nối giữa sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng, giải quyết đầu ra cho sản phẩm sản xuất trong nước, góp phần tích cực bình ổn thị trường và thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Đảng và Nhà nước.
Cạnh tranh không cân sức
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện tại hệ thống bán lẻ của các DN trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là: Sự tăng trưởng còn thiếu tính bền vững; tỷ trọng hàng hóa lưu thông qua kênh bán lẻ hiện đại còn thấp so với khu vực và thế giới; quy hoạch phát triển thương mại trên phạm vi cả nước cũng như ở từng địa phương chậm được bổ sung, sửa đổi phù hợp tình hình mới; chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và hiện đại hóa ngành thương mại. Ngân sách Nhà nước dành cho phát triển kết cấu hạ tầng thương mại còn hạn hẹp. Đặc biệt phần lớn DN trong nước hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa đều có quy mô nhỏ, thiếu vốn trầm trọng, thiếu kinh nghiệm và trình độ quản lý, sức cạnh tranh và khả năng chiếm lĩnh thị trường còn yếu. Thêm vào đó tính liên kết giữa các DN trong cùng lĩnh vực phân phối và liên kết giữa DN sản xuất với DN bán lẻ chưa cao, đầu tư tạo nguồn hàng thiếu ổn định… Trước khó khăn của nền kinh tế năm 2011 và trong quý I-2012 khi thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hàng hóa tồn đọng, sức mua giảm sút, nhiều DN nhỏ và vừa đình đốn sản xuất, tạm ngưng hoạt động và số DN giải thể tăng cao đã tác động trực tiếp tới hoạt động bán lẻ. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lĩnh vực bán buôn, bán lẻ có nhiều DN ngừng hoạt động hoặc đăng ký giải thể nhiều nhất (chiếm 25,8% trên tổng số DN giải thể). Đây là một thông tin không vui, phản ánh khó khăn của các DN phân phối trong nước đang phải đương đầu.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn cho biết: Là tổng công ty nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, Hapro tập trung nguồn lực cho ba lĩnh vực xuất nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước và đầu tư hệ thống hạ tầng thương mại. Với chiến lược gắn với nông thôn, nông dân thông qua đầu tư khai thác nguồn nông sản và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Tập trung phát triển thị trường nội địa thông qua kênh bán buôn và phát triển mạng lưới bán lẻ hiện đại, văn minh. Hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng tăng khi thị trường Hà Nội có mặt các tập đoàn bán lẻ nước ngoài nổi tiếng như Metro, BigC cùng với mạng lưới bán lẻ của các thương hiệu trong nước. Để khai thác các lợi thế, Hapro chủ trương mở rộng mạng lưới phân phối thông qua tận dụng các địa điểm ở các tuyến phố, khu dân cư. Đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, xây dựng chuỗi các cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh rau, thực phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, từng bước vươn ra thị trường chín tỉnh, thành phố phía bắc. Đến nay, Hapro đang quản lý khai thác 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích, 40 cửa hàng rau, thực phẩm an toàn cùng với chuỗi 100 cửa hàng chuyên doanh thời trang, điện máy, ăn uống… Tuy nhiên, do hệ thống bán lẻ trong nước quy mô mặt bằng nhỏ, thiếu vốn đầu tư, tính cạnh tranh chưa cao trong khi các DN nước ngoài có quy mô, mặt bằng và doanh số cao hơn hẳn nên tạo sức ép lớn cho DN trong nước. Một thống kê cho thấy, doanh số bán hàng một ngày của siêu thị nước ngoài bằng 20 siêu thị trong nước. Riêng BigC Thăng Long tại Hà Nội đạt doanh thu 20 triệu USD/năm, bằng tổng doanh số của 13 siêu thị của Fivimart tại Hà Nội, trong khi đó hệ thống siêu thị của DN trong nước có quy mô khá chỉ đạt khoảng năm – bảy triệu USD/năm. Thêm vào đó các chi phí đầu vào và duy trì hoạt động cho một siêu thị còn cao dẫn tới hiệu quả kinh doanh thấp, việc vay vốn ngân hàng khó khăn, khả năng chiếm lĩnh thị trường hạn chế.
Bên cạnh đòi hỏi nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống bán lẻ, Hapro còn có nhiệm vụ tham gia thực hiện các chủ trương bình ổn thị trường như chương trình kích cầu, chương trình bình ổn giá, đưa hàng Việt về nông thôn. Trước những biến động trong thời gian gần đây, Hapro đã tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt ra ngoại thành, vào các khu công nghiệp… tham gia lưu thông hàng sản xuất trong nước, góp sức thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các hoạt động này tuy hiệu quả kinh tế không cao nhưng đã góp phần giải quyết đầu ra cho sản xuất và trực tiếp tham gia bình ổn thị trường. Trong cuộc cạnh tranh không cân sức này vai trò hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết. Bộ Công thương cần tập trung nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ những giải pháp hỗ trợ DN bán lẻ trong đào tạo, tư vấn pháp lý, tiếp thị và xúc tiến thương mại… Sự hỗ trợ này phù hợp các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường. Các cơ quan quản lý cấp giấy phép đầu tư cần xây dựng và quản lý chặt chẽ quy hoạch phát triển mạng lưới bán lẻ, nhất là việc cấp giấy phép địa điểm kinh doanh thứ hai cho các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, kiểm soát chặt chẽ việc phân cấp quản lý cho địa phương, tuân thủ quy hoạch chung cả nước và từng khu vực. Trong đó địa điểm của các trung tâm bán buôn, đại siêu thị phải đưa ra xa khu vực nội đô các thành phố lớn như thông lệ quốc tế.
Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart Vũ Thị Hậu cho biết: Từ năm 2011, cuộc cạnh tranh giữa các DN bán lẻ trong nước với các nhà bán lẻ nước ngoài bắt đầu thật sự quyết liệt. Để trụ vững trước những biến động của thị trường bán lẻ, Fivimart tập trung phục vụ nhóm đối tượng tiêu dùng có mức thu nhập trung bình và trên trung bình, thực hiện chiến lược mở rộng thị trường thông qua đầu tư nâng cấp mặt bằng và thái độ phục vụ. Đến nay, Fivimart đã xây dựng được hệ thống 13 siêu thị bán lẻ, chủ yếu tại thị trường Hà Nội. Mỗi siêu thị có trên dưới 20 nghìn mặt hàng, trong đó hơn 90% là hàng sản xuất trong nước, chỉ nhập khẩu những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được. Nguồn hàng trong siêu thị Fivimart được ký hợp đồng đặt trực tiếp cho các cơ sở sản xuất, bảo đảm giá cả hợp lý và chất lượng cao. Thông qua tiếp cận các nhà sản xuất, các siêu thị còn có chương trình quảng bá hàng sản xuất trong nước, thăm dò ý kiến người tiêu dùng, từ đó tư vấn trở lại cho nhà sản xuất để không ngừng hoàn thiện sản phẩm. Các hoạt động này sẽ tôn vinh hàng nội, thực hiện mục tiêu lâu dài “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trở thành cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Trong cuộc cạnh tranh không cân sức giữa các nhà bán lẻ trong nước và các tập đoàn bán lẻ hùng mạnh nước ngoài, có lợi thế mua tận gốc, bán tận ngọn, thu lợi nhuận cao, Nhà nước cần xem xét có chính sách hỗ trợ để DN vươn lên, mở rộng thị phần. Thay mặt Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Phan Thế Ruệ kiến nghị: Các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng đồng bộ chính sách và lộ trình mở cửa thị trường. Nghiên cứu xây dựng và thực thi các rào cản kỹ thuật để hỗ trợ DN bán lẻ trong nước trong quá trình hội nhập.
Việc xây dựng quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội các vùng, miền trong cả nước cần ưu tiên dành quỹ đất phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, trong đó có hạ tầng bán lẻ. Nghiên cứu, thực thi các cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ các nhà bán lẻ lớn mạnh đảm nhận vai trò cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng để từng bước chiếm lĩnh thị trường. Qua đó thiết lập một hệ thống bán lẻ trên phạm vi toàn quốc, từ địa bàn thành thị đến nông thôn. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Từng bước xây dựng hệ thống bán lẻ văn minh, hiện đại đi đôi với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thái độ phục vụ văn minh, nâng cao sức cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()