Nghề muối gặp khó
Chúng tôi về xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định vào một ngày nắng nhưng cả ruộng muối mênh mông chỉ thấy ông Lê Thanh Hạnh đang phơi cát, một trong những công đoạn của công nghệ làm muối cổ truyền. Ông năm nay đã ngoài 60 tuổi và có gần 45 năm gắn bó với nghề. Nghề muối cơ cực lắm – ông bắt đầu câu chuyện. Một ngày làm muối thường bắt đầu từ 6 giờ sáng cho đến tận chiều tối. Những ngày nắng gắt là thời điểm lao động vất vả nhất, có khi thời gian nghỉ ăn cơm cũng chả có. Vất vả là vậy nhưng mấy năm nay giá muối bấp bênh, liên tục giảm khiến đời sống các gia đình làm nghề muối gặp nhiều khó khăn. Như đầu vụ năm nay, giá muối có 800 đồng/kg, gần đây mới nhích lên 1.000 đồng/kg. Với mức giá này, ba sào muối của gia đình ông Hạnh cũng chỉ cho thu nhập một triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm mới đủ ăn.
Câu chuyện của ông Hạnh không phải là cá biệt ở một xã chuyên nghề muối như Bạch Long. Chúng tôi gặp chị Hường, chị Nga, chị Gấm, những người phụ nữ ngoài việc làm muối còn làm thêm nghề bốc vác muối từ đồng vào cho các cơ sở sản xuất chế biến. Gương mặt sạm đen vì nắng, già hơn tuổi 35 của mình, chị Gấm cho biết: Năm nay mưa nhiều, giá muối lại thấp, làm chẳng đủ ăn chứ nói chi đến lo cho con cái học hành. Những người chồng của các chị đều phải đi làm thợ xây, thợ hồ ở các tỉnh lân cận để kiếm thêm đồng ra đồng vào cho gia đình. Giá muối thấp, sản lượng kém không chỉ làm ngặt nghèo hơn đời sống của diêm dân mà những đại lý thu mua cũng lâm vào cảnh khốn đốn. Chúng tôi tới nhà ông Phạm Ngọc Cầu, một trong những gia đình “tiên phong” thu mua muối cho bà con, bắt đầu từ những năm 1985 – 1986. Hiện gia đình ông vừa sản xuất muối vừa là đại lý thu mua. Hỏi về nghề muối của gia đình, bà Cao Thị La, vợ ông Cầu lắc đầu quầy quậy: Nghề làm muối giờ sa sút quá. Nhà tôi có bảy sào muối, mấy năm trước, giá muối cao còn cho thu nhập kha khá, nhưng với giá hiện tại thì thất thu quá. Ở xã Bạch Long chúng tôi chuyên nghề muối nên còn bám nghề chứ như ở xã Giao Phong, đồng muối rộng mênh mông giờ bỏ hoang hết. Sản xuất muối đã vậy, khi hỏi về công tác thu mua, ông Cầu buồn bã: Năm nay việc thu mua muối cũng kém lắm, vì thời tiết thất thường, mưa nhiều nên sản lượng muối thấp. Ba tháng nay chúng tôi gần như chả thu mua được hạt muối nào. Không có muối bán, hoặc có thì giá thấp nên nhiều gia đình vẫn đến đại lý xin ứng trước tiền rồi trả sản phẩm sau. Làm ăn đã vất vả, khó khăn nhưng bà con kêu cũng xót ruột lắm. Mình từ chối cũng không đành, lại phải ứng tiền trước mà cũng chẳng biết khi nào thu lại được? Rồi ông “kết luận”: Chung quy cũng vì mấy năm nay, muối nhập khẩu tràn vào làng, xã nhiều quá. Theo ông Cầu, việc Công ty TNHH MTV Hóa chất cơ bản miền nam bị phát hiện biến 23 nghìn tấn muối nhập khẩu phục vụ công nghiệp thành muối ăn cũng không đáng ngạc nhiên. Vì khoảng hai, ba năm nay, muối ngoại đã tràn vào xã Bạch Long mà chính quyền không có sự can thiệp gì. Họ xay thứ muối này thành muối ăn để bán kiếm lời ngay trên mảnh đất chuyên sản xuất muối. Muối công nghiệp xay không hao tổn, một kg muối ngoại xay ra được đúng một kg muối tinh. Nhưng với muối sản xuất trong nước, một kg muối xay ra chỉ còn lại 75 đến 80% trọng lượng. Muối ngoại tràn vào đã làm chết muối sản xuất trong nước, diêm dân đã cơ cực nay lại càng khốn đốn.
Quy hoạch lại nghề làm muối
23 nghìn tấn muối công nghiệp được Công ty TNHH MTV Hóa chất cơ bản miền nam nhập với thuế suất ưu đãi chỉ 15%, nhưng sau đó đem bán ra thị trường với giá muối ăn (muối ăn phải chịu thuế suất 50%) tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số muối nhập khẩu hằng năm, nhưng là một hiện tượng nổi cộm của ngành muối trong thời gian qua. Dù nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng đã trả lời báo chí trong cuộc họp tổng kết mới đây của ngành muối rằng đây là lần đầu phát hiện có hiện tượng như vậy và số lượng muối nhập về làm muối ăn không nhiều, do đó mức độ thiệt hại không lớn. Nhưng nếu đặt 23 nghìn tấn muối công nghiệp được phù phép thành muối ăn bên cạnh 4.000 tấn muối ăn đang tồn kho tại các đại lý của xã Bạch Long sẽ thấy đó là một bức tranh tương phản. Từ đầu năm đến nay, gia đình ông Cầu chỉ tiêu thụ được 200 đến 300 tấn muối, trong khi vào thời điểm đó, năm 2010, lượng muối tiêu thụ được đã là hơn 1.000 tấn. Không chỉ riêng các xã ở Nam Định, tại các địa phương như Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu, lượng muối sản xuất phân tán trong dân đang dư thừa rất lớn.
Quy hoạch lại ngành muối không phải là chuyện của tương lai nữa mà là việc cấp bách cần làm. Bắt đầu từ việc hạn chế nhập khẩu muối cùng với việc nâng cao chất lượng muối trong nước. Theo nhận xét của các doanh nghiệp hóa chất, muối sản xuất trong nước không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu nên phải xin nhập khẩu muối. Điều đó cũng đúng, bởi không thể phủ nhận muối trong nước hiện vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công là chính, cộng với thời tiết thất thường nên có hai hạn chế lớn là lẫn tạp chất và không đủ độ khô. Tuy nhiên, vẫn còn lý do ngầm để giải thích cho hiện tượng đòi nhập muối của các doanh nghiệp hóa chất là do giá muối nhập khá rẻ, chỉ bằng một nửa giá muối sản xuất trong nước. Điều này thì không thể không dùng đến biện pháp can thiệp hành chính. Mà việc bỏ quản lý nhập khẩu muối bằng hạn ngạch, thay vào đó là điều hành bằng chính sách thuế để bảo đảm công bằng cần được thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan. Cùng với việc thay đổi quản lý đó là giải bài toán nâng cấp chất lượng hạt muối. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và khẳng định, nước biển của Việt Nam đủ điều kiện để sản xuất muối công nghiệp, cụ thể như đồng muối ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt nhanh chóng áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho vùng sản xuất muối. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng hạt muối.
Để những đồng muối không còn bị bỏ hoang thì diêm dân phải sống được với nghề làm muối. Nhất thiết ngành muối phải sớm được quy hoạch lại để cải thiện đời sống cho hàng vạn diêm dân trên những ruộng muối bỏng rát để mưu sinh.
Ý kiến ()