Để di sản văn hóa gần hơn với công chúng
LSO-Trong hai ngày 21 và 22/2/2017, giao lưu diễn xướng chầu văn mở rộng diễn ra tại Đền Cửa Đông (thành phố Lạng Sơn) với sự tham gia của 31 nghệ nhân, thanh đồng đến từ 8 tỉnh, thành phố, qua đó đưa chầu văn – di sản văn hóa nhân loại đến gần hơn với công chúng.
Dàn nhạc phục vụ phần diễn xướng của các nghệ nhân, thanh đồng |
Nghệ thuật chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức ca tụng công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo). Đây là loại hình di sản có nguồn gốc bản địa của người Việt, tồn tại lâu đời (từ thế kỷ 14, 15) và phát triển qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Có lẽ vì thế mà nghệ thuật hát chầu văn của Việt Nam hay và chuyên nghiệp hơn ở các nước khác. Ở nước ngoài, người biểu diễn hát văn sẽ kiêm luôn phần âm nhạc còn ở Việt Nam người biểu diễn có riêng một ban nhạc đi kèm. Trong diễn xướng chầu văn chứa đựng tất cả các giá trị nghệ thuật như: âm nhạc, văn hóa, nghệ thuật trình diễn, trang phục… Qua đó trao truyền đến người xem những giá trị về văn hóa, tâm linh, đề cao mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Chầu văn là một loại hình nghệ thuật có giá trị nhân văn sâu sắc, nhưng trên thực tế còn tồn tại những biến tướng phức tạp như: hầu đồng, hát bóng. Vì thế, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa – Du lịch, việc tổ chức giao lưu diễn xướng chầu văn lần này không chỉ nhằm mục đích khẳng định giá trị nghệ thuật, đưa chầu văn đến gần hơn với công chúng mà còn là dịp để các thanh đồng, nghệ nhân gặp gỡ giao lưu trao đổi kinh nghiệm, định hướng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, tránh xa mê tín dị đoan.
Đến với chương trình giao lưu lần này, 31 nghệ nhân đến từ 8 tỉnh, thành phố đã mang đến những tiết mục trình diễn đặc sắc, thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả. Mỗi nghệ nhân trình diễn 3 giá đồng như: Quan Tam Phủ, Chầu Đệ Nhất, Chầu Đệ Nhị, Chầu Bé Bắc Lệ, Chầu Bát… Mỗi giá là một trang phục, đạo cụ, nền nhạc và phong cách trình diễn độc đáo, khác biệt. Bằng cách sử dụng âm thanh mang tính tâm linh với lời văn trau chuốt, nghiêm trang, các tiết mục diễn xướng đã toát lên tính nhân văn sâu sắc, hướng tới chân – thiện – mỹ và thể hiện ước vọng của nhân dân về một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Nghệ nhân Nguyễn Thị Loan, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tham gia chương trình giao lưu lần này, tôi thể hiện 3 giá chầu với ước muốn đất nước thái bình, gia trung bình an, con cháu khỏe mạnh, chúng tôi luôn mong muốn truyền dạy để thế hệ sau tiếp nối và thực hành tín ngưỡng đúng.
Nghệ nhân ưu tú Tạ Thị Bích Lộc, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn bộc bạch: Theo đuổi nghề mấy chục năm nay, được Đảng và Nhà nước quan tâm, tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm với di sản văn hóa tâm linh của đất nước, tổ chức hoạt động có ý nghĩa, tiết kiệm, an toàn và đúng quy định của pháp luật.
Ông Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam khẳng định: Nhiều lần đến Lạng Sơn, chúng tôi nhận thấy văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây rất phong phú, đa dạng. Giao lưu lần này là dịp để các nghệ nhân thanh đồng được thể hiện, đồng thời giao lưu, học hỏi, điều chỉnh để tìm cách thực hành tín ngưỡng đúng. Đây cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu phát hiện những cái lạc hậu để loại trừ. Mong rằng qua đây, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nghiên cứu, hoạch định hướng đi cho các thanh đồng thực hành tín ngưỡng có tính pháp lý, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()