Để ‘đầu tàu’ kinh tế của đất nước đi càng nhanh càng tốt
Chiều 20/2, tại phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại phiên họp, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị định; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị định.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng với bố cục gồm 4 chương, 13 điều, với các quy định cụ thể về quản lý ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh; huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển Thành phố Hồ Chí Minh…
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, quan điểm xây dựng Nghị định là bảo đảm tuân thủ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thống nhất với các luật hiện hành; kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Nghị định số 124/2004/NĐ-CP và Nghị định số 61/2014/NĐ-CP của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường giám sát việc vay nợ, phân bổ và sử dụng vốn vay, trả nợ, quản lý rủi ro; bảo đảm an toàn nợ công; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Mục tiêu xây dựng Nghị định là tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố trong lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước; đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết của Nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách Nhà nước, tạo động lực phát triển các nguồn lực, phân bổ ngân sách tập trung, hợp lý, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, khắc phục những tồn tại của Nghị định số 124/2004/NĐ-CP và Nghị định số 61/2014/NĐ-CP.
Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 18/11/2002 và Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị, quy định tại Điều 75 của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2004/NĐ-CP và Nghị định số 61/2014/NĐ-CP ngày 19/06/2014 về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau hơn 12 năm thực hiện, cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, huy động nguồn lực đầu tư, phát huy vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của khu vực phía nam và cả nước.
Mặt khác, thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, một số quy định tại Nghị định số 124/2004/NĐ-CP và Nghị định số 61/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã không còn phù hợp, cần sửa đổi để bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật; đồng thời, thực hiện Kết luận số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Thành phố trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ xây dựng Nghị định mới quy định về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh là hoàn toàn cần thiết.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính-Ngân sách kiến nghị UBTVQH ban hành Thông báo ý kiến gửi Chính phủ để làm cơ sở ban hành Nghị định.
Tại phiên họp, UBTVQH đã thảo luận về những nội dung của dự thảo Nghị định liên quan đến vấn đề về bội chi ngân sách địa phương và mức dư nợ vay; quỹ dự trữ tài chính Thành phố; việc huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển Thành phố; mức thưởng vượt thu…
Ý kiến của nhiều thành viên UBTVQH khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, phát triển nhanh và năng động, có vai trò và vị trí quan trọng của vùng và của cả nước; có tiềm năng hấp dẫn thu hút đầu tư và có khả năng tạo ra nguồn tài chính lớn và thực sự là “đầu tàu” kinh tế của đất nước. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết để cho “đầu tàu này đi càng nhanh càng tốt” theo như phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến tại phiên họp.
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH nhận thấy, Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn của phía nam và là đầu tàu kinh tế của cả nước, do vậy Thành phố Hồ Chí Minh cần có các cơ chế, chính sách đặc thù và việc xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết. UBTVQH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị định, song các chính sách mà Chính phủ đề ra cần có điểm mới và phải tăng thêm nguồn lực cho Thành phố để thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương và trở thành trung tâm kinh tế của cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình UBTVQH xem xét.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()