“Để đàn then mãi ngân vang”
LSO-Những năm qua, âm thanh trầm bổng của đàn tính, cùng giọng hát ngọt ngào được cất lên thường xuyên ở nhiều ngõ phố, thôn bản của thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng. Đó là tiếng đàn, tiếng hát của các hội viên phụ nữ cất lên với tất cả niềm say mê dành cho cây đàn tính. Họ đã và đang góp phần vào việc gìn giữ và bảo tồn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của địa phương.
Phụ nữ thị trấn Na Sầm biểu diễn hát then tại Tượng đài Hoàng Văn Thụ nhân ngày lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua |
Huyện Văn Lãng hiện có 4 câu lạc bộ hát then – đàn tính với trên 60 hội viên. Trong đó, câu lạc bộ (CLB) hát then – đàn tính của thị trấn Na Sầm có 30 hội viên và duy trì hoạt động hiệu quả nhất. Trong số họ, chưa ai từng nghĩ có cơ hội được cầm đàn mà nay, chính họ đã có thể đánh đàn và biểu diễn như những “diễn viên” trên sân khấu. Bà Nguyễn Thị Lợi, Phó Chủ nhiệm CLB hát then – đàn tính thị trấn Na Sầm cho biết: Để có nhạc cụ và trang phục đồng bộ đi biểu diễn, mỗi thành viên trong CLB đầu tư trên 2 triệu đồng để sắm đàn tính, bộ xóc và may 2-3 bộ trang phục dân tộc.
Các thành viên chủ yếu là những người nội trợ. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình khiến họ luôn bận rộn, bươn chải kiếm sống, chăm sóc chồng con nhưng mỗi người đều dành một khoảng thời gian riêng cho mình. Đó là thời gian họ hòa mình cùng cây đàn tính, hát những câu then. Là những người dân bình thường nhưng ngoài nhiệt huyết, họ còn có tinh thần trách nhiệm với nghệ thuật. Những khi họ luyện tập cho chương trình văn nghệ, 10 giờ đêm vẫn còn thấy tiếng hát then cất lên ở nhà văn hóa khu dân cư, rồi hôm sau từ tờ mờ sáng, họ đã thức dậy để bắt đầu công việc ngày mới.
Có hội viên tuổi đã cao, mắt kém, đôi tay cũng không còn nhanh nhẹn nhưng luôn quyết tâm, chưa từng bỏ một buổi học then nào. Bà Hoàng Thị Khoài (khu 7), năm nay 78 tuổi chia sẻ: Trước khi ngủ, ngày nào tôi cũng cầm đàn tập đánh các bài then, có lúc đang nằm đánh đàn rồi ngủ say lúc nào không biết, con cháu phải cất đàn cho.
Đam mê đã kết nối họ trở thành những người thân thiết, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn, động viên nhau trong cuộc sống. Hội viên của các câu lạc bộ then cũng thường xuyên tự gặp gỡ, trao đổi tại nhà nhau những làn điệu then khó. Chính từ niềm say mê của những người bà, người mẹ, người chị ấy mà những câu hát, điệu then tự lúc nào đã ngấm vào những đứa trẻ. Ở nhà được nghe hát then, rồi đi học then, các em cũng được đưa đi theo. Dần dần, những đứa trẻ ấy không học mà thuộc làu những câu then, bắt chước theo điệu múa chầu, có bé còn đánh được đàn tính rất thuần thục.
Ông Nguyễn Công Tâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Na Sầm cho biết: “Từ khi CLB hát then được thành lập đến nay, chúng tôi luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để CLB có địa điểm sinh hoạt cũng như động viên các chị em phụ nữ có năng khiếu và đam mê tham gia sinh hoạt. Những năm qua, trong các dịp lễ hội xuân, ngày hội đại đoàn kết hay các sự kiện do địa phương tổ chức, không dịp nào thiếu những tiết mục đàn tính do chính các thành viên CLB “cây nhà lá vườn” biểu diễn.
Đây chính là những “hạt nhân” đem tiếng then mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của Lạng Sơn len lỏi đến từng khu phố, từng thôn bản. Có những hội viên là người dân tộc Kinh, nghe then nhiều rồi mê tiếng then. Dù không phải người dân tộc thiểu số, gặp nhiều khó khăn khi hát tiếng dân tộc nhưng họ vẫn nhiệt tình tham gia CLB và luôn cố gắng để có thể đàn và hát thật hay.
Để giữ gìn di sản văn hóa đặc sắc hát then – đàn tính, rất cần những con người “say” tiếng đàn tính như những người phụ nữ ở thị trấn Na Sầm. Bằng tình yêu của mình dành cho những điệu then, họ đang từng ngày, từng giờ giữ gìn và và truyền lại cho thế hệ sau, “để đàn then mãi ngân vang”.
HOÀNG NHƯ
Ý kiến ()