Để dân ca trở thành sản phẩm du lịch Xứ Lạng
LSO-Có thể thấy, trong mấy năm trở lại đây, sự xuất hiện của các tiết mục dân ca của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng tại các chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh đã có phần đậm nét hơn. Qua đó đã góp phần thiết thực vào xây dựng hình ảnh du lịch Xứ Lạng ngày càng khởi sắc trong mắt bạn bè, du khách. Chính vì vậy, có lẽ đã đến lúc cần tính đến chuyện làm sao để dân ca thực sự trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh…
Biểu diễn dân ca là nét văn hóa đặc trưng của lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng, thành phố Lạng Sơn hằng năm |
Chúng ta đều biết, dân ca vốn dĩ ra đời từ nhu cầu và đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, của cộng đồng các dân tộc. Do đó, từ làn điệu, lời hát, âm nhạc… đều rất mộc mạc, giản dị như tiếng lòng của mỗi người, là sự bày tỏ tâm tư tình cảm, ước vọng của mỗi người, mỗi cộng đồng sở hữu làn điệu, bài hát dân ca đó. Cho nên, dân ca dễ cộng cảm, đi vào lòng người nghe, người thưởng thức là thế. Dân ca các dân tộc Xứ Lạng cũng vậy. Trong mỗi làn điệu, bài hát then, sli, lượn,… đều chứa đựng, gửi gắm bao tâm tư, tình cảm của cộng đồng, đồng bào các dân tộc, rất đặc trưng với vùng đất biên ải.
Trên thực tế, vấn đề đưa dân ca trở thành sản phẩm du lịch đã được nhiều địa phương thực hiện thành công như: ca Huế, quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam bộ… Hay như ngay tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội cũng thường xuyên có hoạt động biểu diễn dân ca phục vụ du khách rất ý nghĩa. Qua đó còn là dịp để quảng bá, giới thiệu, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, giá trị di sản, tạo sự hấp dẫn cho điểm du lịch.
Nhận thấy rõ vai trò của dân ca các dân tộc trong việc xây dựng hình ảnh du lịch Xứ Lạng, thời gian qua, các hoạt động trình diễn, giao lưu dân ca đã được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm cùng với sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đáng chú ý, nhiều hình thức, không gian trình diễn đã, đang được thực hiện nhằm đưa dân ca đến với công chúng, du khách, người thưởng thức một cách gần gũi nhất như: giao lưu dân ca nhân Tuần văn hóa, thể thao và du lịch; trình diễn dân ca gắn với chương trình lễ hội hoa đào Xứ Lạng; không gian hang động Nhị, Tam Thanh; ngày chợ phiên, mùa lễ hội xuân Xứ Lạng…
Chị Nguyễn Thị Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) đến tham quan di tích Nàng Tô Thị đúng dịp diễn ra lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng xuân Mậu Tuất 2018 (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Trong lễ hội có biểu diễn hát then, đàn tính rất hay và ý nghĩa, rất đặc trưng cho lễ hội ở Lạng Sơn. Do đó, tôi sẽ luôn nhớ đến lễ hội này để mỗi năm có dịp lại lên dự hội…
Còn anh Cao Văn Tuấn (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đến xem hát sli, lượn và chụp ảnh lưu niệm tại khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ ngày 27 tháng Giêng vừa qua cho biết: Đây là lần thứ hai tôi đến Lạng Sơn. Lần này, trong hành trình cũng đã đến được cửa khẩu Tân Thanh, đi tham quan một số di tích. Giá như tại các điểm du lịch như: động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh… thường xuyên có trình diễn dân ca thì du khách sẽ có dịp kết hợp thưởng thức nhiều hơn. Hoặc buổi tối nếu có những điểm trình diễn dân ca phục vụ du khách lưu lại Lạng Sơn cũng rất thú vị…
Có thể nói, nhờ công tác bảo tồn, phát huy được đẩy mạnh thời gian qua nên dân ca Xứ Lạng đã, đang có được chỗ đứng trong lòng du khách. Do đó, nếu dân ca gắn kết được với các tua, tuyến, điểm đến du lịch chắc chắn sẽ làm cho hành trình như được mở rộng, sản phẩm du lịch sẽ hấp dẫn, thu hút du khách hơn rất nhiều. Anh Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh trăn trở: Hiện nay, hội có hơn 400 hội viên và trên 50 câu lạc bộ dân ca trên toàn tỉnh. Để du khách có điều kiện thưởng thức dân ca Xứ Lạng, hằng năm hội đều đề ra kế hoạch hưởng ứng tham gia trình diễn, giao lưu dân ca tại các sự kiện tiêu biểu của tỉnh. Tuy nhiên, để du khách được thưởng thức, trải nghiệm nhiều hơn, rất cần có những điểm du lịch thường xuyên có hoạt động biểu diễn dân ca và vào các ngày nghỉ cuối tuần có đông du khách đến Lạng Sơn như tại động Nhị, Tam Thanh hay Bảo tàng tỉnh…
Để dân ca thực sự trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Xứ Lạng rất cần có sự quan tâm nghiên cứu, phát triển đúng mức của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng. Đặc biệt, cần có sự kết nối, chung tay giữa doanh nghiệp du lịch, dịch vụ với đơn vị tổ chức biểu diễn dân ca, quản lý điểm du lịch… một cách cụ thể, chặt chẽ. Được như thế, tin rằng, dân ca sẽ trở thành sản phẩm du lịch để lại ấn tượng rất sâu đậm trong mỗi du khách khi đến với Xứ Lạng.
VIỆT THỊNH
Ý kiến ()