Ðể đảm nhận vai trò tổng thầu các công trình lớn
Cùng với việc bảo đảm vận hành an toàn các nhà máy điện và lưới điện, việc đẩy nhanh xây dựng, cung cấp nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa quan trọng. Trên các công trình nhà máy nhiệt điện lớn, không khí lao động được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ, ngoài những nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, cũng cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế.
Cùng với việc bảo đảm vận hành an toàn các nhà máy điện và lưới điện, việc đẩy nhanh xây dựng, cung cấp nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội có ý nghĩa quan trọng. Trên các công trình nhà máy nhiệt điện lớn, không khí lao động được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ, ngoài những nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, cũng cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế.
Khẳng định năng lực
Dẫn chúng tôi vào công trường Nhiệt điện Vũng Áng 1 tại tỉnh Hà Tĩnh, Phó Giám đốc công trường, phụ trách quản lý tiến độ Lê Văn Bảo, thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) – Tổng thầu EPC Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 cho biết, tính đến thời điểm này, Lilama đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc của toàn bộ dự án. Trong đó, công tác thiết kế các hạng mục hoàn thành 99,5%, mua sắm, vận chuyển thiết bị đến công trường đạt 98,15%, xây dựng và lắp đặt đạt 91,5% so kế hoạch tiến độ đã điều chỉnh. Hiện nay, nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành như: sân phân phối của trạm biến áp 220 kV, nhà xử lý nước, hệ thống dầu bôi trơn tua-bin máy phát, hệ thống lò hơi phụ, hệ thống điều khiển… Kỹ sư Lê Thế Ðược, Ðội trưởng Ðội áp lực thuộc Công ty cổ phần Lilama 69-1 cho biết thêm, đơn vị đã tập trung huy động một lực lượng cán bộ, kỹ sư tinh nhuệ, tay nghề cao tại công trường. Khối lượng công việc do đơn vị đảm nhiệm đã hoàn thành khoảng 95%, bảo đảm an toàn, chất lượng. Ðây là môi trường tốt để anh em cán bộ, kỹ sư tích lũy kinh nghiệm, sẵn sàng cho các dự án phức tạp hơn sau này. Hiện, đường găng tiến độ là công tác chạy thử, mới đạt khoảng 15%, do đây là quá trình rất phức tạp, đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ cao. Công tác giải phóng mặt bằng cho hai hạng mục lớn là bãi thải xỉ và tuyến tải xỉ vẫn gặp một số vướng mắc. Hệ thống cung cấp nguồn nước thô đáp ứng yêu cầu về lưu lượng, áp suất để thay thế nguồn nước sinh hoạt đang sử dụng chạy thử để vận hành hệ thống xử lý nước còn chậm tiến độ. Quá trình thi công một số hạng mục của các nhà thầu xây dựng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án, nhất là đối với quá trình thi công tổ máy 2…
Một trong những điểm nổi bật tại Nhiệt điện Vũng Áng 1 là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa công tác chế tạo thiết bị. Ngoại trừ các thiết bị chính như: bao hơi, tua-bin, máy phát… là những thiết bị trong nước chưa thể sản xuất, đến nay Lilama đã hoàn thành chế tạo và lắp đặt 46 nghìn tấn trong tổng số khoảng 90 nghìn tấn thiết bị, trong đó có cả những loại thiết bị phi tiêu chuẩn. Ðồng thời, trên công trường xuất hiện nhiều sáng kiến đi tắt, đón đầu, rút ngắn tiến độ thi công nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu, chất lượng công việc. Theo Phó Giám đốc Lê Văn Bảo, do hệ thống cung cấp nước thô cho lò hơi phụ và hệ thống cửa nhận nước chậm tiến độ, do vậy để phục vụ công tác chạy thử, các đơn vị của Lilama đã chủ động mua nguồn nước từ địa phương, đồng thời thay đổi phương án dùng hệ thống nước làm mát tạm thời để thử áp lực lò hơi, rút ngắn tiến độ thi công khoảng sáu tháng. Tháng 4 vừa qua, Lilama đã đốt lò hơi phụ thành công. Ðây là một trong những mốc tiến độ quan trọng, chuẩn bị sẵn sàng cho đốt lò tổ máy 1 vào tháng 9 và hòa lưới điện vào tháng 12. Bên cạnh đó, trong quá trình lắp đặt, chế tạo thiết bị không để xảy ra sai sót nào lớn, được chủ đầu tư và giám sát thi công đánh giá cao. Tuy nhiên, các công đoạn phức tạp hơn còn ở phía sau khi việc tổ hợp, căn chỉnh toàn bộ hệ thống để đạt hiệu suất cao nhất cho tổ máy.
Tại Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 và 2 (có tổng công suất 2.280 MW, gồm bốn tổ máy), mặc dù là nhà thầu phụ nhưng Lilama đảm nhận lắp đặt khối lượng thiết bị khoảng 90 nghìn tấn và hiện đang chuẩn bị cho mốc quan trọng nhất của công trình là lắp đặt bao hơi tổ máy số 1 trong tháng 6, bao hơi tổ máy số 2 dự kiến vào ngày 20-7 và hoàn thành kéo hai bao hơi còn lại trong năm 2013. Theo tiến độ chung của dự án, việc lắp đặt kết cấu thép của lò hơi, Lilama đã vượt tiến độ một tháng so tiến độ đã ký với Tổng thầu Hyundai và được tổng thầu đánh giá cao về nhiều mặt: an toàn, quy trình tổ chức, triển khai thi công cũng như năng lực tay nghề của đội ngũ thợ lắp máy…
Ðánh giá về người thợ Lilama, ông R.O-be-ren-đơ, Giám đốc Dự án của Công ty Fichtner, đơn vị phụ trách giám sát thi công tại Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 cho biết: Ông đã từng tham gia nhiều dự án với Lilama và các công ty thành viên từ Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1, 2, Nhơn Trạch và nay là Nhiệt điện Vũng Áng 1. Ông đánh giá cao kinh nghiệm, tinh thần của nhà thầu Lilama, khả năng làm việc nhóm của công nhân, kỹ sư Lilama khá tốt bất chấp các điều kiện làm việc nặng nhọc tại các công trường. Ðội ngũ cán bộ, kỹ sư và người thợ lắp máy có thể đảm nhiệm những công việc phức tạp và đã đào tạo được nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực, đặc biệt trong một số lĩnh vực kỹ thuật cao. Ngay tại công trường Nhiệt điện Vũng Áng 1, khi phát hiện sự chậm trễ, Lilama đã đưa ra những giải pháp linh hoạt hỗ trợ kịp thời các đơn vị nhà thầu, giải quyết những vấn đề phát sinh để bảo đảm tiến độ chung. Nhất là trong giai đoạn phức tạp hiện nay, khả năng điều phối, quản lý dự án của Lilama được đánh giá cao, giúp công việc suôn sẻ. Về phía Công ty Fichtner ông R.O-be-ren-đơ hy vọng sẽ tiếp tục được hợp tác với Lilama trong các dự án tiếp theo.
Cần cơ chế, chính sách tháo gỡ
Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn tâm sự, thực tế một dự án xây dựng thường kéo dài hàng năm, mức giá thầu được xác định tại thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng, trong khi phần dự phòng của các dự án sử dụng vốn ngân sách rất thấp, không theo kịp đà tăng của các nguyên, nhiên liệu đầu vào, lãi suất lãi vay và tỷ giá. Do vậy, việc điều chỉnh dự toán tổng thầu là điều khó tránh khỏi. Ðơn cử, dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, mức giá thầu được áp dụng tại thời điểm ký hợp đồng (năm 2005), do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến cuối năm 2013 mới có thể phát điện tổ máy 1. Hơn nữa, tổng giá trị EPC của Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 là 1,174 tỷ USD có tổng công suất 1.200 MW (2×600 MW), nếu đem so sánh với một số dự án nhiệt điện khác như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 có tổng công suất 600 MW (2×300 MW), có giá trị tổng thầu lên tới 981 triệu USD (bao gồm các khoản thuế, phí) thì không khỏi chạnh lòng. Cũng không thể đem so sánh dự án sử dụng vốn ngân sách và dự án sử dụng vốn vay nước ngoài (Nhiệt điện Nghi Sơn 1 sử dụng 85% nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản), tuy nhiên, nhiều hạng mục quan trọng của Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đều do các công ty thành viên của Lilama đảm nhiệm. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, Lilama vẫn bảo đảm công ăn việc làm cho hơn 90% số công nhân lao động. Tổng công ty đang triển khai tái cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa, tập trung chuyển hướng vào các nhà máy nhiệt điện, lọc dầu (Nghi Sơn, Vũng Rô…), xi-măng và xuất khẩu hàng cơ khí. Với đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân hiện nay, Lilama có đủ khả năng làm chủ những kỹ thuật, công nghệ phức tạp và quản lý dự án tổng thầu các công trình lớn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất và cần tháo gỡ nhất là về nguồn vốn và những chính sách ưu đãi cho các nhà thầu trong nước.
Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những vấn đề khó khăn hiện nay là nhiều quy định trong Luật Ðấu thầu hiện đã không còn phù hợp, hầu hết các hợp đồng EPC nếu đem đấu thầu quốc tế thì chắc chắn các doanh nghiệp trong nước không đủ khả năng cạnh tranh. Nhiều dự án lớn mặc dù không trúng thầu, nhưng nhiều đơn vị trong nước vẫn được tổng thầu thuê làm thầu phụ. Ngoài ra, khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của các doanh nghiệp cơ khí như Lilama còn hạn chế, trong khi nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp còn thấp. Hiện, nguồn vốn ngân sách còn thiếu cho nên có điều khá thú vị là nhiều đơn vị thích làm thầu phụ hơn làm tổng thầu một phần do khả năng thanh toán và nguồn lực tài chính dồi dào của các chủ đầu tư, mặt khác các dự án này có mức dự phòng khá cao, khoảng 30% tổng dự toán, vì thế những phát sinh bất khả kháng trong quá trình thi công được giải quyết nhanh chóng. Do vậy, xét về lâu dài, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần có những chính sách ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước, đặc biệt là những đơn vị có đủ khả năng làm tổng thầu EPC các dự án, không để lãng phí nguồn lực chất xám, vì xét cho cùng tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động sẽ tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()