Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 81 năm ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn
I- BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Ngày 01/9/1939, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ đã ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đến cách mạng Việt Nam. Thực dân Pháp thi hành một loạt các chính sách thời chiến rất phản động thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ, ban bố lệnh tổng động viên, ra sức bắt người đi lính, vơ vét và cướp bóc của cải để cung cấp cho chiến tranh, tiến hành đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo… đẩy nhân dân ta vào cảnh sống ngột ngạt về chính trị, bần cùng về kinh tế, mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp ngày càng trở nên gay gắt.
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã kịp thời chỉ thị cho tất cả các cấp bộ Đảng rút vào hoạt động bí mật, chuyển các hoạt động về nông thôn, biến nông thôn thành căn cứ địa rộng lớn của cách mạng, duy trì các cơ sở hiện có ở khu vực thành thị. Tháng 11/1939, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì, đã quyết định chuyển phương hướng đường lối và phương pháp cách mạng trong tình hình mới. Ngay sau đó, Xứ ủy Bắc Kỳ đã gửi thông tri đặc biệt đến cơ sở Đảng ở Võ Nhai và Bắc Sơn để truyền đạt tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Trung ương.
Thực hiện chủ trương mới của Đảng, Đảng bộ Bắc Sơn tổ chức quần chúng, chọn những người vững vàng nhất đã qua thử thách đưa vào các hội phản đế. Đồng thời vận động quần chúng tìm những địa điểm bí mật, phân tán cất giấu lương thực, đề phòng địch khủng bố, cướp bóc; tuyên truyền, vận động trong hàng ngũ chức dịch nhằm tranh thủ, phân hoá những người trong bộ máy của địch, góp phần bảo vệ tốt các cơ sở Đảng.
Đứng trước những khó khăn của phong trào cách mạng ở Bắc Sơn, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt lên trực tiếp chỉ đạo các chi bộ Đảng Bắc Sơn mở rộng phong trào, gây dựng cơ sở cách mạng và cùng các đồng chí trong Đảng bộ Bắc Sơn gấp rút chuẩn bị lực lượng, tổ chức thêm các đội tự vệ bán vũ trang chờ thời cơ hành động.
II- DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ CUỘC KHỞI NGHĨA
Ngày 22/9/1940, Nhật kéo quân từ Quảng Tây (Trung Quốc) vượt biên giới tấn công Pháp ở Lạng Sơn. Sau vài trận chống cự yếu ớt, quân Pháp rút chạy qua Điềm He, Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên. Chính quyền địch ở những vùng này tan rã, các viên tri châu Điềm He, Tràng Định, Na Sầm chạy trốn. Đại lý Pháp [1] đồn trưởng Bình Gia vứt súng bỏ chạy, trên đường rút chạy, tàn quân Pháp đã cướp bóc nhiều tài sản, gây căm phẫn trong nhân dân. Sự hoảng loạn của thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã tạo thời cơ thuận lợi cho Đảng bộ và quần chúng cách mạng ở Bắc Sơn nổi dậy tiến hành cuộc khởi nghĩa.
Ngày 25/9/1940, một số đồng chí đảng viên vừa thoát khỏi nhà tù Lạng Sơn về tới châu Bắc Sơn, trong đó có đồng chí Nông Văn Cún (tức Nông Thái Long), Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức. Tối ngày 26/9/1940, các đồng chí Nông Văn Cún, Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức đã họp cùng các đồng chí Dương Công Bình, Hoàng Văn Hán tại thôn Nông Lục, xã Hưng Vũ để nhận định tình hình và thời cơ cách mạng, thảo luận phương án phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa vũ trang.
Sáng 27/9/1940, Ban Cán sự Châu ủy Bắc Sơn đã triệu tập, tổ chức cuộc họp quan trọng tại đình Nông Lục, xã Hưng Vũ quyết định phát động khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ngay trong ngày 27/9/1940. Giờ khởi nghĩa được chọn vào khoảng từ 19 giờ 30 phút đến 20 giờ. Ban Chỉ huy cuộc khởi nghĩa được thành lập gồm các đồng chí: Hoàng Văn Hán, Dương Công Bình, Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức và Nông Văn Cún do đồng chí Hoàng Văn Hán làm Chỉ huy trưởng. Mục tiêu tấn công đầu tiên là đánh chiếm đồn Mỏ Nhài, châu lỵ Bắc Sơn.
Khoảng 20 giờ ngày 27/9/1940, dưới sự chỉ huy của các đồng chí đảng viên, nhân dân các xã Bắc Sơn, Hưng Vũ, Chiêu Vũ, Trấn Yên, Ngư Viễn với vũ khí gồm gươm, giáo, dao, gậy gộc, 20 súng trường, 8 súng kíp và 30 hòm đạn. đã đồng loạt nổ súng tấn công đồn Mỏ Nhài [2] . Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa ngoài quần chúng cách mạng còn có một số người nguyên là tổng đoàn, xã đoàn, lính dõng và lĩnh khố đỏ. Ban Chỉ huy khởi nghĩa chia đoàn quân khởi nghĩa làm 03 bộ phận, theo 3 hướng tấn công [3] . Trước khí thế của quân khởi nghĩa, Tri châu Hoàng Văn Sỹ và binh lính đã bỏ chạy qua đèo Canh Giàn (xã Trấn Yên) sang châu Bằng Mạc. Quân khởi nghĩa thu được 17 súng, 1 máy chữ và toàn bộ giấy tờ, triện đồng [4] .
Sau khi chiếm được đồn Mỏ Nhài, quân khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn châu lỵ Bắc Sơn, cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng giành được thắng lợi. Ban Chỉ huy cuộc khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân và tay sai.
Cũng trong ngày 27 và ngày 28/9/1940, quân khởi nghĩa đón đánh và tiêu diệt được 07 tên lính Pháp ở đèo Canh Tiếm (nay thuộc xã Chiến Thắng), phục kích bắn chết 01 sĩ quan và 04 lính Pháp ở đèo Dập Dị (xã Vũ Lăng).
Trước tình thế đó, Pháp, Nhật thỏa hiệp với nhau để tập trung đàn áp cuộc khởi nghĩa. Thực dân Pháp đưa quân lên chiếm lại đồn Mỏ Nhài, châu lỵ Bắc Sơn và đàn áp nhân dân dữ dội. Tuy nhiên, địch vẫn không dập tắt được tinh thần chiến đấu của nhân dân, phong trào cách mạng, tổ chức quần chúng và khí thế khởi nghĩa ở Bắc Sơn vẫn được duy trì.
Đầu tháng 10/1940, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ đến Bắc Sơn trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Ngày 14/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh triệu tập một cuộc họp với các đảng viên ở Sa Khao, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương) để bàn về các biện pháp xây dựng phong trào cách mạng Bắc Sơn. Qua thảo luận, hội nghị quyết định:
1– Tập trung đảng viên và một số quần chúng tích cực, thu thập vũ khí để thành lập Đội du kích Bắc Sơn.
2– Xây dựng vùng Nà Tấu (xã Ngư Viễn), Sa Khao, Mỏ Tát, Bản Ne, Nam Nhi, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương) thành khu căn cứ du kích Bắc Sơn.
3-Giải tán chính quyền địch, thu bằng triện của kỳ hào, tiễu trừ mật thám, tịch thu tài sản của bọn phản động chia cho nhân dân.
4-Tích trữ lương thực để chuẩn bị đối phó lâu dài với địch, tổ chức mít tinh, kêu gọi quần chúng nhân dân ủng hộ cách mạng.
5-Thành lập Ban Chỉ huy tiếp tục đẩy mạnh cuộc khởi nghĩa [5]
Thực hiện quyết định của Hội nghị ngày 14/10/1940, Ban Chỉ huy khởi nghĩa tổ chức cuộc mít tinh, diễn thuyết tại Đon Úy, xã Vũ Lăng với hơn 1000 người là đảng viên và quần chúng cách mạng tham gia. Thay mặt Ban Chỉ huy, đồng chí Trần Đăng Ninh tuyên bố thành lập Đội du kích Bắc Sơn [6]. Sau thời gian ngắn được củng cố, đến cuối tháng 10/1940, Đội du kích Bắc Sơn đã có 200 đội viên, tổ chức thành các tiểu đội du kích (mỗi tiểu đội 10 người), trang bị vũ khí toàn đội có 20 khẩu súng trường và 200 súng kíp. Đội du kích Bắc Sơn là đội du kích đầu tiên do Đảng ta thành lập và trực tiếp chỉ huy. Với sự hoạt động tích cực của Đội du kích, chỉ sau thời gian ngắn, phong trào đấu tranh bảo vệ căn cứ, tiễu trừ Việt gian, phản động đã phát triển ra hầu hết các xã Hữu Vĩnh, Ngư Viễn, Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hưng Vũ, Chiêu Vũ, Trấn Yên, Bắc Sơn, Nhất Hòa.
Trước khí thế đấu tranh sôi nổi của quần chúng, Ban Chỉ huy Đội du kích quyết định tập trung lực lượng đánh chiếm đồn Mỏ Nhài. Trước khi tiến công, ngày 28/10/1940, Ban Chỉ huy tổ chức một cuộc mít tinh lớn với sự tham gia của hơn 1.000 quần chúng tại trường Vũ Lăng để vận động quần chúng và biểu dương lực lượng. Giữa lúc quần chúng cách mạng đang dự mít tinh, quân Pháp và tay sai đã huy động lực lượng tập kích bất ngờ, làm cho lực lượng của ta bị phân tán. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bị kẻ thù khủng bố và đàn áp khốc liệt.
Sau cuộc tập kích của địch, ngày 29/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh đã triệu tập một cuộc họp gồm các đồng chí đảng viên trung kiên của Đảng bộ Bắc Sơn tại thôn Nà Pán, xã Vũ Lăng (nay thuộc xã Tân Hương). Sau khi thảo luận, nhận định tình hình, Ban Chỉ huy quyết định:
1- Rút toàn bộ cán bộ, đảng viên đã bị lộ cùng du kích vào rừng sâu để tiến hành hoạt động bí mật.
2- Đối với cán bộ, đảng viên chưa bị lộ thì kiên quyết bám lấy quần chúng để củng cố và giữ vững cơ sở cách mạng ở các xã thuộc châu lỵ Bắc Sơn.
3- Gấp rút chuẩn bị để có thể chủ động chống cuộc khủng bố lớn của địch.
Từ ngày 30/11/1940, khi được phát xít Nhật đem quân trở lại đóng ở các doanh trại Lạng Sơn, Đồng Đăng là những điểm gần Bắc Sơn, thực dân Pháp đã tăng cường khủng bố Bắc Sơn. Nhiều làng bản bị đốt phá, nhiều quần chúng cách mạng bị bắt, giết.
Sau khi phân tích tình hình cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 họp từ ngày 6 đến ngày 8/11/1940 tại làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Dự hội nghị có các đồng chí: Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh… Hội nghị đã quyết định duy trì Đội du kích Bắc Sơn làm cơ sở cho xây dựng lực lượng cách mạng, thành lập căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai. Nhiệm vụ và phương hướng hoạt động của Đội du kích Bắc Sơn là kết hợp hình thức vũ trang tuyên truyền, vừa chiến đấu chống khủng bố, vừa bảo vệ và xây dựng cơ sở quần chúng. Trước sự lớn mạnh của Đội du kích, địch tiến hành khủng bố ác liệt phong trào, nhiều quần chúng cách mạng và chiến sĩ du kích bị bắt, sát hại.
Trước tình thế khó khăn của du kích và đồng bào Bắc Sơn, Trung ương Đảng phát động nhân dân cả nước ủng hộ vật chất cho du kích Bắc Sơn, tiêu biểu là quần chúng các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nội. Đồng thời, thay mặt Xứ ủy Bắc kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ giao nhiệm vụ cho các đồng chí Lương Văn Tri, Hoàng Văn Thái, Bùi Thống, Bình Tiến, Ái… lên chỉ đạo, tăng cường củng cố lực lượng du kích và xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai (Thái Nguyên).
Thực hiện quyết định của Xứ ủy Bắc Kỳ, tháng 01/1941, đồng chí Lương Văn Tri và tổ cán bộ tăng cường đến Võ Nhai và Bắc Sơn. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lương Văn Tri, chỉ trong một thời gian ngắn các tiểu đội du kích đã tập hợp về Bắc Sơn và một phần của Võ Nhai. Đội du kích được bổ sung thêm vũ khí, lương thực và tiến hành huấn luyện chiến tranh du kích [7] .
Nhận định về cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng đã khẳng định: “Khởi nghĩa Bắc Sơn đã giúp cho Đảng ta rút ra những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu về phương pháp lãnh đạo và tiến hành khởi nghĩa vũ trang” [8].
III- VỊ TRÍ, Ý NGHĨA, BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA BẮC SƠN
1- Vị trí, ý nghĩa lịch sử cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn
Khởi nghĩa Bắc Sơn mở đầu cho phong trào đấu tranh vũ trang của Đảng, từ phong trào ở địa phương chưa có lực lượng vũ trang trở thành phong trào do Trung ương lãnh đạo, tổ chức được đơn vị vũ trang đầu tiên của Đảng. Khởi nghĩa Bắc Sơn đã giữ một vị trí quan trọng trong tiến trình cách mạng nước ta.
Khởi nghĩa Bắc Sơn có ý nghĩa lịch sử quan trọng là tiếng súng mở đầu phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương; đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn sau những năm đấu tranh kiên cường, gian khổ. Từ hình thức đấu tranh lẻ tẻ với mục tiêu đòi quyền dân chủ lên hình thức đấu tranh chính trị rộng rãi, từng bước sử dụng đấu tranh vũ trang, tập dượt cho quần chúng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Khởi nghĩa Bắc Sơn đã có tác dụng trực tiếp, tích cực cổ vũ tinh thần đoàn kết đấu tranh cách mạng của nhân dân trong tỉnh; căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai được thành lập đã trở thành nòng cốt cho việc củng cố và phát triển phong trào cách mạng của các địa phương trong tỉnh. Từ cuối năm 1940 đến đầu năm 1941, hoạt động của Đội du kích Bắc Sơn đã góp phần tuyên truyền, giác ngộ và bước đầu xây dựng được nhiều cơ sở quần chúng cách mạng ở các huyện lân cận như Bình Gia, Bằng Mạc, Hữu Lũng, tạo ra những tiền đề cần thiết cho việc mở rộng địa bàn của phong trào cách mạng trong tỉnh.
Tinh thần đấu tranh của Khởi nghĩa Bắc Sơn đã góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước. Các địa phương đều ủng hộ phong trào Bắc Sơn, học tập Bắc Sơn, noi gương Bắc Sơn xây dựng lực lượng vũ trang, đợi thời cơ khởi nghĩa.
Khởi nghĩa Bắc Sơn đã mở đầu thời kỳ cách mạng nước ta sử dụng các hình thức bạo lực cách mạng, đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng kết hợp với tiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng, đánh đổ thực dân và phong kiến, giành độc lập, tự do. Tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn đã thức tỉnh tinh thần cách mạng của nhân dân cả nước. Khởi nghĩa Bắc Sơn mãi mãi được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Khởi nghĩa Bắc Sơn đã chứng minh dự đoán của Đảng ta về bản chất cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, về khả năng thắng lợi của cách mạng nước ta ngay khi cuộc chiến tranh đang diễn ra là hoàn toàn đúng đắn.
Việc sử dụng hình thức vũ trang giành chính quyền của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã trở thành bài học sâu sắc cho quá trình chuẩn bị lực lượng mọi mặt, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945 ở Lạng Sơn.
2- Bài học kinh nghiệm
Khởi nghĩa Bắc Sơn là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã để lại cho cách mạng Việt Nam những bài học vô cùng quý báu:
– Một là, về nắm vững thời cơ khởi nghĩa: Khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, Đảng bộ Bắc Sơn đã chủ động, lãnh đạo nhân dân chống khủng bố, chuẩn bị đón thời cơ khởi nghĩa như: Phát triển cơ sở cách mạng, vận động đoàn dõng và lực lượng vũ trang của địch ở địa phương ngả theo cách mạng.. khi tàn quân Pháp chạy qua Bắc Sơn khủng bố nhân dân, để chống khủng bố, nhân dân đã tự động tập kích bắn tỉa và tước vũ khí của chúng. Đảng bộ Bắc Sơn đã nắm thời cơ khởi nghĩa; quyết định tiến hành khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940 là đúng lúc, kịp thời và giành được thắng lợi quan trọng.
– Hai là, về vai trò của quần chúng trong khởi nghĩa vũ trang: Lực lượng quần chúng tham gia cách mạng là yếu tố quyết định cho thành công. Một phong trào yêu nước không có lực lượng quần chúng nhân dân hưởng ứng đều nhanh chóng đi đến thất bại. Có sự tham gia của đông đảo quần chúng, khởi nghĩa Bắc Sơn đã tiến hành được khởi nghĩa vũ trang. Được Nhân dân các dân tộc ở địa phương tận tình giúp đỡ, Ban Chỉ huy cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã đương đầu được với những cuộc càn quét khủng bố dã man của địch.
– Ba là, về vấn đề xây dựng chính quyền cách mạng và thực hiện chuyên chính vô sản: Khởi nghĩa Bắc Sơn có hai ưu điểm nổi bật là nắm thời cơ, khởi nghĩa đúng lúc kịp thời và tranh thủ tập hợp được lực lượng đông đảo quần chúng tham gia khởi nghĩa. Nhưng khởi nghĩa Bắc Sơn cũng đã phạm một khuyết điểm rất lớn là chưa thành lập được chính quyền cách mạng ở những nơi đã xóa bỏ được chính quyền địch. Vì vậy chưa thực hiện được chuyên chính cách mạng để trấn áp triệt để bọn phản cách mạng. Do chưa thành lập chính quyền cách mạng nên ảnh hưởng của khởi nghĩa Bắc Sơn phần nào bị hạn chế và sức mạnh của khởi nghĩa bị giảm sút. Đồng chí Trường Chinh đã nhận xét: “Khuyết điểm của khởi nghĩa Bắc Sơn là đã không sớm dùng chiến tranh du kích để châm ngọn lửa cách mạng ra địa phương khác trong tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh lân cận, từ ngày 29/9/1940 đến ngày 13/4/1941 đã chuyển sang phòng ngự …” [9].
– Bốn là, về vấn đề kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị: Phân tích và tổng kết những bài học quý báu mà cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã để lại cho Đảng và nhân dân ta, đồng chí Trường Chinh đã nhấn mạnh: “Khởi nghĩa Bắc Sơn chứng tỏ rằng con đường khởi nghĩa đúng đắn ở nước ta là con đường bạo lực cách mạng, thể hiện sự kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị của quần chúng”. Kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn cho thấy sự kết hợp chặt chẽ giữa chính trị và quân sự trong đấu tranh vũ trang và xây dựng lực lượng vũ trang là một nguyên lý hết sức quan trọng, nó quyết định sức mạng của quân đội cách mạng và quyết định thắng lợi của đấu tranh vũ trang.
IV- PHÁT HUY TINH THẦN KHỞI NGHĨA BẮC SƠN, ĐẢNG BỘ, QUÂN VÀ DÂN CÁC DÂN TỘC LẠNG SƠN ĐÃ VƯỢT QUA MỌI KHÓ KHĂN, THỬ THÁCH ĐẠT NHIỀU THÀNH TỰU TRONG ĐẤU TRANH, XÂY DỰNG, BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC
Sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn cùng với quân dân cả nước đã làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cùng với toàn Đảng, toàn dân ta, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã giành được những chiến công hiển hách: Ba Sơn, Chi Lăng, Lũng Vài, Lũng Phầy… biến con đường số 4 anh hùng thành “Con đường chết” đối với quân thù, giải phóng biên giới, giải phóng Lạng Sơn, tạo ra một địa bàn hậu phương quan trọng, góp phần đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc ta đi đến thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ (07/5/1954) “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh nêu cao tinh thần cách mạng kiên cường vừa chiến đấu, vừa xây dựng, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trở thành “Cảng nổi” kiên cường mãi mãi đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca, là niềm tự hào của mỗi thế hệ cách mạng đang xây dựng và bảo vệ quê hương.
Phát huy truyền thống khởi nghĩa Bắc Sơn, trên chặng đường thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Kinh tế duy trì tốc độ phát triển khá cao trong nhiều năm liên tục. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2016 – 2020 đạt 7,8%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,5 triệu đồng (gấp 1,6 lần so với năm 2015); lĩnh vực nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới có bước chuyển biến tích cực; tư duy sản xuất bước đầu đã có sự thay đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia có kết quả tích cực; trong 5 năm có thêm 95 trường học đạt chuẩn quốc gia được chú trọng, hết năm 2020 toàn tỉnh có 225 trường đạt chuẩn. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Hết năm 2020 có 164/226 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (145/200 xã, phường, thị trấn sau sáp nhập). Các lĩnh vực văn hoá, thể thao, thông tin và truyền thông đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, an sinh xã hội được bảo đảm. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện tích cực, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm 3,61%. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Công tác đối ngoại được thực hiện chủ động và hiệu quả, triển khai đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minhgắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua việc học tập và làm theo Bác, toàn tỉnh có 682 tập thể, 1.090 cá nhân và 73 hộ gia đình tiêu biểu, điển hình tiên tiến được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Việc thực hiện Quy định của Trung ương và các nghị quyết, quy định của Tỉnh uỷ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, bước đầu đã ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo được những chuyển biến tích cực trong việc khắc phục những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, quân và dân các dân tộc trong tỉnh tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước lập thành tích chào mừng kỷ niệm 81 năm Ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn; kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (04/11/1831 – 04/11/2021); kỷ niệm 112 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng văn Thụ (04/11/1909 – 04/11/2021) …kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; phấn đấu xây dựng Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ LẠNG SƠN
[1] – Đại lý là chức danh cầm đầu bộ máy cai trị cả châu, do thực dân Pháp sắp đặt.
[2]– Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1930-1985, NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2019, trang 65
[3]– Bộ phận chủ lực do đồng chí Hoàng Văn Hán chỉ huy gồm 16 tay súng: 10 súng trường và 06 súng kíp tiến theo đường chính từ phía chợ tiến lên đồn. Một bộ phận do đồng chí Dương Công Bình chỉ huy gồm 10 tay súng: 6 súng trường, 4 súng kíp. Bộ phận còn lại có 4 tay súng và một số súng kíp do nguyên tổng đoàn Hoàng Đình Phú phụ trách đánh vào phía sau đồn.
[4]– Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1930-1985, NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2019, trang 65
[5]– Ban chỉ huy căn cứ du kích Bắc Sơn gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thành Diên, Chu Văn Tấn, Hà Khai Lạc, Dương Quốc Vinh.
[6]– Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1930-1985, NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2019, trang 66
[7]– Đồng chí Lương Văn Tri – Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng (1910-1941), NXB VHTT, 2014, trang 70-71.
[8]– Trường Chinh: Diễn văn kỷ niệm lần thứ 40 ngày khởi nghĩa Bắc Sơn, Báo Nhân dân ngày 30 – 9 – 1980.
[9]– Đồng chí Lương Văn Tri – Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng (1910-1941), Nxb. VH-TT, HN, 2014, tr. 70-71.
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()