Ðể công tác thi hành án dân sự thật sự hiệu quả
Công tác thi hành án dân sự (THADS) có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan nhà nước, công dân, tổ chức, doanh nghiệp theo đúng bản án và quyết định của tòa án. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục đổi mới công tác này để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự.Bạn đọc Vĩnh Linh (Kon Tum): Trong những năm qua, công tác THADS có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau khi Luật THADS và các văn bản hướng dẫn được ban hành. Tuy nhiên, hiệu quả công tác THADS còn thấp. Có nhiều bản án, quyết định của tòa án về dân sự, lao động, hôn nhân - gia đình có hiệu lực pháp luật, nhưng chưa được đưa ra thi hành hoặc đưa ra thi hành không triệt để. Công tác THADS hiện nay cần được đẩy nhanh tiến độ, thi hành dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài. Thực tế, công tác THADS còn nhiều bất cập, như các văn bản pháp luật về THADS còn chồng chéo,...
Bạn đọc Vĩnh Linh (Kon Tum): Trong những năm qua, công tác THADS có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau khi Luật THADS và các văn bản hướng dẫn được ban hành. Tuy nhiên, hiệu quả công tác THADS còn thấp. Có nhiều bản án, quyết định của tòa án về dân sự, lao động, hôn nhân – gia đình có hiệu lực pháp luật, nhưng chưa được đưa ra thi hành hoặc đưa ra thi hành không triệt để. Công tác THADS hiện nay cần được đẩy nhanh tiến độ, thi hành dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài. Thực tế, công tác THADS còn nhiều bất cập, như các văn bản pháp luật về THADS còn chồng chéo, tính khả thi chưa cao; đội ngũ chấp hành viên, thư ký, chuyên viên còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn nghiệp vụ; cơ sở vật chất của các cơ quan thi hành án chưa bảo đảm; sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác THADS thiếu đồng bộ, chưa phát huy hết trách nhiệm, nhất là trong việc cưỡng chế thi hành án.
Bạn đọc Bùi Lệ Thủy (An Giang): Trình tự thi hành án mặc dù có cải tiến, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục nhiêu khê, phiền phức. Đơn cử như trường hợp người phụ nữ muốn đề nghị được thi hành khoản cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn với số tiền có khi chỉ vài trăm nghìn đồng một tháng, nhưng cũng phải chuẩn bị đơn từ, hồ sơ rườm rà và sau nhiều lần đi lại vất vả mới được giải quyết. Một vướng mắc khác nữa là, hiện nay, hầu hết kho tang vật ở các địa phương đều nằm trong tình trạng quá tải. Do vậy, nhiều khi, người được thi hành án nhận được tài sản thì số tài sản này đã hư hỏng, xuống cấp, không còn sử dụng được hoặc giá trị sử dụng còn rất thấp.
Bạn đọc Phạm Văn Chung (TP Hồ Chí Minh): Thiết nghĩ, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án, chúng ta cần đẩy nhanh việc “xã hội hóa” công tác này. Nên sớm triển khai mô hình thí điểm ở TP Hồ Chí Minh nhân rộng ra cả nước. Việc “xã hội hóa” công tác THADS góp phần giúp Nhà nước giảm bớt gánh nặng về biên chế và kinh phí nhằm bảo đảm thực hiện tốt việc cải cách hành chính, tinh giản biên chế, giảm bớt sự đầu tư hỗ trợ từ ngân sách đối với công tác THADS. Việc “xã hội hóa” công tác THADS với việc mở các công ty, doanh nghiệp thu nợ thuê sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn nhu cầu THADS của công dân. Việc này sẽ rút ngắn được thời gian, thủ tục THADS và sẽ không phụ thuộc vào giờ giấc hành chính. Do đó, sẽ hạn chế tình trạng thiếu trách nhiệm, vụ lợi, sách nhiễu và tham nhũng của chấp hành viên và đội ngũ làm công tác THADS đang là vấn đề nhức nhối hiện nay ở một số địa phương. Việc “xã hội hóa” còn giúp việc quản lý công tác THADS được tốt hơn, đa dạng hơn. Khi đó, các cơ quan quản lý chỉ ban hành chính sách, cấp giấy phép hoạt động và thanh tra, kiểm tra quá trình hoạt động của các công ty có chức năng thu hồi nợ, đòi nợ thuê và THADS theo yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, trường hợp phát hiện vi phạm thì tiến hành xử lý. Lúc đó, cơ quan thi hành án không còn phải quản lý ôm đồm, cồng kềnh về các mặt khác như: tuyển dụng, đào tạo, xét nâng lương, nâng ngạch, hỗ trợ kinh phí… như hiện nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()