Cùng doanh nghiệp vượt khó
Trước đây, nói đến Nhà máy Hóa chất Việt Trì, là nghĩ ngay đến “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường nặng nề trong vùng vì máy móc lạc hậu. Giờ đây, công ty gần như “lột xác”: cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp; dây chuyền công nghệ mới công suất 30.000 tấn xút-clo/năm đi vào hoạt động ổn định, tạo ra các sản phẩm có chất lượng vượt trội. Công ty đã đầu tư gần 20 tỷ đồng trang bị dây chuyền xử lý nước thải khép kín theo công nghệ hiện đại. Dù công việc sản xuất, kinh doanh có lúc thăng trầm, nhưng hơn 80 đảng viên của công ty luôn sát cánh cùng Ban Giám đốc, đưa doanh nghiệp vượt khó và phát triển. Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy công ty Nguyễn Việt Hùng cho biết, lãnh đạo các cấp của công ty có 23 người thì 22 người là đảng viên. Tiêu chí để đề bạt các chức danh quản lý phải là đảng viên. Ba năm gần đây, nhất là sau Đại hội Đảng bộ Công ty tháng 6-2015, các nghị quyết của Đảng ủy được triển khai nghiêm túc dựa trên quy chế phối hợp giữa Đảng ủy với Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Tổng Giám đốc và các đoàn thể. Mọi hoạt động của Đảng ủy đều tập trung chỉ đạo sản xuất, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người lao động. Thu nhập bình quân đầu người là 7,3 triệu đồng/tháng, chưa kể một số chế độ khác do công đoàn Công ty bảo đảm. Kết quả sản xuất, kinh doanh khiến người lao động rất phấn khởi, công tác đảng được quan tâm hơn. Nhiều đảng viên đóng góp các ý kiến, sáng kiến có giá trị để xây dựng Công ty. Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc công ty Văn Đình Hoan có sáng kiến “Xử lý thu hồi hơi a-xít bay bốc trong quá trình đóng hàng a-xít HCL” làm lợi 3,2 tỷ đồng. Sinh hoạt của các chi bộ đổi mới hơn, từng đảng viên được phân công nhiệm vụ rõ ràng ghi trong sổ nghị quyết của chi bộ. Hằng tháng, các chi bộ đánh giá mức độ hoàn thành công việc của đảng viên. Mỗi năm, đội ngũ đảng viên được bổ sung bốn đến năm đồng chí trẻ, có trình độ.
Đến một số doanh nghiệp phát triển ổn định, chúng tôi có cảm nhận chung là các hoạt động của doanh nghiệp đều mang đậm dấu ấn của những đảng viên tận tụy, sáng tạo. Ở nơi làm ăn khó khăn thì đảng viên vẫn là những người đứng mũi, chịu sào, cùng lãnh đạo tìm cách gỡ khó. Trước nhiều thách thức của Công ty cổ phần May Vĩnh Phú, Bí thư Chi bộ, Giám đốc công ty Phạm Xuân Thủy lo nhất là một loạt công nhân có tay nghề cao xin nghỉ việc để tìm cách xuất khẩu lao động. 14 năm làm Giám đốc công ty, hơn ai hết, anh hiểu rõ cái khó khăn, vất vả của người thợ may. Tâm huyết với nghề, với công tác đảng, anh luôn duy trì sinh hoạt chi bộ và các đoàn thể mặc dù diện tích công ty chật hẹp và thời gian có hạn. Điều anh mong muốn là 15 đảng viên trong chi bộ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của công ty.
Công tác đảng cần thiết thực
Do khó khăn của thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ bị đình trệ; ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể.
Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh chỉ đạo các cấp ủy cơ sở sát cánh với lãnh đạo doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; khuyến khích các đơn vị liên kết, hợp tác kinh doanh, chủ động tìm kiếm bạn hàng trong Khối. Đồng thời, các cấp ủy phản ánh kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh có liên quan. Năm 2015, lãnh đạo các doanh nghiệp tập trung, ưu tiên cho việc đầu tư tái sản xuất, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Việc làm của hơn 22.000 lao động được bảo đảm với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 5,2 triệu đồng/tháng. Thí dụ như Công ty cổ phần Gạch men TASA đầu tư hơn 500 tỷ đồng lắp đặt các dây chuyền sản xuất gạch men… Đến nay, hơn 83% số doanh nghiệp bảo toàn vốn, 78% số doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Đảng bộ Khối thành lập được một tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, đưa số lượng tổ chức cơ sở đảng thuộc đảng ủy Khối lên 78 đơn vị, với hơn 4.400 đảng viên.
Để nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ Trương Thị Bích Thủy cho rằng, nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức đảng phải gắn liền với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với đặc thù và môi trường hoạt động của doanh nghiệp. Các cấp ủy cần đổi mới việc ra nghị quyết, cải tiến phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy các cấp.
Để hiện thực hóa nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Đảng ủy Khối bắt đầu bằng việc tăng cường đối thoại với cấp ủy cơ sở và chủ doanh nghiệp để nắm rõ khó khăn, vướng mắc, từ đó tham mưu, đề xuất với tỉnh, các cơ quan hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ theo hướng gắn với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy Khối thực hiện hai khâu đột phá là đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng ổn định, hiệu quả, bền vững đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Nhìn từ thực tế, tổ chức đảng trong doanh nghiệp chỉ hoạt động tốt khi người đứng đầu doanh nghiệp luôn mong muốn công tác đảng, đoàn thể có đóng góp thiết thực cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tránh các hoạt động hình thức, áp đặt máy móc. Những áp lực từ cơ sở đòi hỏi các đảng bộ, chi bộ trong mỗi doanh nghiệp phải hiểu biết về kinh tế, tham gia ý kiến có chất lượng với chủ doanh nghiệp, làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, với Đảng và Nhà nước.
Ý kiến ()