Ðể công chứng và chứng thực đến gần dân hơn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) mới đây thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ trình kỳ họp thứ bảy (QH khóa XIII) xem xét thông qua. Câu chuyện chuyên môn hóa hoạt động công chứng như thế nào để thuận lợi hơn nữa với người dân, đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu QH.
Vừa “hồng” vừa “chuyên”
Tại kỳ họp thứ sáu, QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Về cơ bản, các đại biểu QH đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi một cách toàn diện đạo luật này.
Nhiều ủy viên Ủy ban TVQH cũng như đại biểu QH đã góp ý mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH nhận thấy, về lâu dài, việc tách bạch, chuyên môn hóa hoạt động công chứng là cần thiết. Trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế ở nước ta hiện nay, cần giao cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ, văn bản như các cơ quan hành chính nhà nước đang làm. Ðiều đó giúp tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này. Ðiều này cũng phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng thế giới mà Việt Nam mới tham gia làm thành viên.
“Về lâu về dài phải tách bạch ra như vậy để chuyên nghiệp hóa. Nếu bây giờ mình chấp nhận “nửa xôi nửa thịt” như thế này, cơ quan soạn thảo luật cần phải lý giải rõ ràng, cụ thể là các cơ quan hành chính không đủ khả năng đáp ứng được việc chứng thực cho người dân thì mới “cho” (mở rộng phạm vi) việc này. Cần đánh giá đậm nét và rõ ràng hơn để có thể quyết định có giao không”. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH TRƯƠNG THỊ MAI |
Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình chung quanh vấn đề mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên, coi đây là yếu tố quan trọng nhằm tạo thuận tiện cho người dân, mặt khác giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính. Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo phải lý giải hiện nay, việc chứng thực của các cơ quan hành chính liệu có bảo đảm không? Ðã đáp ứng yêu cầu chưa hay bị quá tải? Ðại biểu nói: Nếu thấy là quá tải, không làm nổi thì phải mở ra thêm một kênh để cho người dân tới đó chứng thực. “Anh” công chứng làm những việc liên quan đến phạm vi nội dung, còn các cơ quan hành chính làm chứng thực là về mặt hình thức. Hai phạm vi đó hoàn toàn khác nhau…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu bày tỏ sự băn khoăn, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét mở rộng trong thời điểm phù hợp. “Dịch vụ công chúng ta sẽ chuyển giao cho tổ chức xã hội hóa lúc này phù hợp chưa, hay là đợi cho văn phòng công chứng, công chứng viên “lớn” lên một chút nữa”…
Về nội dung đề cập việc công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ, qua thảo luận, trong kỳ họp thứ sáu và qua thảo luận tại Ủy ban TVQH, vẫn còn hai loại ý kiến. Nhiều đại biểu QH tán thành giao công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được dịch như quy định trong dự thảo Luật. Quy định như vậy nhằm tăng cường việc kiểm soát, nâng cao chất lượng của bản dịch, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người yêu cầu công chứng.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy định công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được dịch. Cho rằng quy định này là không khả thi, đặc biệt là trong trường hợp các giấy tờ được dịch lại không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành. Với trình độ hiện tại, công chứng viên cũng chỉ có thể bảo đảm chứng thực chữ ký của người dịch như các Phòng tư pháp đang làm hiện nay. Theo đề xuất của Ủy ban Pháp luật của QH, để bảo đảm chất lượng của bản dịch, cần có quy định để quản lý tốt hơn các cá nhân, tổ chức thực hiện công việc dịch thuật và ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với những người này.
70 tuổi có được hành nghề công chứng?
Về độ tuổi hành nghề của công chứng viên (khoản 3 Ðiều 8) trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), không ít đại biểu đề nghị không nên giới hạn về độ tuổi hành nghề của công chứng viên trong Luật này, tương tự như đối với các ngành nghề mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa như luật sư, y bác sĩ, giáo viên…
Theo các đại biểu QH, điều đó sẽ giúp tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này. Hơn nữa, đội ngũ công chứng viên bao gồm cả viên chức tại các Phòng công chứng, công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động với các Văn phòng công chứng; và công chứng viên tự tổ chức hành nghề bằng hình thức thành lập Văn phòng công chứng. Do đó, việc hành nghề của từng đối tượng nêu trên sẽ tuân theo quy định tương ứng của pháp luật về lao động, về viên chức và các văn bản khác có liên quan.
Cho rằng nếu quy định về giới hạn tuổi hành nghề trong Luật này sẽ tạo ra sự thiếu thống nhất của hệ thống pháp luật, không phù hợp với thực tế hiện nay khi đội ngũ công chứng viên vẫn đang còn thiếu hụt, đại biểu Trương Thị Mai lập luận: Về tuổi hành nghề, tuổi hành nghề và tuổi nghỉ hưu hoàn toàn khác nhau. Tuổi hành nghề theo Bộ luật Lao động không khống chế tuổi kết thúc, chỉ khống chế tuổi đầu tiên được ký kết hợp đồng lao động là 15 tuổi. Nếu có khống chế, chỉ ở một số trường hợp đặc biệt, nếu thấy cần thiết.
“Người về hưu rồi, nếu thấy vẫn còn làm được, như giảng viên đại học, bác sĩ khám bệnh là quá tốt, làm sao có thể cấm, khống chế tuổi được, khi người ta còn có khả năng, năng lực đáp ứng nhu cầu người sử dụng lao động. Bộ luật Lao động không “khóa” tuổi hành nghề công chứng, tự nhiên “anh” Luật công chứng (sửa đổi) lại khóa tuổi hành nghề của công chứng? 70 tuổi còn làm công chứng được thì ai cấm!…”.
Chia sẻ với lập luận trên, đại biểu Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, cần xem xét cẩn trọng về độ tuổi hành nghề công chứng, vì nếu không sau này vụ việc lớn xảy ra, “đến khi có chuyện thì mới nói không ai quản lý”! – “Hơn 65 tuổi theo tôi có nghề làm cũng được nhưng phải có quy định hết sức chặt chẽ. Hiện nay trong xã hội có một số trường hợp đã 90 tuổi vẫn đứng đầu một cơ quan, không có luật nào điều chỉnh. Còn tầm 80, 70 tuổi vẫn tham gia quản trị những tổ chức kinh doanh rủi ro cao. Không biết cái này ai quản lý, mà cản cái này không được, vì không có luật điều chỉnh, không có nghị định, văn bản pháp quy nào điều chỉnh” – đại biểu Nguyễn Văn Giàu nói.
Trong khi đó, nhiều đại biểu khác đề nghị quy định “cứng” về giới hạn tuổi hành nghề công chứng là 65 tuổi, do đây là công việc có tính đặc thù, đòi hỏi độ chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao. Theo quy định, công chứng viên là người được Nhà nước bổ nhiệm, giao trách nhiệm chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nói riêng và ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của nền kinh tế nói chung. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH, nhiều đại biểu QH tán thành giao công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được dịch như quy định trong dự thảo Luật. Quy định như vậy nhằm tăng cường việc kiểm soát, nâng cao chất lượng của bản dịch, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người yêu cầu công chứng.
Trong cuộc họp gần đây, nhiều ý kiến của Ủy ban TVQH đề nghị cần xem xét quy định công chứng viên phải liên đới chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch và tính hợp pháp của văn bản được dịch để đề cao trách nhiệm của công chứng viên. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước yêu cầu nêu rõ trách nhiệm của công chứng viên đối với nguồn gốc, tính chất, giá trị pháp lý của văn bản gốc. Bởi lẽ, một văn bản công chứng có giá trị chứng cứ trong tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, như ý kiến phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, nếu bắt buộc công chứng viên chịu trách nhiệm tính xác thực của văn bản, thì liên quan đến trách nhiệm của người dịch. – Còn tính hợp pháp của văn bản ấy, lại nằm ở bản gốc, có thể nằm ngoài Việt Nam, ở tận Pháp, Tây Ban Nha…! Theo đại biểu, nếu chờ xác nhận được tính hợp pháp của văn bản đó thì sẽ rất khó khăn, gây ùn tắc, ách tắc rất nhiều và không làm được, ảnh hưởng nhiều hoạt động hành chính khác.
* “Ðể kiểm soát chất lượng của hoạt động công chứng, trong dự thảo Luật cần có quy định cụ thể hơn để quản lý tiêu chuẩn của người hành nghề công chứng trong suốt quá trình hành nghề, đặc biệt là tiêu chuẩn về sức khỏe (thí dụ như bổ sung cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước có thể định kỳ kiểm tra, quản lý việc bảo đảm điều kiện hành nghề của công chứng viên). Người không bảo đảm điều kiện hành nghề sẽ bị xem xét miễn nhiệm, không được tiếp tục hành nghề nữa”. BÁO CÁO CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QH |
* “Công chứng viên được Nhà nước bổ nhiệm để thay mặt Nhà nước cung cấp dịch vụ công. Do vậy, những người này cũng cần có tuổi nghỉ hưu để bảo đảm yêu cầu về việc hành nghề, nhất là về sức khỏe. “Anh” công chứng viên do Nhà nước bổ nhiệm suốt đời, cần phải khống chế tuổi hành nghề. Còn công chứng viên làm cho phòng công chứng thì theo Bộ luật lao động”. Bộ trưởng Tư pháp HÀ HÙNG CƯỜNG |
* “Chúng tôi vẫn giữ quan điểm là mở rộng phạm vi hoạt động công chứng để tạo điều kiện cho nhân dân, nâng cao tính cạnh tranh để phục vụ nhân dân tốt hơn. Ðồng thời, vẫn để cho các UBND thực hiện công việc chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như trước đây. Một lý lẽ khác cần phải tính đến, là trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, nhà nước xã hội dân sự thì cùng một loại việc, nếu Nhà nước làm cũng tốt, xã hội làm cũng tốt thì nên giao cho xã hội làm. Nhà nước lúc đấy thu thuế, không phải làm việc này nữa thì giúp “giảm tải” bộ máy công chức nhà nước. Ðây là một xu thế rất lớn mà thế giới người ta đang làm”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH NGUYỄN VĂN HIỆN |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()