Để có sự tin tưởng tuyệt đối của cử tri
Người ứng cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIV và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 nếu có được sự tin tưởng và ủng hộ của đại đa số cử tri trong đơn vị bầu cử nơi mình ứng cử thì cơ hội trở thành người đại biểu của nhân dân sẽ trở thành hiện thực.
Sự tin tưởng của cử tri
Vấn đề quan trọng đối với mỗi người ứng cử đó là phải có được sự tin tưởng của cử tri. Vậy người ứng cử phải làm gì và làm như thế nào để có được sự tin tưởng của cử tri đối với mình?
Cho đến thời điểm hiện tại, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã triển khai các bước bầu cử bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Sau ngày 17-4 vừa qua, Ủy ban MTTQ các cấp đã lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu QH khóa XIV, ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Và theo quy định của pháp luật, trước ngày 27-4, Hội đồng bầu cử và Ủy ban bầu cử các cấp lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử. Đến thời điểm này, những người ứng cử trong danh sách chính thức được công bố đều là những người xứng đáng, bảo đảm tiêu chuẩn và chất lượng của người ứng cử, vì đã trải qua các bước và ba vòng hiệp thương trên tinh thần dân chủ, công bằng và bình đẳng giữa những người ứng cử, không có sự phân biệt giữa những người ứng cử về giới tính, trình độ, tôn giáo, dân tộc… Giờ đây, những người ứng cử không còn là “chung chung” như danh sách sơ bộ những người ứng cử được lập sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, mà đã có hình ảnh, tên tuổi, thông tin cụ thể gắn với một đơn vị bầu cử với số lượng cử tri nhất định đã được cơ quan có thẩm quyền lập và công bố.
Pháp luật về bầu cử không những ghi nhận mà còn bảo đảm để người ứng cử vận động bầu cử tập trung vào những cử tri ở đơn vị bầu cử nơi mình ứng cử. Việc vận động bầu cử vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của người ứng cử. Vấn đề đặt ra ở đây là người ứng cử thực hiện quyền và nghĩa vụ trong vận động bầu cử như thế nào, để bảo đảm vừa đúng quy định của pháp luật, vừa đạt được mục đích, yêu cầu của hoạt động vận động bầu cử. Theo quy định của pháp luật, người ứng cử chỉ được vận động bầu cử với hai hình thức: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử; Thông qua phương tiện thông tin đại chúng và phải do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành.
Các hình thức vận động bầu cử như chiếc cầu nối giữa cử tri với người ứng cử. Ở đó, người ứng cử và cử tri được gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu nhau, qua đó người ứng cử biết được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cử tri và ngược lại, cử tri có thể đánh giá được khả năng, năng lực, tâm lực, trí lực của người ứng cử có thể đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, của cử tri hay không. Đó là những mong muốn rất chính đáng như nhu cầu học tập, làm việc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống… Qua đợt vận động bầu cử này, người ứng cử mới có thể nhận được những tình cảm chân thành của cử tri dành cho mình. Phải chăng sự tin tưởng, tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử chính là sự khẳng định về giá trị, nhân cách, phẩm chất tốt đẹp của mỗi người ứng cử. Và giá trị, nhân cách, phẩm chất tốt đẹp ấy càng lớn thì cơ hội trúng cử của những người ứng cử càng cao và ngược lại. Những nhân cách, phẩm chất tốt đẹp ấy được thể hiện qua những cuộc tiếp xúc cử tri – vận động bầu cử, qua chương trình hành động sát thực với đòi hỏi của thực tiễn, qua các phương tiện thông tin đại chúng và quan trọng nhất những phẩm giá tốt đẹp ấy của người ứng cử đã “ăn sâu vào tiềm thức, trí tuệ” của những cử tri ở đơn vị bầu cử và của nhân dân cả nước. Và việc vận động bầu cử của người ứng cử lúc này mới thật sự hoàn thành sứ mệnh, đạt kết quả thật sự tốt đẹp.
Bảo đảm sự công bằng
Bảo đảm sự công bằng cho những người ứng cử trong vận động bầu cử phụ thuộc vào các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức, triển khai vận động bầu cử. Bởi vì, người ứng cử không thể tự mình tổ chức vận động bầu cử nếu không được các cơ quan, tổ chức này đứng ra tổ chức thực hiện vận động bầu cử cho họ.
Do đó, việc bảo đảm sự công bằng đối với người ứng cử trong vận động bầu cử trước hết là đòi hỏi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc tổ chức vận động bầu cử cho người ứng cử phải công tâm, khách quan. Hơn nữa, do pháp luật về bầu cử hiện nay không quy định về số lượng người ứng cử được tiếp xúc cử tri vận động bầu cử trong đợt vận động bầu cử; chưa quy định về số lượng, tần suất người ứng cử được phát biểu, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng; chưa quy định về thời lượng tiếp xúc cử tri cũng như thời lượng người ứng cử phát biểu vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Vì vậy, sự công tâm, khách quan của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức vận động bầu cử là yếu tố quan trọng bảo đảm sự công bằng cho những người ứng cử. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần tăng cường sự giám sát, kiểm tra và kịp thời ngăn ngừa, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về vận động bầu cử, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong vận động bầu cử của người ứng cử, là cơ hội để cử tri tìm hiểu về người mà mình sẽ lựa chọn xứng đáng làm đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()