Để chỉ số PAPI đi vào thực chất
(LSO) – Năm 2018, Lạng Sơn cùng tỉnh Bến Tre là 2 địa phương xếp thứ nhất trong bảng xếp loại chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Để duy trì, phát triển bền vững, đưa chỉ số PAPI đi vào thực chất, đem lại nhiều lợi ích thiết thực đến người dân, các cấp, ngành trong tỉnh quyết tâm thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Để duy trì, đưa chỉ số PAPI đi vào thực chất, từ đầu năm 2019 đến nay đã có sự quan tâm chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở trong thực hiện các giải pháp phát triển bền vững chỉ số PAPI. Cụ thể ngày 28/5/2019, UBND tỉnh ban hành công văn 471/UBND-NC về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2019, trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PAPI. Ngay sau đó, Sở Nội vụ có định hướng giải pháp cụ thể nhằm duy trì và phát triển bền vững chỉ số PAPI. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Năm nay, việc thực hiện các nội dung, giải pháp không chỉ ở phạm vi 3 đơn vị trong vùng dự án PAPI (Cao Lộc, Đình Lập, thành phố Lạng Sơn) mà huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện. Các cấp, ngành đã và đang tích cực triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc chức năng của cấp, ngành mình.
Cán bộ UBND phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn giải quyết TTHC cho người dân
Cụ thể, đối với các cơ quan hành chính cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đã có sự vào cuộc tích cực. Nổi bật là công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), 6 tháng đầu năm 2019, 14 sở, ngành tỉnh đã rà soát trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố cắt giảm thời gian giải quyết trên 300 TTHC, rút ngắn được hơn 1.500 giờ thực hiện của người dân, doanh nghiệp; nâng tỷ lệ hồ sơ trả kết quả TTHC đúng và sớm hẹn lên 97%, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các cơ quan còn tăng cường thẩm định các dự án đầu tư và thanh tra chuyên ngành, tích cực ứng dụng dịch vụ công, phòng chống tham nhũng với các lĩnh vực mình quản lý.
Ở 11 huyện, thành phố, chính quyền từ cấp huyện đến cơ sở đã tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân về chính sách, pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ và các vấn đề người dân có quyền được biết, được bàn, được tham gia thực hiện, được kiểm tra giám sát; công khai các khoản đóng góp tự nguyện tại địa phương. Đặc biệt để tăng tính công khai, minh mạch, UBND 11 huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn điều tra, rà soát, bình xét hộ nghèo và công nhận hộ nghèo đúng quy định; công khai danh sách tại trụ sở UBND cấp xã và nhà văn hóa các thôn để dân biết. Cùng đó là công khai tại trụ sở cấp xã, nhà văn hóa thôn, khối phố các khoản thu, chi ngân sách xã, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, khung giá đất để người dân biết và giám sát, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình với dân.
100% TTHC được niêm yết, công khai minh bạch tại Sở Công thương
Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp ở huyện đã tuyên truyền được 426 cuộc cho trên 26.000 lượt người dân. UBND huyện tiếp nhận 164 đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó, 90 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết. Đến nay, UBND huyện đã giải quyết xong 54 đơn, số còn lại đang xem xét, giải quyết theo tiến độ và chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Hiện đang vào thời điểm dự án PAPI bắt đầu phỏng vấn người dân tại 16 thôn, khối phố tại 8 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Cao Lộc, Đình Lập và thành phố Lạng Sơn. Tin chắc với sự chuyển biến từ trong tư duy đến cách làm, đồng bộ ở cả hệ thống chính trị thì hiệu quả quản trị và hành chính công của Lạng Sơn sẽ có hiệu ứng rõ nét, đi vào thực chất trong năm nay và những năm tiếp theo.
Ý kiến ()