Ðề cao vai trò của Bí thư cấp ủy trong việc Quán triệt nghị quyết
Chất lượng việc học tập nghị quyết của Ðảng ở các địa phương, đơn vị phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng trách nhiệm của cấp ủy và vai trò của báo cáo viên truyền đạt nghị quyết có ý nghĩa hàng đầu.
Chất lượng việc học tập nghị quyết của Ðảng ở các địa phương, đơn vị phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng trách nhiệm của cấp ủy và vai trò của báo cáo viên truyền đạt nghị quyết có ý nghĩa hàng đầu.
Thông thường, từ trước đến nay, trong các đợt học tập nghị quyết của Ðảng, các cấp ủy thường mời báo cáo viên cấp trên về truyền đạt, chỉ có một số ít nơi (kể cả cấp cơ sở) là đồng chí bí thư hoặc phó bí thư thường trực cấp ủy trực tiếp tham gia truyền đạt nội dung nghị quyết.
Nhìn chung, báo cáo viên cấp trên về truyền đạt nghị quyết có thuận lợi là cán bộ, đảng viên sẽ được nghe sâu hơn, kỹ hơn, do báo cáo viên có trình độ, kinh nghiệm, được nghiên cứu sâu, phương pháp truyền đạt có tính chuyên nghiệp hơn…
Song, việc mời báo cáo viên cấp trên phụ thuộc vào công việc của họ, nên địa phương, đơn vị không chủ động được thời gian. Ðiều quan trọng nữa, do báo cáo viên được mời không phải là người công tác ở địa phương, đơn vị nên không nắm vững được tình hình, đặc điểm ở đây. Vì vậy, trong khi truyền đạt nghị quyết không liên hệ sâu, sát vận dụng những nội dung cơ bản của Nghị quyết vào tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị trong khi đây lại là yêu cầu quan trọng. Ngoài ra, báo cáo viên truyền đạt nghị quyết ở hội nghị cán bộ chủ chốt cấp trên thì tốt, nhưng với hội nghị cán bộ chủ chốt cấp dưới, hoặc hội nghị cán bộ, đảng viên cơ sở, chưa chắc đã phù hợp do tính chất nghề nghiệp, trình độ, tuổi tác của người nghe khác nhau.
Nếu báo cáo viên là bí thư hay thường trực cấp ủy, thì việc học tập nghị quyết của Ðảng có mặt tích cực là đề cao hơn được trách nhiệm của cấp ủy, nên công tác tổ chức, chỉ đạo, theo dõi, quản lý việc học tập và triển khai thực hiện nghị quyết chặt chẽ và hiệu quả hơn; đồng thời còn phát huy được tính tích cực, chủ động của địa phương, đơn vị, việc học tập sẽ tập trung hơn, nhanh gọn hơn. Mặc dù phương pháp truyền đạt nghị quyết có thể không thuyết phục như báo cáo viên cấp trên, nhưng khi đồng chí bí thư hay thường trực cấp ủy truyền đạt thì nội dung thường ngắn gọn, thiết thực, phù hợp, lại có sự liên hệ cụ thể, người nghe dễ hiểu, dễ nhớ. Một vấn đề quan trọng nữa là trong quá trình chuẩn bị và tham gia truyền đạt nghị quyết, đồng chí bí thư hoặc thường trực cấp ủy đã nắm vững nội dung cơ bản của nghị quyết, nên việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết của địa phương, đơn vị sát thực hơn, tính khả thi cao hơn.
Vì vậy, có thể nói tăng cường, đề cao trách nhiệm chỉ đạo của cấp ủy cùng với việc phân công đồng chí bí thư hay thường trực cấp ủy trực tiếp tham gia truyền đạt nghị quyết là một giải pháp quan trọng nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng học tập nghị quyết của Ðảng hiện nay.
Thực tiễn trong nhiều năm qua, nhất là từ khi thực hiện Thông báo kết luận số 169-TB/TƯ ngày 5-9-2008 của Bộ Chính trị ở tỉnh Nam Ðịnh cho thấy, ở nơi nào cấp ủy quan tâm chỉ đạo sâu sát thì ở nơi đó việc triển khai học tập và thực hiện nghị quyết của Ðảng có sự đổi mới, nghiêm túc, các đồng chí bí thư và thường trực cấp ủy thường xuyên tham gia truyền đạt nghị quyết và tất nhiên chất lượng việc học tập và thực hiện nghị quyết ở đó tốt hơn. Hiện tại, toàn tỉnh đã có khoảng 30% số xã, phường, thị trấn và một số huyện có đồng chí bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy thường xuyên truyền đạt nghị quyết tại địa phương, đơn vị. Trong thời gian tới, Tỉnh ủy Nam Ðịnh sẽ tăng cường các biện pháp chỉ đạo, động viên để có nhiều hơn các đồng chí bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy thường xuyên tham gia truyền đạt nghị quyết tại địa phương, đơn vị góp phần làm cho việc học tập nghị quyết của Ðảng nhanh gọn, thiết thực, chất lượng và hiệu quả hơn.
Từ tình hình trên, chúng tôi thấy rằng, ngoài việc tăng cường đề cao trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết của Ðảng, cấp ủy các địa phương, đơn vị cần đặc biệt quan tâm phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư, thường trực cấp ủy trong việc tham gia truyền đạt các nghị quyết của Ðảng tại địa phương, đơn vị công tác. Theo đó, các cấp ủy đảng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với vấn đề này. Ðây cũng là hành động thực tiễn, hiệu quả để làm cho nghị quyết của Ðảng nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Theo Nhandan
Ý kiến ()