Đề cao vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong tái cơ cấu ngân hàng
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bảo Việt.
Bảo đảm an toàn hệ thống
Tại Việt Nam, BHTGVN là tổ chức bảo hiểm tiền gửi duy nhất, được hình thành theo Quyết định số 218/1999/QÐ-TTg ngày 9-11-1999 của Thủ tướng Chính phủ. Ðến năm 2012, Luật BHTG được Quốc hội ban hành, cho thấy tầm quan trọng cũng như tính đặc thù trong hoạt động của tổ chức này.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nguyễn Thị Hiền cho biết, trong giai đoạn hiện nay, khi yêu cầu về tái cơ cấu hệ thống các TCTD theo Quyết định số 1058/QÐ-TTg ngày 19-7-2017 phê duyệt Ðề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” trở nên bức thiết thì vấn đề nâng cao vai trò của BHTGVN cũng được quan tâm. Theo đó, Luật các TCTD được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã đặt ra thêm nhiều nhiệm vụ đối với BHTGVN để tổ chức này tham gia tích cực hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD. Tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 986/QÐ-TTg ngày 8-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ) cũng đặt ra nhiệm vụ sửa Luật BHTG trong giai đoạn 2021 – 2025 nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của BHTGVN, tạo điều kiện cho BHTGVN tham gia sâu hơn vào việc tái cơ cấu các TCTD.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, BHTGVN luôn đồng hành với hoạt động của hệ thống các TCTD, ngày càng trở thành công cụ đắc lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc bảo đảm an toàn hệ thống. Theo TS Vũ Văn Long, Phó Tổng Giám đốc BHTGVN, tùy theo mô hình BHTG được quy định cho phép các tổ chức BHTG có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là bảo vệ người gửi tiền và bảo đảm sự phát triển an toàn của hệ thống ngân hàng.
TS Vũ Văn Long cũng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, đối với TCTD yếu kém, tổ chức BHTG ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình xử lý các TCTD yếu kém, thông qua công cụ như hỗ trợ tài chính, mua bán sáp nhập, ngân hàng bắc cầu,… giúp hạn chế tối đa việc phá sản TCTD tham gia BHTG. “Tuy nhiên, vai trò của BHTGVN trong quá trình xử lý các TCTD yếu kém thật sự còn nhiều hạn chế (tính tới thời điểm trước khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD có hiệu lực)”, TS Vũ Văn Long thẳng thắn nhìn nhận.
Ðồng bộ cơ sở pháp lý
Kinh nghiệm thực tiễn tại một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc,… cho thấy, tổ chức BHTG chỉ thật sự phát huy hiệu quả trong việc tái cơ cấu và giữ ổn định hệ thống ngân hàng khi được trao quyền hạn đối với các tổ chức tham gia BHTG và có một cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan giám sát ngân hàng khác. Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý cần đồng bộ, đầy đủ, chi tiết về các trường hợp xử lý, thẩm quyền quyết định và các biện pháp tương ứng để thực hiện tái cơ cấu TCTD. Do vậy, để tái cơ cấu hiệu quả, nhóm nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ với chủ đề “Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém tại Việt Nam” cũng nêu rõ: cần xây dựng một khung tổng thể gồm đầy đủ các trường hợp có thể xảy ra và các biện pháp ứng phó cần thiết nhằm bảo đảm duy trì các hoạt động dịch vụ tài chính và thanh toán thiết yếu đối với hệ thống và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn, đào tạo chuyển giao khoa học và công nghệ ngân hàng (Viện Chiến lược Ngân hàng) Nguyễn Thị Thanh Hằng, việc xử lý các TCTD có vấn đề sẽ được chia theo những mức độ khác nhau. Thí dụ, đối với những tổ chức ít có ảnh hưởng thì có thể cho phá sản, BHTG có thể tự xử lý. Ðối với những tổ chức có tầm quan trọng trong hệ thống, Thủ tướng Chính phủ hoặc nhiều cơ quan nhà nước cùng phối hợp xử lý và cần có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan này.
Ngoài ra, việc tái cơ cấu TCTD phải theo nguyên tắc nhất định, đó là nguyên tắc chi phí tối thiểu. Theo đó, các phương án xử lý TCTD đưa ra đều phải cân nhắc mức chi phí, hay cách hỗ trợ nào sẽ có chi phí thấp nhất. “Nhưng nguyên tắc này cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp thông thường. Còn đối với trường hợp đặc biệt xét có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ thống thì có thể có những biện pháp đặc biệt hơn” – đại diện Viện Chiến lược Ngân hàng nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, để hoàn thiện chính sách BHTG, góp phần tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD tại Việt Nam, một số gợi ý về định hướng chính sách trong thời gian tới cũng được nêu ra như xác định mạng an toàn tài chính quốc gia. Trong đó, quy định rõ cơ chế phối hợp, chức năng, quyền hạn của các cơ quan trong việc tái cơ cấu TCTD nói riêng cũng như bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng; sửa đổi đồng bộ Luật BHTG và các luật có liên quan, ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện để BHTGVN có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém…
Theo Nhandan
Ý kiến ()