Đề cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ phân định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền giữa tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó, căn cứ từ thực tiễn, Luật cũng đưa ra phương án không tổ chức HĐND ở cấp quận và cấp phường.
NDĐT- Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ phân định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền giữa tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó, căn cứ từ thực tiễn, Luật cũng đưa ra phương án không tổ chức HĐND ở cấp quận và cấp phường.
Trình bày dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương trước Quốc hội chiều ngày 3-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm kế thừa những ưu điểm và khắc phục những hạn chế của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) năm 2003, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình (Ảnh: Duy Linh).
Quan điểm xây dựng dự án Luật dựa trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương cấp tỉnh. Theo đó, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính. Chính quyền địa phương phải được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Đặc biệt, cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được phân định cụ thể giữa tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường
Về cơ cấu tổ chức, căn cứ vào kết quả từ thực tiễn, phương án 1 của Luật đề xuất không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường. Những nhiệm vụ do cấp này phải đảm nhiệm trước đây sẽ chuyển cấp thành phố, thị xã thực hiện.
Phương án này được xây dựng trên cơ sở Báo cáo tổng kết của mười tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm mô hình này trong thời gian qua. Kết quả điều tra thăm dò dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện tháng 2- 2012 cũng cho thấy nhiều ý kiến đồng tình. Phương án này cũng dựa vào Đề án chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng đã được Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 28-3-2014và Báo cáo của Ban Cán sự đảng Chính phủ về tổng kết thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trình Hội nghị Trung ương 9 khóa XI. Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2014 có 19/27 ý kiến của các thành viên Chính phủ tán thành phương án này.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày chiều nay cho biết, nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính như quận, phường, dự thảo Luật cần làm rõ tính chất, tên gọi của cơ quan hành chính ở các đơn vị hành chính này và mối quan hệ của cơ quan này với chính quyền địa phương cấp trên.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cân nhắc tên gọi của cơ quan hành chính trong trường hợp không tổ chức HĐND, cũng như mô hình tổ chức, cách thức thành lập, cơ chế hoạt động của cơ quan này, kể cả các cơ quan chuyên môn cùng cấp để làm rõ sự cần thiết của việc không tổ chức cấp chính quyền ở các đơn vị hành chính này.
Tuy nhiên, cũng do thực tế mô hình không tổ chức HĐND ở cáp quận, phường vẫn đang ở giai đoạn thí điểm, ban soạn thảo luật đề ra thêm Phương án 2 là vẫn tổ chức HĐND và UBND ở cả ba cấp, nhưng đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp, đặc biệt ở quận và phường.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương cần được cân nhắc thận trọng, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Do vậy, Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Quốc hội hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương như trong Tờ trình của Chính phủ nhưng đề nghị cần nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án.
Phân cấp trách nhiệm cho chính quyền địa phương
Về hoạt động của UBND, dự án Luật Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể UBND và Chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình và trong việc đình chỉ chức vụ đối với Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp.
Nếu thực hiện phương án không tổ chức HĐND ở quận, phường thì quy định rõ các thành viên UBND quận, phường gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND và chỉ định Quyền Chủ tịch UBND thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo Luật cũng quy định UBND cấp xã mỗi năm có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với nhân dân.
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, dự án Luật căn cứ Điều 112 Hiến pháp năm 2013, để bảo đảm gắn kết thống nhất giữa HĐND và UBND cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương, làm rõ chức năng của UBND ‘‘ là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp” và ‘‘là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương”.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật , dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn quy định tại khoản 3 Điều 112 của Hiến pháp: “Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó” để bảo đảm tính khả thi; đồng thời, cũng bảo đảm cho chính quyền cấp dưới thực hiện tốt nhiệm vụ được cấp trên giao và sự kiểm tra, giám sát của cấp trên khi giao nhiệm vụ cho chính quyền cấp dưới.
Về nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và giữa chính quyền địa phương các cấp, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần quy định rõ trường hợp nào được phân cấp, trường hợp nào là phân quyền để làm căn cứ cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể mức độ, phạm vi phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau.
Một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật băn khoăn về cách quy định nhiệm vụ, quyền hạn chung của UBND và Chủ tịch UBND các cấp trong dự thảo Luật vì chưa xuất phát từ mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Ở những nơi không tổ chức HĐND thì nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phải có sự khác biệt nhất định với UBND nơi có tổ chức HĐND.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()