Để cánh đồng mẫu lớn phát triển bền vững
Ảnh minh họa (Ảnh: Đ.H) - Bắt đầu thực hiện ở An Giang với 200ha của vụ Hè Thu năm 2007, mô hình cánh đồng mẫu lớn bước đầu đã cho kết quả khả quan, lợi nhuận cho người nông dân được nâng cao. Thông qua mô hình này, mối liên kết giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học ngày càng chặt chẽ, tạo sự phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng nông thôn mới.Với mục tiêu của mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm thực hiện tốt việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng lúa, mô hình này đã thúc đẩy sự liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Thực tiễn triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, người nông dân đã giảm được chi phí sản xuất và nâng cao lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Chẳng hạn, trong vụ hè thu...
– Bắt đầu thực hiện ở An Giang với 200ha của vụ Hè Thu năm 2007, mô hình cánh đồng mẫu lớn bước đầu đã cho kết quả khả quan, lợi nhuận cho người nông dân được nâng cao. Thông qua mô hình này, mối liên kết giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học ngày càng chặt chẽ, tạo sự phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng nông thôn mới.
Với mục tiêu của mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm thực hiện tốt việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng lúa, mô hình này đã thúc đẩy sự liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Thực tiễn triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, người nông dân đã giảm được chi phí sản xuất và nâng cao lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Chẳng hạn, trong vụ hè thu ở An Giang, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang đã xây dựng thực hiện mô hình liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp với quy mô 1.600ha. Công ty này đã thực hiện cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân với lãi suất 0%. Trong quá trình sản xuất, nông dân được đội ngũ kỹ thuật tư vấn canh tác. Sau khi thu hoạch, nông dân được hỗ trợ chi phí vận chuyển, khâu sấy và lưu kho trong vòng 1 tháng và thu mua theo giá thị trường. Với hình thức này, người nông dân đã giảm được chi phí sản xuất với mức bình quân 2.581 đồng/kg, trong khi những người nông dân khác phải chi phí tới 3.302 đồng/kg.
Hoặc ở tỉnh Trà Vinh, do điều kiện tự nhiên, nên một số vùng mỗi năm chỉ canh tác được một vụ lúa. Nhưng từ khi tham gia mô hình này (năm 2007), nông dân đã tăng số vụ và năng suất. Đến năm 2011, người nông dân đã canh tác được 11 vụ sản xuất, năng suất tăng từ 4 tấn/ha (năm 2007) lên trên 9 tấn/ha (năm 2011)…. Nhìn chung, nhờ giảm được chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, lên lợi nhuận trong mô hình này ở đồng bằng sông Cửu Long đạt tới 27 triệu đồng/ha, trong khi lợi nhuận canh tác lúa ngoài mô hình chỉ đạt 15 triệu đồng/ha. Cũng nhờ năng suất lúa, lợi nhuận ngày càng tăng cao nên chất lượng đời sống của nông dân từng bước được cải thiện đáng kể, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Từ thành công bước đầu của mô hình cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, năm 2012, mô hình được triển khai ở một số tỉnh khu vực miền Trung và miền Bắc, và cả ở vùng miền núi. Tháng 5/2012, tỉnh Nghệ An đã có chủ trương xây dựng và phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất nông nghiệp. Nghệ An đã đề ra mục tiêu đến năm 2015, có 4.000 ha triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn. Để thực hiện được mục tiêu trên, căn cứ vào đặc điểm tự nhiên và tình trạng sản xuất còn manh mún, ruộng không liền bờ, liền thửa, nên Nghệ An đang tập trung giải quyết đồng bộ công tác dồn điền đổi thửa, cơ chế hỗ trợ vốn, giống cho nông dân, cơ chế liên kết của các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho nông dân. Hoặc, tại huyện Bắc Quang, Hà Giang cũng đã có đề án thí điểm thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Vụ đông xuân 2011-2012, huyện đã triển khai thí điểm mô hình này với diện tích gần 210 ha tại 5 xã. Nhờ thực hiện mô hình này, năng suất lúa bình quân đã tăng từ 2,25 tấn/ha lên 8,42 tấn/ha; lợi nhuận sau khi trừ chi phí sản xuất đạt trên 30 triệu đồng/ha, cao hơn 1,7 lần so với các làm cũ.
Điểm đáng chú ý, thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn, đã xuất hiện nhiều mô hình canh tác mới. Nếu cánh đồng mẫu lớn ở nhiều nơi khác chủ yếu được thực hiện với cây lúa, thì ở Thái Bình, mô hình này được thực hiện theo hướng đa dạng hóa cây trồng. Thái Bình đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn với 9 mô hình trong 2 năm (2012-2013), trong đó có 4 mô hình về sản xuất lúa và 5 mô hình về sản xuất rau màu, dựa vào điều kiện tự nhiên của từng vùng. Với 4 mô hình sản xuất lúa, ở huyện Vũ Thư, Thái Bình thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn với công thức luân canh: Lúa xuân giống chất lượng cao VS1 lúa mùa giống chất lượng cao RVT đậu tương vụ đông; ở huyện Quỳnh Phụ thực hiện công thức luân canh: Lúa xuân giống chất lượng cao BC15 lúa mùa giống chất lượng cao TBR36, khoai tây hoặc dưa bí vụ đông; ở huyện Kiến Xương thực hiện công thức luân canh: Vụ xuân mùa lúa giống chất lượng DS1 (Akita) Nhật Bản đậu tương hoặc bí xanh vụ đông; ở huyện Tiền Hải thực hiện công thức luân canh: Lúa giống BT17 vụ xuân lúa giống BC15 vụ mùa khoai tây hoặc dưa, bí vụ đông. Với 5 mô hình cánh đồng mẫu lớn về sản xuất rau màu được triển khai tại huyện Thái Thụy; Quỳnh Phụ; TP. Thái Bình; Đông Hưng và Hưng Hà và được bố trí cơ cấu giống cũng như công thức luân canh hợp lý…. Điểm mới khi thực hiện cánh đồng mẫu lớn ở Thái Bình, đó là ngoài những tiêu chí cần đạt được của mô hình cánh đồng mẫu lớn chung, Thái Bình đã bổ sung thêm tiêu chí về giá trị thu hoạch bình quân/ha/năm. Chẳng hạn, với mô hình cánh đồng mẫu lớn về sản xuất lúa, giá trị bình quân về thu hoạch phải đạt thấp nhất 120 triệu/ha/năm; với mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất cây màu, phải đạt giá trị thấp nhất 220 triệu/ha/năm.
Hoặc ở Đồng Nai, mô hình cánh đồng mẫu lớn được thực hiện thí điểm đối với cây bưởi đặc sản Tân Triều. Đây là loại cây trồng thực hiện thí điểm đầu tiên ở Đồng Nai. Với diện tích canh tác 500ha, bưởi Tân Triều nổi tiếng về chất lượng. Tuy vậy, trước khi tham gia thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, năng suất bưởi không cao và hay bị sâu bệnh. Khi tham gia thực hiện mô hình này, nông dân đã áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhất là sử dụng các loại phân bón sạch hoặc chế phẩm sinh học nhằm nâng cao năng suất bưởi và chất lượng đồng đều, sạch, an toàn. Sau khi thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn đối với cây bưởi, hiện tượng sâu bệnh phá hoại đã được ngăn chặn, cây bưởi phát triển tốt hơn, hứa hẹn năm 2012 sẽ có một vụ bưởi năng suất cao hơn, chất lượng đồng đều hơn…
Có thể thấy, mô hình cánh đồng mẫu lớn bước đầu đã mang lại kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc nông dân nâng cao được thu nhập trên một đơn vị diện tích, các công ty cung ứng các yếu tố đầu vào cho ngành nông nghiệp như phân bón, giống thông qua việc ký kết các hợp đồng với người nông dân với khối lượng lớn, đã góp phần để các công ty này sản xuất ổn định. Mặt khác, sản phẩm của mô hình cánh đồng mẫu lớn khá đồng đều, chất lượng ngày càng cao, đã tạo nguồn cung ổn định cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, góp phần đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam có bước phát triển vượt bậc. Theo báo cáo xuất khẩu gạo của VFA, năm 2011, cả nước xuất khẩu đạt 7,105 triệu tấn gạo với trị giá 3,507 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Có thể thấy, mô hình này đã đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu và góp phần phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện việc gắn kết chặt chẽ “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra.
Tuy vậy, những ngày gần đây, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, sản phẩm đầu ra của mô hình cánh đồng mẫu lớn đang gặp khó khăn do một số doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân không thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết với nông dân. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình trạng khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm tại một số mô hình cánh đồng mẫu lớn ở một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long trong vụ đông xuân 2011-2012 đang là trở ngại cho việc mở rộng mô hình này trong thời gian tới. Việc một số doanh nghiệp thu mua lúa không thực hiện đúng hợp đồng không những gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp của nông dân, mà còn ảnh hưởng tới không ít công ty cung ứng đầu vào, vì các công ty này thường ký kết hợp đồng cung ứng phân bón cho nông dân mua chịu từ đầu vụ, đến cuối vụ sẽ thanh toán khi tiêu thụ được sản phẩm. Tuy các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn do nền kinh tế thế giới vẫn bất ổn, một số thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia giảm nhập khẩu khá nhiều lượng gạo từ Việt Nam, nhưng giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng cao. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao được lợi nhuận trong hoạt động xuất khẩu gạo, đồng thời giúp người nông dân tiêu thụ được sản phẩm, sản xuất ổn định.
Để mô hình cánh đồng mẫu lớn tiếp tục phát triển ổn định và phát huy được những ưu điểm, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về mọi mặt cho người nông dân, nhất là về khoa học, công nghệ, năng lực quản lý sản xuất để sản phẩm đồng đều và chất lượng không ngừng được nâng cao để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng như những kiến thức về pháp luật và sự am hiểu về kinh tế thị trường. Các hợp đồng kinh tế được ký kết giữa nông dân, nhà cung ứng các yếu tố đầu vào, và nhất là các doanh nghiệp thu mua cần có tính pháp lý cao, quy định trách nhiệm, nghĩa vụ gắn với lợi ích cụ thể của từng chủ thể. Chính quyền các cấp cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm để tạo những điều kiện tốt nhất để các chủ thể tham gia vào sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn làm tròn trách nhiệm; thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng để kịp thời động viên, biểu dương những mặt làm tốt, khắc phục những mặt còn hạn chế, kiên quyết xử lý các sai phạm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Mặt khác, ngoài việc giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tìm hiểu và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới. Đa dạng hóa hình thức thu mua lúa cho nông dân, như thông qua các hợp tác xã; doanh nghiệp vừa làm dịch vụ cung ứng các yếu tố đầu, vừa thu mua lúa cho nông dân;… dần hình thành mô hình liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua để mô hình cánh đồng mẫu lớn phát triển bền vững, góp phần quan trọng để thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()