Ðể cán bộ khoa học và công nghệ toàn tâm, toàn ý cống hiến cho đất nước
Nghị quyết T.Ư 6, khóa XI nêu rõ: Có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ khoa học và công nghệ (KH và CN) đầu ngành, cán bộ KH và CN được giao chủ trì nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán bộ KH và CN trẻ tài năng. Tuy nhiên, để thực hiện được, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các bộ, ngành, địa phương.Trong quá trình đổi mới đất nước, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) về định hướng phát triển KH và CN trong thời kỳ CNH, HĐH, KH và CN nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó có việc phát triển nguồn nhân lực, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đến nay, cả nước có khoảng 4,28 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, tăng 4,6 lần, so với năm 1996.Mặc dù các nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật của nhà nước luôn thể hiện sự...
Trong quá trình đổi mới đất nước, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) về định hướng phát triển KH và CN trong thời kỳ CNH, HĐH, KH và CN nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó có việc phát triển nguồn nhân lực, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đến nay, cả nước có khoảng 4,28 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, tăng 4,6 lần, so với năm 1996.
Mặc dù các nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật của nhà nước luôn thể hiện sự quan tâm và đề cao vai trò của nhà khoa học, nhưng trên thực tế khi triển khai thực hiện lại chưa đạt kết quả như mong muốn.
Tiến sĩ Lê Hồng Vinh (Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật – Viện Di truyền nông nghiệp) và Tiến sĩ Đặng Văn Đông (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa cây cảnh) là những người nhiều năm lăn lộn ở cơ sở để chuyển giao tiến bộ KH và CN về nông thôn, miền núi cho biết: Kinh phí hỗ trợ cho một quy trình chuyển giao tiến bộ KH và CN ở mức cao nhất chỉ 30 triệu đồng. Với mức kinh phí này, nếu đi chuyển giao tiến bộ KH và CN vùng xa, vùng núi khó khăn, các nhà khoa học chỉ đủ tiền đi lại và các chi phí quản lý cho cơ quan chuyển giao công nghệ. Cán bộ làm trực tiếp hầu như không được bồi dưỡng gì, trong khi phải đi lại trên địa bàn khó khăn, ăn, ở cùng với người dân hằng tháng, hằng năm trời.
Trong chế độ tiền lương hiện nay, giới viên chức khoa học là đối tượng làm công ăn lương duy nhất không được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù (phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên…) giống như viên chức của ngành giáo dục và đào tạo, y tế hay các lĩnh vực khác. Tuy vậy, tiền lương chỉ là một trong những vấn đề nhỏ, điều mà các nhà khoa học quan tâm nhiều hơn là điều kiện, môi trường làm việc. Họ cần được tin tưởng giao nhiệm vụ, được quyền chủ động nghiên cứu và được tạo điều kiện làm việc tốt nhất (như trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, phòng thí nghiệm, thư viện, chủ động trong hợp tác quốc tế, có những đồng nghiệp giỏi cùng chí hướng, được quyền mời chuyên gia trong nước và quốc tế cùng nghiên cứu…). Và để làm việc trong môi trường đó, họ cần được quyền tự chủ cao về nhân sự và tài chính khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu.
Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên giỏi không theo học ngành KH và CN; cơ quan nghiên cứu không tuyển được người tài. Như vậy, chỉ một vài năm nữa, nếu không có giải pháp hữu hiệu, nước ta sẽ thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ, đồng thời xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” ở ngay trong nước.
Với quan điểm đầu tư nhân lực cho KH và CN là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc, Nghị quyết số 20 nêu rõ, cần phải đổi mới quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH và CN. Quy hoạch phát triển nhân lực KH và CN phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước tới năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Các ngành, các cấp xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH và CN, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ KH và CN phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ quản lý KH và CN ở các ngành, các cấp. Có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ KH và CN đầu ngành, cán bộ KH và CN được giao chủ trì nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán bộ KH và CN trẻ tài năng. Chủ động phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ từ các trường phổ thông, cao đẳng, đại học. Sử dụng hiệu quả đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, chuyên gia KH và CN học tập và làm việc ở nước ngoài. Có chính sách hỗ trợ cán bộ KH và CN đi làm việc và thực tập có thời hạn tại các tổ chức KH và CN, doanh nghiệp ở nước ngoài để giải quyết các nhiệm vụ KH và CN có ý nghĩa quốc gia. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tác giả các công trình KH và CN; có chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với tác giả các công trình được công bố quốc tế, các sáng chế được bảo hộ trong và ngoài nước. Ngoài việc thực hiện các giải pháp nói trên, các cơ quan cần đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ KH và CN. Có chính sách tiếp tục sử dụng cán bộ KH và CN trình độ cao đã hết tuổi lao động có tâm huyết và còn sức khỏe làm việc vào công tác nghiên cứu khoa học. Hoàn thiện hệ thống chức danh, chức vụ KH và CN. Cải tiến hệ thống giải thưởng KH và CN, danh hiệu vinh dự Nhà nước đối với cán bộ KH và CN.
Theo Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân: Trong thời gian tới để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 20 về trọng dụng đội ngũ cán bộ KH và CN, ngành sẽ tập trung vào ba đối tượng chính đó là: cán bộ KH và CN đầu ngành, cán bộ KH và CN được giao nhiệm vụ chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và cán bộ KH và CN trẻ tài năng. Sở dĩ phải tập trung trọng dụng ba nhóm đối tượng này vì trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, việc đãi ngộ bằng trả lương cao cho tất cả những người làm khoa học là không thể. Chúng ta không chỉ có hơn sáu mươi nghìn người làm nghiên cứu chuyên nghiệp, mà hơn ba triệu người được đào tạo có trình độ đại học đều có khả năng tham gia hoạt động nghiên cứu, và hàng triệu người dân yêu khoa học cũng có cơ hội đóng góp cho khoa học. Vì thế điểm đột phá chính là tạo điều kiện làm việc tốt và môi trường hoạt động khoa học thuận lợi cho giới khoa học, cùng với việc trọng dụng, ưu đãi đặc biệt với một số nhóm đối tượng có vai trò tiên phong trong hoạt động khoa học.
Các nhà khoa học đầu ngành có thể là các chủ nhiệm bộ môn chuyên ngành trong các trường đại học lớn, trưởng phòng thí nghiệm hoặc nhóm nghiên cứu mạnh trong các viện nghiên cứu trọng điểm có nhiều sản phẩm khoa học đạt trình độ quốc tế, các tổng công trình sư giàu kinh nghiệm thực tiễn.
Còn các nhà KH và CN trẻ tài năng là những sinh viên, nghiên cứu sinh giỏi, cán bộ trẻ có kết quả nghiên cứu xuất sắc, giành được các giải thưởng KH và CN trong nước và nước ngoài, có nhiều công trình công bố quốc tế, có phát minh, sáng chế.
Riêng các nhà khoa học được giao nhiệm vụ KH và CN quan trọng của quốc gia thì tiêu chí xác định đơn giản hơn, đó là nhà khoa học được Nhà nước giao cho đứng đầu một tập thể nghiên cứu để thực hiện một nhiệm vụ KH và CN có tầm quan trọng đối với an ninh, quốc phòng hoặc phát triển kinh tế – xã hội, nhằm tạo ra công trình, sản phẩm có giá trị cao theo đặt hàng của Nhà nước. Họ phải có quyền tự chủ cao về tài chính và nhân sự, được chủ động đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm hiện đại hoặc sử dụng miễn phí các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; có thể tiếp cận với mọi nguồn thông tin tư liệu từ các thư viện điện tử, thư viện kỹ thuật quan trọng; được quyền điều động và trả lương theo thỏa thuận cho những nhà khoa học giỏi nhất từ các cơ quan khoa học, thậm chí là thuê chuyên gia nước ngoài tham gia quá trình thực hiện nhiệm vụ. Họ có quyền tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, mua công nghệ, thuê chuyên gia… bằng nguồn kinh phí được giao tự chủ mà không lệ thuộc vào các thủ tục hành chính.
Hy vọng rằng, cơ chế đãi ngộ đặc biệt trong điều kiện cho phép của đất nước sẽ được ban hành trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ KH và CN yên tâm dốc toàn tâm, toàn lực tạo ra những sản phẩm có giá trị cả về lý luận lẫn thực tiễn, sánh ngang tầm khu vực và thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()