tle=” Để các khu kinh tế ven biển hoạt động hiệu quả”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Cảng Kỳ Hà (Khu Kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam) đang được đầu tư nâng cấp đón tàu 20 nghìn tấn.
Sự ra đời các khu kinh tế ven biển (KKT) là cơ hội lớn để khai thác tiềm năng kinh tế biển, thúc đẩy sự phát triển của từng địa phương, vùng và cả nước. Thực tiễn đã chứng minh hiệu quả và vai trò động lực rất quan trọng trong phát triển kinh tế của các KKT, nhưng cũng đã cho thấy nhiều bất cập, hạn chế trong phát triển KKT ở nước ta.
Để các KKT thật sự là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế – xã hội, cần thiết phải có sự điều chỉnh đối với loại hình này cả về cơ chế, chính sách lẫn phương pháp tiến hành.
Kể từ khi KKT mở Chu Lai (Quảng Nam) ra đời (năm 2003) đến nay cả nước đã có 15 KKT ven biển. Vùng đồng bằng sông Hồng có hai KKT là Vân Đồn (Quảng Ninh) và Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng); vùng duyên hải miền trung có 10 KKT là: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông – Nam Nghệ An (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hòa) và ở miền nam có ba KKT là Phú Quốc (Kiên Giang), Định An (Trà Vinh) và Năm Căn (Cà Mau). Theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14-3-2008 của Chính phủ, KKT là khu vực có không gian kinh tế riêng biệt, với môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư, có ranh giới địa lý xác định. Trong KKT có các khu chức năng như khu phi thuế quan, khu bảo thuế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính… Vì thế diện tích KKT rất lớn, bình quân mỗi KKT chiếm 33.350 ha, có nơi như Vân Phong đến 150 nghìn ha, Phú Quốc 56.100 ha hay Vân Đồn 55.133 ha.
Một số KKT ra đời đã thật sự đóng vai trò động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng ở địa phương cũng như trong phạm vi vùng và cả nước. KKT mở Chu Lai ra đời sớm nhất và đã làm thay đổi tích cực diện mạo kinh tế của tỉnh Quảng Nam, tác động mạnh mẽ quá trình phát triển công nghiệp ở khu vực miền trung – Tây Nguyên. Nguồn thu ngân sách của địa phuơng từ KKT Chu Lai năm 2010 đạt gần 2.500 tỷ đồng, dự kiến năm 2011 đạt 3.500 tỷ đồng và năm 2015 là 4.000 tỷ đồng. Tác động của KKT Dung Quất còn mang tính đột phá hơn nữa, riêng nguồn ngân sách của Quảng Ngãi thu từ KKT này năm 2010 đạt 14 nghìn tỷ đồng, tăng 28 lần so với năm 2005 và năm 2011 dự kiến 20 nghìn tỷ đồng. Từ khi KKT Dung Quất đi vào hoạt động, sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương thật sự có bước nhảy vọt: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm là 18,53%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 53,6%, tỷ trọng công nghiệp tăng từ 30% lên 58,3%… Nhiều KKT đã định hình được thế mạnh riêng và thu hút được một số dự án công nghiệp lớn có tính chất hạt nhân như ở các KKT Dung Quất, Vũng Áng, Nghi Sơn, Vân Phong…
Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển KKT cho thấy đã bộc lộ nhiều bất cập từ vấn đề quy hoạch, cơ chế, chính sách đến phương pháp tiến hành. Trước hết phải kể đến sự thiếu đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng đã kéo theo khó khăn trong việc thu hút đầu tư. Con số thống kê cho thấy, tổng diện tích chiếm đất của các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong các KKT mới chỉ khoảng 9% tổng diện tích đất dành cho các dự án sản xuất kinh doanh trong các KKT. Nếu so với các khu công nghiệp (KCN) trong cả nước, quy mô các KKT lớn gấp 10 lần nhưng sự đóng góp về chỉ tiêu sản xuất và nộp ngân sách thì KKT thấp hơn rất nhiều. Trong vài năm gần đây tổng doanh thu hằng năm của các KKT khoảng 6 đến 8 tỷ USD. Đóng góp ngân sách hằng năm chỉ khoảng 500 đến 600 triệu USD, chủ yếu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
KKT có diện tích khá lớn cho nên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu nan giải nhất bởi phải có nguồn vốn lớn, chủ yếu lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong khi phần lớn các KKT đều nằm ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, xuất phát điểm thấp. Theo thống kê, đến hết năm 2010 đã có 170 nghìn tỷ đồng được đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng các KKT. Nhưng so với nhu cầu đầu tư thực tế của các KKT thì con số này chỉ như “muối bỏ biển” bởi với tổng diện tích dự kiến của 15 KKT đang triển khai và ba KKT sắp triển khai là 730.553 ha, mà với tính toán ít nhất phải đầu tư một triệu USD/ha xây dựng cơ sở hạ tầng thôi thì cũng phải cần đến 730. 553 tỷ USD. Nguồn vốn này là tương đối lớn với nền kinh tế nước ta.
Ở một khía cạnh khác, ban đầu một số KKT được hưởng chính sách ưu đãi để tập trung nguồn lực tại chỗ cho hệ thống cơ sở hạ tầng. Như KKT Chu Lai được ngân sách hỗ trợ tương ứng 100% số thu phát sinh tại KKT trong 10 năm đầu và 50% trong 10 năm tiếp theo. Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, cơ chế này bị bãi bỏ, thay vì sẽ có hàng nghìn tỷ đồng/năm, Chu Lai chỉ còn được đầu tư nhỏ giọt dưới 100 tỷ đồng/năm. Trong khi kế hoạch từ nay đến 2016 KKT này cần phải có 11.230 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở hạ tầng mới đáp ứng mục tiêu đề ra. Tương tự, KKT Vân Phong được quy định trong vòng 15 năm, ngân sách Nhà nước cân đối hằng năm cho nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng không thấp hơn toàn bộ nguồn thu ngân sách trên địa bàn KKT. Tuy nhiên, chỉ bốn năm sau, quy chế này cũng không còn hiệu lực.
Do thiếu chính sách ưu đãi và sự “bùng phát” quá nhanh KKT cho nên dẫn đến ngân sách đầu tư cho các KKT nhỏ giọt và dàn trải, không đáp ứng nhu cầu và mục tiêu đề ra. Và hệ lụy là càng ngày càng có nhiều KKT mọc lên nhưng số KKT được đưa vào sử dụng và sử dụng có hiệu quả quá ít, thậm chí trở thành gánh nặng cho địa phương.
Theo các chuyên gia kinh tế, các KKT có vai trò tạo ra sức hút mạnh mẽ và sự lan tỏa to lớn về uy tín môi trường đầu tư không chỉ với giới đầu tư trong nước mà quan trọng hơn là các nhà đầu tư có thương hiệu mạnh trên thế giới. Các KKT chính là “lực hút” mang tầm khu vực và quốc tế để tạo ra loạt điểm nhấn thu hút đầu tư của quốc gia, cho nên phải phát triển theo hướng cạnh tranh quốc tế. Trong khi đó, hiện nay các KKT đều chọn mô hình KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, lấy công nghiệp nặng, vận chuyển cảng biển, thương mại, du lịch làm trọng tâm phát triển, với phương hướng và mục tiêu na ná nhau, sự khác biệt để làm nên tính đặc thù của mỗi KKT là rất ít. Bởi vậy, nhiều KKT ra đời nhưng vẫn chờ nhà đầu tư, tỷ lệ lấp đầy rất thấp và không định hình được ngành nghề chủ đạo. Thậm chí vì cố lấp đầy, giữa các KKT đã có cuộc chạy đua ngấm ngầm “hạ giá” để mời gọi đầu tư, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, theo kiểu “gà nhà đá nhau”.
Thực tế cho thấy, KKT có quy mô khá lớn, đòi hỏi tập trung nguồn lực cao mới phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, từ đó mới có điều kiện thu hút được nhà đầu tư và những dự án lớn để có thể trở thành những “cứ điểm” kinh tế quan trọng của từng vùng và cả nước. Vì vậy thay vì tăng số lượng KKT, Nhà nước cần sắp xếp lại danh mục KKT để chọn lọc, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho một số KKT có lợi thế đặc thù mang tầm quốc gia, có thể trở thành động lực thúc đẩy phát triển của cả nước.
Một vướng mắc lớn hiện nay cần được tháo gỡ là sự bất cập trong quản lý các KKT, bởi các văn bản hoặc chưa được hướng dẫn thực hiện, hoặc quy định chưa đồng bộ dẫn đến chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm gây ách tắc, phiền hà trong hoạt động giữa chính quyền địa phương, cơ sở và ban quản lý KKT. Mặt khác, trong chiến lược xây dựng KKT cần phải nghiêm ngặt hướng đến một thể chế quản lý kinh tế hiện đại, có khả năng áp dụng luật pháp quốc tế cao, nguồn lực phát triển thật đa dạng với mức độ tập trung, thời gian xây dựng ngắn và hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu trên thế giới.
Mục tiêu đến năm 2020 nước ta sẽ vươn lên trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, phấn đấu kinh tế biển đóng góp từ 53% đến 55% tổng GDP và 55% đến 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Để làm được điều đó, sự phát triển thành công các KKT đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi vậy, kiện toàn lại hệ thống KKT cũng là khâu đột phá của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nhằm tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn, đúng hướng hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()