Để bạo lực học đường không còn đất sống!
Xã hội không thể đứng bên lề của bạo lực học đường, để con trẻ phải tự bơi giữa bể tư tưởng tiêu cực, văn hoá bạo lực mà cần sự chung sức, chung lòng với các hành động mạnh mẽ, quyết liệt, để bạo lực học đường không còn đất sống.
Sự việc nam sinh lớp 8 trường THCS Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) bị bạn cùng trường dùng dao đâm tử vong trong giờ ra chơi sáng 1/4 khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, đau xót và phẫn nộ.
Chỉ cần gõ từ khóa “bạo lực học đường” lên công cụ tìm kiếm Google, vài giây chúng ta đã có hàng chục ngàn kết quả. Đó chỉ đơn giản là vì những cái nhìn “đểu”, lời qua tiếng lại, hay sự trêu đùa quá trớn mà nhiều em học sinh nhẹ thì bị xé quần áo, chửi bới, nặng hơn là lãnh những trận đòn tập thể thừa sống thiếu chết, thậm chí có những em phải ra đi mãi mãi khi mái đầu còn xanh, để lại bao ước vọng của tuổi trẻ.
Đấy chỉ là những nỗi đau về thể xác, còn những nỗi đau về tinh thần khó chữa lành, có thể đi theo các em đến hết năm tháng cuộc đời. Bởi không ít nạn nhân của bạo lực học đường không được bảo vệ kịp thời đã bỏ học, sa ngã. Thậm chí, nhiều em bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, luôn sống trong cảm giác sợ hãi, bị cô lập…
Đáng buồn hơn những người đã gây ra bạo lực học đường lại chính là những người bạn chung ghế nhà trường cùng các em và cả những người chứng kiến bạo lực nhưng thay vì ngăn cản hành vi xấu lại thờ ơ, vô cảm, dùng điện thoại quay clip tung lên mạng để câu like.
Thực tế cho thấy đây không còn là câu chuyện mới, bạo lực học đường đã tồn tại từ nhiều năm trước, tuy nhiên theo thời gian thì mức độ phổ biến và nghiêm trọng có nguy cơ gia tăng và công khai thách thức dư luận xã hội hơn.
Bạo lực học đường trở thành vấn đề nhức nhối, báo động trong xã hội. Ảnh: vtc.vn. |
Nguyên nhân của tình trạng này đã được mổ xẻ, phân tích tại nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan thời gian qua, cũng như đưa ra các giải pháp đi cùng.
Nhưng tại sao bạo lực học đường vẫn không được ngăn chặn mà thậm chí mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng và thực sự trở thành vấn đề nhức nhối đáng báo động?.
Ở đây, không thể phủ nhận vai trò của nhà trường, thầy cô đối với học sinh trong môi trường giáo dục. Nhưng dường như việc dạy dỗ ở trường mới chỉ chủ yếu tập trung vào việc dạy kiến thức trên sách vở, đôi chỗ còn chuộng thành tích mà thiếu đi sự quan tâm đến kiến thức thực tiễn, giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng giao tiếp cho học sinh.
Trong khi đó, không ít cha mẹ vì mải mê kiếm tiền, thiếu quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu những biến đổi tâm sinh lý của con, phó mặc việc dạy dỗ con cái cho nhà trường.
Bạo lực học đường giờ đây không chỉ diễn ra trong phạm vi nhà trường mà có xu hướng lan rộng ra bên ngoài và trên mạng. Không khó để tìm kiếm ở đây những phim ảnh, sách báo, game, đồ chơi mang tính bạo lực… để rồi đưa các em lạc vào thế giới của văn hoá bạo lực với tư tưởng, lối sống lệch lạc, vô cảm, kẻ mạnh là kẻ chiến thắng bất kể đúng sai.
Có thể thấy, bạo lực học đường đã trở thành hậu quả tất yếu từ sự xuống cấp về giá trị đạo đức văn hóa trong xã hội ngày càng hiện đại; sự lên ngôi của giá trị đồng tiền; sự thiếu quan tâm và liên kết của gia đình, nhà trường, xã hội và chính sự ích kỷ, quen được nuông chiều của các bạn trẻ…
Chúng ta đã biết, tuổi thiếu niên (11-15 tuổi) là giai đoạn có nhiều thay đổi cả về tâm sinh lý và xã hội dẫn đến những biến đổi sâu sắc về mặt tâm lý, nhân cách, thường được gắn với những cách gọi như “tuổi bất trị”, “khủng hoảng tuổi thiếu niên”. Chỉ cần một tác động xấu từ gia đình, nhà trường, xã hội có thể gây ảnh hưởng suy nghĩ, lối sống của học sinh, hình thành nhân cách không đúng dẫn đến những vụ bạo lực học đường hay hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, trước hết chính bố mẹ, thầy cô phải là những người bạn đồng hành, tấm gương sáng và định hướng những giá trị tốt đẹp để các em noi theo.Quan trọng ngành giáo dục rất cần có một cuộc cách mạng thực sự, giảm thiểu những môn học lý thuyết thiếu thực tế, thay vào đó chú trọng bồi dưỡng thêm đạo đức, lối sống tích cực, kỹ năng sống, xây dựng môi trường học thân thiện, trang bị cho các em ý thức bảo vệ mình và những người xung quanh, mạnh dạn nói không với bạo lực học đường, để mỗi ngày các em đến trường thực sự là niềm vui.
Đồng thời, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các học sinh để có thể nắm bắt tình hình cũng như tâm sinh lý của các em, từ đó áp dụng biện pháp phù hợp.
Lâu nay chúng ta vẫn còn tư tưởng “giơ cao, đánh khẽ”. Đã đến lúc cần những biện pháp cứng rắn hơn trở thành liều thuốc mạnh, đặc biệt đối với các trường hợp học sinh cá biệt để giúp cho các em tỉnh ngộ, nhận thức đúng đắn hơn về giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Tất nhiên việc phê bình, kỷ luật, xử phạt không nên để ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh.
Đi cùng với đó, là sự siết chặt vấn đề an toàn không gian mạng, ngăn chặn triệt để và xử lý nghiêm các trang tin, kênh sản xuất video bẩn, độc hại, ảnh hưởng xấu tới giới trẻ.
Đã đến lúc cần nói không với bạo lực học đường và nâng cao những giá trị tốt đẹp trong môi trường sư phạm. Xã hội không thể đứng bên lề của bạo lực học đường, để con trẻ phải tự bơi giữa bể tư tưởng tiêu cực, văn hoá bạo lực mà cần sự chung sức, chung lòng với các hành động mạnh mẽ, quyết liệt, để bạo lực học đường không còn đất sống. Bởi bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, con em chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường nếu không được kịp thời ngăn chặn!./.
Ý kiến ()