Đề án vị trí việc làm, xác định cơ cấu ngạch công chức: Căn cứ khoa học giao chỉ tiêu biên chế
LSO- Vị trí việc làm (VTVL) và cơ cấu ngạch công chức (CCNCC) được quy định trong Luật cán bộ, Công chức (2008) và Nghị định 36/2013NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ. Quy định này là căn cứ khoa học để UBND tỉnh Lạng Sơn giao chỉ tiêu biên chế hằng năm cho các sở, ban, ngành, huyện, thành phố thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước cấp tỉnh và huyện.
Trong Đề án VTVL và CCNCC các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước tỉnh Lạng Sơn gửi Bộ Nội vụ thẩm định (ngày 31/12/2014), xác định có 3.018 VTVL dự kiến cần 2.721 biên chế.
Trong đó có 838 vị trí cần 557 biên chế thuộc nhóm công việc lãnh đạo, quản lý điều hành; 1.308 vị trí cần 1.554 biên chế thuộc nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; 711 vị trí cần 327 biên chế thuộc nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ; 161 vị trí hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP (NĐ 68) cần 282 biên chế. Chia ra, cấp tỉnh có 1.395 vị trí cần 1.527 biên chế, cấp huyện 1.623 vị trí cần 1.194 biên chế.
Tính đến thời điểm 31/12/2014, số lượng biên chế và hợp đồng lao động theo Nghị định 68 tại cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh và huyện của Lạng Sơn là 2.570 người. Như vậy so với số biên chế dự kiến (2.721) thì còn thiếu 151 biên chế.
Cán bộ, công chức phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân
Vì thiếu biên chế nên trong thực tế, không ít cán bộ, công chức làm kiêm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ. Do đó, xác định VTVL gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức trong các cơ quan hành chính nhằm xác định cụ thể số lượng biên chế để các sở, ban, ngành, huyện, thành phố có kế hoạch quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức gắn với vị trí việc làm, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực.
Nghiên cứu tại huyện Hữu Lũng cũng cho thấy, tổng số giờ làm việc của tất cả công chức phòng chuyên môn thuộc UBND huyện là 214.683 giờ, bằng 26.835 ngày công lao động, tương đương 111 biên chế. Nhưng thực tế thời điểm nghiên cứu, huyện chỉ có 92 biên chế. Như vậy, Hữu Lũng thiếu 19 biên chế làm việc tại các phòng chuyên môn. Việc thiếu biên chế đồng nghĩa với cán bộ, công chức làm việc quá thời gian quy định.
Ông Lương Trung Hậu, Phó Trưởng phòng Tổ chức Biên chế, Sở Nội vụ giải thích: Đề án xác định rõ dự kiến 1 biến chế (1 người) có thể làm 1 hoặc nhiều vị trí khác nhau. Ví dụ 1 quản lý cấp phòng có thể vừa làm vị trí quản lý, vừa làm công tác nghiệp vụ, công tác đoàn thể…
Ông Phạm Tuấn Tú, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ cho biết: Đề án VTVL và CCNCC tỉnh xây dựng là sản phẩm tương đương với đề tài khoa học “Nghiên cứu, xây dựng cơ cấu công chức trong cơ quan hành chính nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn Lạng Sơn” mà Sở Nội vụ thực hiện và được tỉnh nghiệm thu cách đây 2 năm.
Nó mang tính khoa học là có căn cứ. Bởi theo kết quả nghiên cứu thực trạng số lượng biên chế, cơ cấu công chức đối với một số sở, ngành, huyện trong tỉnh tại đề tài khoa học thì hầu hết các đơn vị được nghiên cứu không xác định được số lượng công chức, ngạch công chức cần có. Nhiều công chức làm quá giờ quy định. Bên cạnh đó không ít công chức làm chưa đủ giờ quy định. Ví dụ tại Phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp Lạng Sơn thì thời gian làm việc trung bình của 4 biên chế là 2.094 giờ, tương ứng với 256 ngày làm việc. Kết quả này cao hơn thời gian làm việc theo quy định là 174 giờ, tương đương vượt gần 22 ngày.
Với tính khoa học của đề án xác định VTVL và CCNCC đòi hỏi các ngành, đơn vị trong tỉnh xây dựng cơ cấu công chức một cách khoa học, công khai, minh bạch. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhân sự tại cơ quan quản lý nhà nước.
Bài, ảnh: HÀ MY
Ý kiến ()