Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp phát huy hiệu quả
|
Khách du lịch tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: Báo Đồng Tháp) |
Sau khi tỉnh Đồng Tháp khởi động Đề án phát triển du lịch (giai đoạn 2015 – 2020), nhiều điểm du lịch của Đồng Tháp đã có những thay đổi, phát triển. Khu di tích Xẻo Quít đã trồng thêm các loại thực vật, trưng bày bộ sưu tập hoa súng. Vườn quốc gia Tràm Chim cũng đã tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia khai thác phát triển du lịch bằng việc vận động một số hộ dân tham gia dịch vụ lưu trú. Đoàn viên thanh niên của huyện Tam Nông tham gia hướng dẫn du khách tham quan, tạo sự thích thú, thiện cảm cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Với Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp, một số dự án đầu tư về du lịch trước đây chậm thực hiện hoặc tạm ngưng, nay đã được khởi động lại như: dự án của Công ty CP Du lịch Đồng Tháp trong việc xây dựng khách sạn 4 sao ở TP.Sa Đéc; dự án Sao Mai ở khu nghỉ dưỡng phường 6, TP. Cao Lãnh… Bên cạnh đó, để thu hút và tạo niềm tin cho du khách mỗi khi đặt chân đến Đồng Tháp, ngành du lịch tỉnh này cũng đã thực hiện nhiều hành động thiết thực như thực hiện chương trình du lịch chào mùa hè 2015.
Thời gian qua, ở các địa phương của Đồng Tháp, nhiều mô hình du lịch đã được triển khai phong phú, đa dạng, hấp dẫn khách tham quan. Đáng chú ý như mô hình du lịch cộng đồng lưu trú triển khai tại TP. Sa Đéc. Đây là dự án do Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, đơn vị thực hiện là Khoa Văn hóa – Du lịch Trường ĐH Đồng Tháp, nhằm khai thác thế mạnh du lịch và quảng bá hình ảnh của địa phương đến với du khách, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân trong vùng dự án. Dự án này sẽ thực hiện thí điểm ở khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông. Dự án sẽ hỗ trợ người dân một phần kinh phí để cải tạo không gian sống xung quanh nhà, đầu tư một số hạ tầng thiết yếu phục vụ du khách…
Với các dự án được triển khai tại Vườn quốc gia Tràm Chim nhiều năm qua, việc quản lý thủy văn được cải thiện, mực nước được điều chỉnh, các loài thủy sinh, thủy sản phát triển, thảm thực vật được phục hồi… đã góp phần duy trì môi trường đất ngập nước, bảo tồn các loài chim quý hiếm, đặc biệt là sếu đầu đỏ, một loài chim nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Các dự án đã hỗ trợ nâng cấp, cải thiện một phần cơ sở hạ tầng, mở ra nhiều tuyến điểm, sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là du lịch mùa nước nổi, góp phần làm tăng lượng khách đến tham quan. Bên cạnh đó, còn góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống quanh Vườn quốc gia Tràm Chim thông qua các hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; tăng cường sự tham gia của người dân trong việc quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên…
Để phát triển ngành du lịch, tỉnh Đồng Tháp cũng đã chú trọng công tác đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Theo đó, nhiều năm qua, ngành du lịch tỉnh này đã đầu tư khai thác các dịch vụ, tập huấn chuyên môn cho cán bộ, nhân viên nhằm thu hút khách tham quan tại các khu, điểm du lịch. Ngành du lịch Đồng Tháp đã phối hợp với Trường CĐ nghề du lịch Sài Gòn tổ chức chương trình tư vấn, quản lý, đào tạo và khai thác dịch vụ du lịch. Chương trình được thí điểm trong tháng 9 và tháng 10/2015 tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Đối tượng chương trình hướng đến là lực lượng lao động tại Vườn quốc gia Tràm Chim và cộng đồng dân cư vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Chương trình tổ chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở, hộ dân trang bị những kiến thức cơ bản về quản lý, điều hành và kỹ năng phục vụ, góp phần đưa du lịch tỉnh Đồng Tháp phát triển. Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, đây là chương trình tư vấn quản lý, đào tạo và khai thác dịch vụ du lịch đầu tiên được tổ chức thí điểm với hình thức tư vấn, đào tạo chuyển giao công nghệ, vì thế có ý nghĩa quan trọng để rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này cho các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh Đồng Tháp.
UBND tỉnh Đồng Tháp cũng vừa ban hành Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung khai thác hai loại hình đặc trưng. Thứ nhất là loại hình phát triển sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa. Đối với loại hình này, tỉnh sẽ phát triển sản phẩm du lịch thưởng ngoạn cảnh quan sông nước, tham quan di chỉ khảo cổ văn hóa Phù Nam…; phát triển sản phẩm du lịch tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư vùng Đồng Tháp Mười tại Vườn quốc gia Tràm Chim với các hoạt động của người dân trong mùa nước nổi; phát triển sản phẩm du lịch tìm hiểu về sinh kế của người dân như xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở Làng hoa cảnh TP. Sa Đéc gắn với các hoạt động cho du khách cùng tham gia, tìm hiểu đời sống sinh hoạt truyền thống, trải nghiệm quy trình sản xuất sản phẩm, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống địa phương tại nhà người dân.
Thứ hai là phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, gồm phát triển sản phẩm du lịch sinh cảnh rừng tràm ngập nước với các hoạt động tham quan cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tìm hiểu các giá trị di tích lịch sử, văn hóa ẩm thực đồng quê tại Khu di tích Xẻo Quýt và Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng; phát triển sản phẩm du lịch sinh cảnh đất ngập nước nội địa vùng trũng Đồng Tháp Mười với các hoạt động tham quan, tìm hiểu về môi trường và các giá trị đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Ý kiến ()