Thứ 6, 22/11/2024 22:38 [(GMT +7)]
Ðề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ
Thứ 2, 17/05/2010 | 09:39:00 [(GMT +7)] A A
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ sau hơn hai năm thực hiện. Đến nay đã có 66.912 phòng học kiên cố được xây dựng, trong đó có 42.368 phòng học đã hoàn thành kịp thời đưa vào sử dụng phục vụ cho học tập và giảng dạy. 20.463 nhà công vụ giáo viên đã hoàn thành, giải quyết điều kiện chỗ ở cho giáo viên từ giáo dục mầm non đến các cấp học phổ thông.
Các phòng học mới xây dựng được thực hiện theo thiết kế mẫu của Bộ Xây dựng ban hành, đáp ứng yêu cầu kiên cố, bền vững và các tiêu chuẩn về diện tích, ánh sáng theo quy định hiện hành, tạo điều kiện cho các trường phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới trường học ở các địa phương. Các nguồn vốn đầu tư (nhất là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ) về cơ bản được các địa phương quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng thất thoát vốn đầu tư.
Năm 2010, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho Đề án là 4.500 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa là 1.662 tỷ đồng. Số vốn trái phiếu Chính phủ đã giải ngân được gần 860 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 19,1% so với số vốn được giao. Trong đó có sáu địa phương đã giải ngân đạt hơn 80% (An Giang, Hà Nam, Lạng Sơn, Cà Mau, Long An, Hậu Giang). Từ đầu năm đến nay, Đề án đã triển khai xây dựng 11.129 phòng học, đưa vào sử dụng 673 phòng; nhà ở công vụ cho giáo viên đã triển khai xây dựng là 1.595 phòng, 311 phòng đã đưa vào sử dụng…
Qua quá trình thực hiện Đề án của các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rút ra bài học kinh nghiệm từ các địa phương thực hiện tốt để phát huy, nhân rộng, đồng thời rút kinh nghiệm ở các địa phương thực hiện chưa tốt. Ở những địa phương thực hiện tốt là có sự quan tâm đúng mức, chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố từ khâu xác định danh mục đầu tư, phân bổ vốn kịp thời, tập trung đến khâu thực hiện đầu tư, hoàn thành đưa công trình vào sử dụng (như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang); tập trung nguồn lực tài chính thích đáng, bố trí ngân sách địa phương phù hợp với khả năng tài chính cơ sở; phối hợp tốt, đồng bộ với các cơ quan liên quan… Ở nhiều địa phương còn thực hiện chế độ giao ban trong Ban Chỉ đạo, báo cáo kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện để tập trung tháo gỡ.
Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án vẫn còn hạn chế cần khắc phục: Việc kiểm tra rà soát, sắp xếp danh mục đầu tư hằng năm của một số địa phương chưa ưu tiên đối với những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Công tác phân bổ vốn đầu tư còn dàn trải, thực hiện phân bổ theo suất đầu tư. Tiến độ xây dựng và giải ngân của một số tỉnh còn chậm so với yêu cầu; việc thông tin, tuyên truyền Đề án còn hạn chế và chưa thường xuyên, các doanh nghiệp chưa tích cực tham gia đóng góp thực hiện Đề án…
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ căn cứ tiến độ giải ngân những tháng đầu năm 2010, ứng trước vốn năm 2011 cho các địa phương thực hiện tốt Đề án và có kết quả giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ đạt tỷ lệ cao. Hơn nữa, Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, do biến động về giá nên tổng số vốn được phê duyệt không thể giải quyết hết số phòng học, nhà công vụ giáo viên theo kế hoạch. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Đề án đến năm 2015 và bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ để hoàn thành mục tiêu Đề án đã phê duyệt và bổ sung danh mục mới cho các địa phương thật sự khó khăn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()