Đề án Bảo tồn, phát triển giá trị cây Đào và tổ chức Lễ hội hoa Đào Xứ Lạng: Xây dựng vùng trồng đào trọng điểm của cả nước
– Lạng Sơn có nhiều giống đào bản địa đẹp, quý, gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh như: đào bích, đào phai, đào bạch, đào chuông, đào Mẫu Sơn… Cây đào có đầy đủ giá trị về tự nhiên, văn hóa, kinh tế để trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch. Đây chính là tiền đề để xây dựng vùng trồng đào trọng điểm của cả nước.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 100 ha đào được trồng và phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố với hơn 150.000 cây. Trong đó, nhiều nhất là đào bích và đào phai. Uớc tính giá trị khai thác từ cây hoa đào có thể đạt tới 100 tỷ đồng/năm, hiệu suất kinh tế từ cây đào có thể đạt được khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm, cao hơn các loại cây trồng khác như na, quýt, thạch… Bên cạnh giá trị kinh tế, cây hoa đào còn là biểu tượng mang giá trị văn hóa tâm linh. Người dân thường trang trí cây hoặc cành đào trong nhà vào dịp Tết Nguyên đán với mong muốn gia đình năm đó được sức khỏe, bình an, làm ăn thuận lợi… Cũng chính vì “tính thiêng” mà cây hoa đào được trồng tại những ngôi đình, đền, chùa cổ kính của Xứ Lạng như một biểu tượng tâm linh.
Thanh niên thành phố Lạng Sơn trồng cây đào tại gia đình chính sách ở thôn Nà Sèn, xã Hoàng Đồng
Nhận thấy giá trị từ cây hoa đào, ngày 31/10/2018, UNBD tỉnh quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển giá trị cây đào và tổ chức lễ hội hoa đào Xứ Lạng với tổng vốn đầu tư hơn 114 tỷ đồng. Đề án gồm 2 giai đoạn triển khai: giai đoạn 1 (2018 – 2025), giai đoạn 2 (sau năm 2025). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) là đơn vị chủ trì.
Bà Hà Thị Lư, Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, Sở VHTT&DL cho biết: Thực hiện đề án, Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2025 sẽ quy hoạch, bảo tồn, phát triển không gian, diện tích trồng một số giống hoa đào giá trị cao; áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật để bảo tồn, trồng, chăm sóc cây, hoa đào; tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn, phát triển cây đào Xứ Lạng; tổ chức lễ hội hoa đào để giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch của tỉnh. Cụ thể phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng và chăm sóc khoảng 250 ha Đào, trong đó 50 ha trồng ở khu vực cảnh quan, 50 ha tại khu vực di sản và 150 ha đào thương phẩm. Sau năm 2025, phát triển thêm 80 ha, trong đó 30 ha đào cảnh quan, 50 ha đào thương phẩm.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng, phong phú các giống đào trên địa bàn tỉnh, những năm qua, ngành KH&CN đã phối hợp triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học như: phục tráng Đào Mẫu Sơn; tuyển chọn, nhân giống và kỹ thuật thâm canh, cải tạo vùng trồng đào đặc sản ở khu du lịch Mẫu Sơn. Ngoài ra, ngành đã triển khai nhiều nhiệm vụ bảo tồn, phát triển cây đào, hoa đào như nghiên cứu, phát triển cây đào chuông tại huyện Đình Lập nhằm khai thác và phát triển bền vững nguồn gen bản địa, tạo cảnh quan thu hút khách du lịch; phục tráng giống đào ăn quả Mẫu Sơn và phát triển một số giống đào mới tại khu du lịch Mẫu Sơn tỉnh Lạng Sơn… Trong năm 2020, sản phẩm hoa đòa đã có tem truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang triển khai nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu tập thể hoa đào Xứ Lạng; nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen đào cảnh với các giống đào trên địa bàn tỉnh.
Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Với nỗ lực đó, kết quả hiện nay, Lạng Sơn đã xây dựng được mô hình và quy trình nhân giống đào chuông tại huyện Đình Lập; xây dựng được quy trình trồng, chăm sóc một số giống đào lấy hoa, lấy quả; tìm ra một số giống đào nhập nội phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh; thử nghiệm thành công các giống đào ăn quả nhập nội có giá trị kinh tế cao. Ngày 6/8/2012, đào Mẫu Sơn nằm trong tốp 50 đặc sản trái cây được tổ chức Vietkings công bố.
Triển khai Đề án, từ năm 2019 đến nay, các công ty du lịch cũng tích cực kết nối tuor, tuyến du lịch tham quan vườn đào. Cùng đó, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tích cực khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng đào để phát triển kinh tế, tạo cảnh quan. Các cấp, ngành liên quan phói hợp đẩy mạnh các hoạt động quảng bá như tổ chức lễ hội hoa đào, hội chợ hoa đào, hội thi cây hoa đào đẹp… Ông Hoàng Văn Giang, thôn Bản Cao, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Những năm gần đây, các cấp, ngành trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát triển và nâng cao giá trị cây hoa đào. Do đó, gia đình tôi cũng cũng tập trung mở rộng diện tích trồng đào để phát triển kinh tế. Nhờ vào việc trồng và kinh doanh vườn đào hơn 500 gốc, mỗi năm, gia đình tôi có nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng.
Với một đề án thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và người dân, doanh nghiệp, tin tưởng trong thời gian tới, diện tích trồng cây hoa đào sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra; Lạng Sơn sẽ sớm hình thành vùng trồng đào trọng điểm của cả nước.
Quan tâm đầu tư phát triển cây đào Xứ Lạng
Bà Trình Thị Luyến, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Làm vườn tỉnh: Đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể (NHTT) Hoa đào Lạng Sơn.
Hoa đào Lạng Sơn được người tiêu dùng đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt, nhiều màu sắc và đẹp, lâu tàn, cánh hoa dày và hình dáng cây, màu sắc vỏ cây độc đáo, bắt mắt phù hợp với người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay, trong sản xuất và kinh doanh hoa đào tại Lạng Sơn đang gặp một số khó khăn như: diện tích trồng đào còn nhỏ lẻ; chất lượng sản phẩm hoa đào chưa đồng đều giữa các huyện với thành phố và giá cả bấp bênh, thiếu tính ổn định… Do đó, mục tiêu xây dựng NHTT hoa đào để đảm bảo việc kiểm soát chất lượng, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, góp phần tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm mang NHTT, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người sản xuất và kinh doanh hoa đào. Để đẩy mạnh việc này, thời gian tới, các đơn vị thực hiện dự án sẽ tích cực điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh, khoanh vùng xác định phạm vi vùng đại lý bảo hộ NHTT hoa đào Lạng Sơn. Cùng với đó, thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu “Hoa đào Lạng Sơn” và xây dựng hệ thống phương tiện quảng bá NHTT “Hoa đào Lạng Sơn” và triển khai hoạt động quản lý, phát triển NHTT vào thực tiễn.
Bà Hoàng Minh Thảo, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin, thành phố Lạng Sơn: “Phát triển cây đào, hoa đào theo hướng hàng hóa và tổ chức lễ hội hoa đào”
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có trên 90 ha cây đào, riêng 3 tháng đầu năm 2021, thành phố đã trồng mới được trên 11 ha đào (tập trung ở xã Hoàng Đồng và xã Quảng Lạc). Từ năm 2018, thành phố Lạng Sơn đã tổ chức phát động Tết trồng cây (chủ yếu trồng cây đào) rộng rãi tại các cơ quan, đơn vị, trường học, xã, phường và trong Nhân dân của thành phố. Đồng thời, UBND thành phố chú trọng quảng bá, tuyên truyền về hình ảnh hoa đào Xứ Lạng. Cụ thể như, gắn hình ảnh và tên gọi thành phố Lạng Sơn với “thành phố Hoa Đào” và cũng là tiêu đề của cuốn catalog, tờ rơi giới thiệu quảng bá về thành phố Lạng Sơn. Đồng thời xây dựng các biểu tượng sản phẩm quà tặng lưu niệm của thành phố Lạng Sơn gắn với hình ảnh hoa Đào Xứ Lạng.
Cùng với đó, thành phố Lạng Sơn là nơi diễn ra Lễ hội hoa đào gắn với Đường hoa xuân của tỉnh. Vì vậy, các xã, phường đã lựa chọn những cây đào, vườn đào tham gia thi các cuộc thi cây đào đẹp, vườn đào đẹp và đạt nhiều giải cao. Thông qua các lễ hội hoa đào, đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu góp phần cho công tác quảng bá hình ảnh cây đào, hoa đào Xứ Lạng ngày càng có vị thế.
Ý kiến ()