ĐD Đỗ Thanh Hải: Áp lực với "Thư giãn cuối tuần"
“Gặp nhau cuối tuần” đã được sự yêu thích của khán giả dành cho suốt 7 năm là một áp lực lớn cho chúng tôi khi trở lại thực hiện “Thư giãn cuối tuần” – đạo diễn Đỗ Thanh Hải bộc bạch về chương trình mới sẽ lên sóng VTV3 thời gian tới.
Sau 3 năm vắng bóng “Gặp nhau cuối tuần”, sự trở lại lần này của đội ngũ VFC với chương trình “Thư giãn cuối tuần” hứa hẹn sẽ mang lại nhiều tiết mục giải trí hấp dẫn cho công chúng vào dịp cuối tuần. Mặc dù đang rất gấp rút để cho ra mắt chương trình trong thời gian ngắn tới, nhưng đạo diễn Đỗ Thanh Hải vẫn dành thời gian chia sẻ với độc giả VnMedia về ý tưởng này.
![]() |
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải |
– “Thư giãn cuối tuần” đang được kỳ vọng sẽ tạo nên những điều mới mẻ cho “Gặp nhau cuối tuần” đã từng rất thành công trước đó. Anh có thể cho biết, khán giả sẽ được thưởng thức gì ở chương trình hài mới này trên sóng truyền hình?
Hiện nay chương trình dự kiến có 3 phần, mỗi chương trình thời lượng 45-50 phút. Phần đầu là tiểu phẩm hài bám sát các vấn đề xã hội, phần cuối là các tiết mục hài với nhiều hương vị khác nhau của nghệ sỹ Nam, Bắc để đáp ứng các “gu” thưởng thức của khán giả cả nước. Xen giữa là chuyên mục giải trí tương tác với khán giả, sử dụng yếu tố âm nhạc là chủ đạo.
– Làm hài rất khó, nhất là khi tất cả các lĩnh vực nghệ thuật đều đang than thở thiếu vắng kịch bản hay. “Thư giãn cuối tuần” có gặp phải khó khăn này?
Nếu sân khấu hài khan hiếm kịch bản hay thì kịch bản hài truyền hình càng hiếm hơn vì ngoài yếu tố tạo ra tiếng cười, còn phải đáp ứng được số đông khán giả với nhiều đối tượng, sở thích và gu thưởng thức vùng miền. Nguồn kịch bản do khán giả gửi đến như một yếu tố bất ngờ, có thể chỉ là liệt kê tình huống, nhưng có thể lại là những đặc sản rất đặc biệt.
Hiện nay người viết kịch bản hài chuyên nghiệp trên cả nước đếm không đủ trên 10 ngón tay, vì thế thường rơi vào việc các nghệ sỹ phải vật lộn với kịch bản gốc để phát triển, chưa kể là khán giả vùng nào sẽ có những cách “muốn được cười” khác nhau.
Chúng tôi mong khán giả cùng yêu thích tiếng cười và cùng đóng góp những khả năng tiềm ẩn để tiếng cười ý nghĩa được chia sẻ với nhiều người khác. Đó cũng là cách mà khán giả sẽ thấy thích thú hơn khi cùng tham gia hành trình sáng tạo tiếng cười.
– Có một thực tế, lớp nghệ sỹ hài kế cận thì hiếm mà lớp nghệ sỹ hài gạo cội dường như ngại “chường mặt” quá nhiều trên truyền hình. Anh nghĩ VFC phải làm thế nào để tiếp tục kéo họ về với chương trình và làm mới cho chương trình này?
Chỉ có cách duy nhất là chương trình hay, hấp dẫn và thu hút khán giả. Nghệ sỹ sẽ rất ngại tham gia vào chương trình dở, nhưng nếu hay, được khán giả quan tâm yêu thích thì xuất hiện nhiều hay ít không còn là vấn đề.
Một vấn đề nữa mà với góc nhìn của người trong cuộc, tôi cũng mong báo chí và khán giả chia sẻ với sự khó khăn cũng như nỗ lực của nghệ sỹ hài khi đem lại tiếng cười. Nhiều câu chuyện Kép Tư Bền của nghệ sỹ hài vẫn còn đến bây giờ.
Chúng ta muốn hài kịch phát triển, chất lượng ngày càng nâng cao nhưng thực tế cho thấy, sân khấu hài vẫn chỉ là hoạt động tự phát do nhu cầu thị trường, không có chỗ đứng hoặc được thừa nhận trong các tổ chức nghề nghiệp, các giải thưởng chuyên môn. Vậy làm sao khích lệ nghệ sỹ hài chuyên tâm rèn luyện và phấn đấu.
Ví dụ Xuân Bắc, Vân Dung đến nay vẫn chưa có được 1 vai chính ở Nhà hát kịch, họ chỉ được thừa nhận ở sự yêu thích của khán giả còn các Liên hoan sân khấu vẫn chỉ được coi là diễn viên trẻ. Trong khi gần 10 năm nay chưa phát hiện thêm được các gương mặt nghệ sỹ hài như họ.
Hay ở các nước, trong bảng giải thưởng sân khấu, điện ảnh, bên cạnh giải thưởng chính kịch vẫn dành giải thưởng cho tác phẩm thể loại hài kịch, diễn viên hài… Còn với nền giải trí của chúng ta thì chỗ đứng của hài kịch, tác phẩm hài vẫn chỉ là thứ mua vui.
![]() |
![]() |
Các nghệ sỹ Nam, Bắc sẽ cùng tái ngộ trong “Thư giãn cuối tuần” |
Táo quân hay một số chương trình “Gặp nhau cuối tuần” trước đây (với vấn đề xã hội được thể hiện qua lăng kính hài hước và khán giả, báo chí đánh giá tốt) dù ai cũng thừa nhận các chương trình này đang tồn tại trên truyền hình, đóng góp cả về mặt giải trí và tính báo chí, cũng như được khán giả yêu thích nhưng nghệ sỹ hài dường như không được các tổ chức chuyên môn quan tâm, tạo điều kiện phát triển.
– Xác định trở lại với việc mang đến tiếng cười cho khán giả hàng tuần là một việc mạo hiểm mà cá nhân anh và cả VFC cũng phải tính tới. Anh có nghĩ, khán giả Việt Nam vẫn cần tiếng cười và thời gian 3 năm đủ để “Thư giãn cuối tuần” mang lại sự háo hức mới cho khán giả sau khi “Gặp nhau cuối tuần” vắng bóng?
Tôi tin và biết đó là nhu cầu có thực vì sau khi “Gặp nhau cuối tuần” kết thúc, VTV nhận được nhiều thư và ý kiến khán giả mong muốn tiếp tục “Gặp nhau cuối tuần”. Hơn nữa, các chương trình hài trên sóng truyền hình hiện nay rất ít. Mỗi năm chỉ có Táo quân nhưng là cách nhìn hài hước, châm biếm về các vấn đề xã hội. Do vậy, rất thiếu những tiếng cười giải trí, thư giãn gắn với đời sống hàng ngày.
Nhưng sự chờ đợi ấy sẽ được thăng hoa hôm nay với một tiết mục hay, ngày mai với 1 tiết mục na ná như vậy hay dở hơn sẽ lập tức nhận phản hồi chê ngay. Đó cũng là điều đặc biệt của chương trình hài, khán giả không chấp nhận và không quan tâm đến một chương trình hài nếu xem xong không cười được.
Tôi biết hiện nay vẫn có 1 số chương trình hài được sản xuất và phát sóng trên một số Đài truyền hình, nhưng gần như khán giả, báo chí không nhắc đến vì chẳng ai đánh giá, quan tâm.
Qua đó cũng thấy “Gặp nhau cuối tuần” đã được sự yêu thích của khán giả dành cho suốt 7 năm là một áp lực lớn khi trở lại thực hiện “Thư giãn cuối tuần”.
![]() |
“Gặp nhau cuối tuần” đã được sự yêu thích của khán giả dành cho suốt 7 năm là một áp lực lớn khi trở lại thực hiện “Thư giãn cuối tuần”. |
– Anh từng tâm sự, làm hài rất khó, nhất là để làm được dài hơi. “Thư giãn cuối tuần” ra mắt, không chỉ là một món ăn tinh thần vui cho khán giả cuối tuần mà còn mang tới một nỗi lo mới, làm thế nào để chương trình duy trì được sức sống mỗi tuần. Là người đứng mũi chịu sào, tâm trạng của anh sẽ là áp lực hay háo hức chờ ngày chương trình lên sóng?
Cả hai, vì tôi còn chịu áp lực, còn phải lo lắng để làm tốt. Háo hức vì khi làm chương trình, mình đánh mất cảm giác chờ đợi, nghe ngóng phản hồi thì lúc đó mình đang làm như cái máy.
– Nếu “Thư giãn cuối tuần” không ăn khách như “Gặp nhau cuối tuần” trước đó, anh sẽ chọn cách rút lui chứ?
Như đã nói ở trên, làm hài mà khán giả không cười hoặc sáng tạo nghệ thuật hay làm truyền hình mà chương trình mình làm ra chẳng ai phản hồi, hỏi thì được trả lời: không xem hay đơn giản” phát lúc nào nhỉ?”.
Đó là nỗi buồn và thất bại, dù đôi khi nhiều người thích làm cái gì đó an toàn, chẳng bị ý kiến gì. Chúng tôi đã theo suốt “Gặp nhau cuối tuần”, nghe nhiều ý kiến và biết thực sự cái được, cái dở và khả năng của mình, đôi khi muốn cố cũng không được. Vì vậy khi chương trình không đóng góp được cái gì thì nên dừng lại chứ không muốn làm lấy được.
Xin cảm ơn anh!
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()