Từ cuối tháng 7-2010, các làng nghề sản xuất các phương tiện, dụng cụ khai thác các sản vật mùa nước nổi ở ĐBSCL bắt đầu vào vụ chính làm hàng hóa phục vụ cuộc mưu sinh của cư dân trong vùng. Tuy nhiên, chưa bao giờ người dân làng nghề lại sốt ruột, thấp thỏm lo âu cho một mùa làm ăn mới đầy khó khăn như năm nay vì lũ về muộn hơn so mọi năm.
Các làng nghề vào mùa
Như hàng năm vào cuối 7, đầu tháng 8 âm lịch, làng lưới Thơm Rơm trên quốc lộ 91, đoạn ngay cầu Thơm Rơm, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ bắt đầu sản xuất nhộn nhịp. Làng lưới này do những hộ dân gốc từ tỉnh Thừa Thiên -Huế vào đây gầy dựng và phát triển gần 40 năm qua. Ông Lê Quý Hợp, một trong những cư dân đầu tiên gầy dựng làng lưới này, cho biết: “Mùa lũ là mùa sản xuất lớn nhất trong năm, cơ sở của tôi đang thuê hơn 10 thợ, sản xuất đủ các loại lưới phục vụ bắt cá trong mùa lũ, có đơn đặt hàng từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp…về lẻ cho dân địa phương. Hiện tại, thợ nam mỗi ngày làm được 70 đến 80 nghìn đồng/người, thợ nữ thì 50 đến 60 nghìn đồng. Lúc đông ken, lũ chính vụ có thể được 80 đến 100 nghìn đồng/người/ ngày”.
Tương tự, làng nghề lưỡi câu Mương Thi, ở phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên (An Giang) tăng tốc làm hàng phục vụ cho cự dân mùa lũ. Làng nghề này vang danh khắp ĐBSCL mấy chục năm qua nhờ lưỡi câu có độ sắc bén, bền, hiệu quả và giá rẻ. Làng nghề có hơn 180 hộ chuyên sản xuất lưỡi câu, theo hình thức cha truyền con nối. Bình quân mỗi hộ thuê thêm 3-5 lao động làm công; hoạt động gần như suốt năm nhưng chính vụ làm ăn là mùa lũ. Hiện làng nghề vươn thị trường tiêu thụ khắp các tỉnh ĐBSCL.
Vì chất lượng tốt, cá ăn là dính, giá phải chăng nên rất được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, làng nghề đã sản xuất được lưỡi câu bằng chất liệu inox nên không bị mục, sét nên rất hút hàng. Làng nghề lưỡi câu Mương Thi sản xuất được hàng chục loại từ câu từ nhỏ nhất như cá lòng tong đến cá mập. Bình quân một hộ gia đình với hai người làm, vào mùa lũ mỗi tháng có thể cho ra lò 25 muôn (1 muôn = 10.000 lưỡi). Nhiều hộ có thuê lao động, sản xuất lớn thì sản lượng gấp 4-5 lần.
Còn làng nghề làm lọp cua, lọp tép Mỹ Đức (xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, An Giang) cũng tăng tốc làm hàng bán cho cư dân vùng lũ. Làng nghề có hơn 60 hộ, với hơn 200 lao động làm từ 1.000 – 2.000 cái lọp. Làng nghề này có tiếng nhờ sản phẩm đa dạng, đặt cua, cá rất chạy. Sản phẩm tiêu thụ mạnh ở các tỉnh ĐBSCL. Các làng nghề đóng xuồng Năm Quăng ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, làng nghề sản xuất lú, lờ, bẫy chuột… Đồng Tháp, cũng đang bước vào mùa làm ăn với nhiều hy vọng từ lũ.
Thấp thỏm đợi lũ về
Đến thời điểm này, lũ năm nay đến muộn và yếu hơn nhiều năm trước, làm cư dân làng nghề thấp thỏm, lo âu cho việc sản xuất, kinh doanh làng nghề của mình. Theo Trung tâm khí tượng thủy văn An Giang, lũ năm nay về muộn. Hiện mực nước lũ tại các trạm đo đạc trên sông Tiền, sông Hậu lên chậm, từ 2-3cm/ngày và còn thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 60-100cm. Dự báo, mùa lũ năm 2010 không lớn, xấp xỉ mức trung bình các năm trước; đỉnh lũ sẽ đạt vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, dao động ở mức 4,2-4,3m…
Do nước lũ về muộn, nên sản phẩm của các làng nghề sản xuất ra tiêu thụ rất ít, nhiều làng nghề lượng tiêu thụ giảm khoảng 80%, đời sống người dân khó khăn. Ông Trần Văn Vinh chất đầy lọp cua trong nhà nhưng không bán được, than thở. “Mọi năm, thương lái ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ…, thậm chí là Campuchia nườm nượp kéo đến mua lọp cua, làm không kịp tay. Còn năm nay, nhiều người đã đặt hàng trước mấy tháng vẫn không đến lấy”.
Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Lũ năm nay rõ ràng chậm hơn các năm trước nên bà con làng nghề khá lo lắng vì đây là mùa làm ăn quan trọng nhất trong năm. Làng lưới Thơm Rơm hiện có 30 cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương. Tới mùa nước nổi, mỗi cơ sở thu hút 30-40 lao động. Ngoài ra còn có hơn 100 hộ gia đình ở địa phương nhận hàng từ các cơ sở về làm gia công ăn theo sản phẩm. Chúng tôi đang lập hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề, chuẩn bị thành lập HTX, quy hoạch sắp xếp lại làng nghề lưới Thơm Rơm để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh”.
Lũ về chậm không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động các làng nghề mà còn ảnh hưởng đến đời sống hàng nghìn hộ dân vùng ĐBSCL sống dựa vào khai thác thủy sản mùa nước nổi hàng năm. Bởi lũ ở ĐBSCL nước lên từ từ mang theo phù sa bồi đắp cho ruộng vườn và lượng cá, tôm dồi dào. Đây là nguồn sống chính của cư dân vùng lũ ĐBSCL.
Lượng nước sông Mêkông có nguy cơ giảm 40% Theo Viện Kinh tế Sinh thái, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam: Có tới 6.000 công trình lớn nhỏ gồm hồ chứa nước, công trình thủy lợi, thủy điện… được xây dựng để khai thác nguồn nước trên toàn lưu vực sông Mêkông trong vòng 60 năm qua. Đặc biệt, các công trình thủy lợi, thủy điện ở các nước thượng nguồn sông Mekong của các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào làm lượng nước chỉ còn khoảng 60% so với chưa có các công trình này. Sự biến động của dòng chảy gây ra tác hại lớn đến kinh tế xã hội. Các đập thủy điện xây dựng trên thượng nguồn Mêkong, nhất là 7 đập ở độ cao 100-300m trên dòng chính của Lang Thương giang (đoạn sông Mêkong thuộc tỉnh Vân Nam-Trung Quốc) sẽ làm hệ sinh thái sông Mêkong biến đổi. Những ảnh hưởng xấu nhất của các công trình thủy điện trên sông Mêkông tác động đến toàn bộ hệ sinh thái, nhưng hậu quả nặng nề nhất lại ở cuối nguồn, ĐBSCL… Vùng hạ lưu sông Mêkông gồm Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam có hơn 70 triệu dân sinh sống, trong đó khoảng 55 triệu người làm nông nghiêp trên lưu vực Mêkong và các chi lưu. |
Ý kiến ()