ĐBQH tỉnh nêu ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
– Hôm nay (7/1), tiếp tục chương trình làm việc, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khoá XV thảo luận trực tuyến về dự thảo một số Nghị quyết như: chính sách tài khoá, tiền tệ; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Triệu Quang Huy, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; các ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Phát biểu trực tuyến trước Quốc hội tại điểm cầu Hà Nội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ ý kiến tán thành với Tờ trình, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, Báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu thảo luận tại tổ đối với Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ.
Đối với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 42 năm 2020 của Chính phủ, Quốc hội cần nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn các chính sách cho khu vực phi chính thức, nhất là nhóm yếu thế, trong đó có chính sách trợ cấp bằng tiền mặt. Hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân góp phần kích cầu đối với nền kinh tế. Cùng với đó, nghiên cứu bổ sung nguồn vốn tín dụng cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 bên cạnh nguồn vốn dự kiến 9.000 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển việc làm nhằm giải quyết lượng lao động thiếu việc làm tại khu vực nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động di cư về quê theo quy định của Luật Việc làm năm 2013.
Phát biểu trực tuyến trước Quốc hội tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm nghiên cứu, bổ sung thêm một cách phù hợp nội dung hỗ trợ đội ngũ y tế đang trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống dịch. Bởi quá trình phục hồi kinh tế cần thực hiện đồng thời với công tác kiểm soát dịch COVID-19. Trong đó, việc động viên, khuyến khích đội ngũ y tế tiếp tục yên tâm công tác đóng vai trò rất quan trọng. Mặc dù tại điểm b khoản 1 Điều 3 và điểm đ khoản 2 dự thảo Nghị quyết đã có giải pháp tiền tệ để phát triển cơ sở vật chất, các hệ thống y tế liên quan nhưng dự thảo Nghị quyết hiện nay vẫn thiếu vắng chính sách hỗ trợ đội ngũ y tế.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu trực tuyến trước Quốc hội nêu ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ
Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, việc áp dụng giải pháp sử dụng kinh phí 5 nghìn tỷ, trong đó bao gồm 4 nghìn tỷ để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, 1 nghìn tỷ đồng để mua máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là thực sự cần thiết. Đây là một giải pháp thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính lan toả, có ý nghĩa nhân văn và xã hội sâu sắc. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có giải pháp phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông để có phương án triển khai, xác định cấu hình tối thiểu của máy tính bảng, vừa cân đối đảm bảo chất lượng máy tính bảng, đảm bảo nhu cầu học tập, vừa cân đối số lượng để có nhiều em học sinh khó khăn thực sự được thụ hưởng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới. Đồng thời, cũng xác định được những nơi đang thiếu nhưng rất cần phủ sóng internet theo lộ trình.
Đối với nội dung xin ý kiến Quốc hội tại Tờ trình của Chính phủ về 2 phương án cho phép tính vào chi phí được trừ xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi, ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Lưu Bá Mạc ủng hộ quan điểm của đa số ý kiến là đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế.
Trong chương trình, thành viên Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Theo chương trình, thứ Hai (10/1), Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về một số dự án luật và chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Phóng viên Báo Lạng Sơn sẽ tiếp tục thông tin về các diễn biến của Kỳ họp tới độc giả.
Ý kiến ()