ĐBQH tỉnh góp ý kiến vào dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi)
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến góp ý vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
– Sáng 27/5, tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã phát biểu ý kiến tại hội trường, bày tỏ sự tán thành đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này. Đại biểu cho biết, cơ quan soạn thảo đã rất công phu, khoa học và trách nhiệm trong công tác chuẩn bị và chỉnh lý dự thảo và nội dung dự án luật lần này có chất lượng, chặt chẽ hơn nhiều so với dự án luật lần trước.
Góp ý về một số nội dung cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa nội dung hai khái niệm “sáng kiến”. Một khái niệm “sáng kiến” vừa được bổ sung tại Khoản 4 Điều 3 dự án luật và một khái niệm “sáng kiến” đã được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 13 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều lệ sáng kiến. Đại biểu cho rằng, hiện nay khái niệm như dự án luật lần này đã không yêu cầu tính mới của sáng kiến, nghĩa là nội hàm đã rộng hơn.
Đối với sự khác nhau này thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau này sẽ phải áp dụng quy định về “sáng kiến” như dự thảo luật lần này. Khi đó sẽ phải thực hiện sự sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật có liên quan. Trong khi đó, cho đến nay, các quy định hiện hành về sáng kiến vẫn còn tính ổn định và chưa phát sinh bất cập đến mức cần phải sửa đổi.
Ngoài ra, đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chỉnh lý và sử dụng thống nhất cụm từ “có khả năng nhân rộng” tại Điểm b Khoản 1 trong cả hai điều 21 và 22 của dự án Luật về danh hiệu các chiến sỹ thi đua. Đại biểu lý giải, theo báo cáo số 225 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và tại dự án luật lần này, cụm từ “có khả năng nhân rộng” đã được sử dụng thay cho cụm từ “có phạm vi ảnh hưởng” như tại Khoản 2 của cả hai điều 21 và 22. Do đó, đại biểu đề nghị cần có sự thống nhất như vậy đối với nội dung liên quan tại Khoản 1 của cả hai điều 21, 22 của dự án luật này.
Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng kiến nghị với cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm quy định giới hạn về số lượng đồng tác giả được phép sử dụng sáng kiến, đề tài, đề án hoặc công trình khoa học để làm tiêu chí xét tặng các danh hiệu thi đua. Theo đại biểu có thể cân nhắc bổ sung vào dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành của dự án luật này.
Theo chương trình, buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ý kiến ()