ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường
– Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước; phương án phân bổ ngân sách Trung ương và tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KT – XH năm 2023. Đại biểu đề cập về các nội dung: giải ngân vốn đầu tư công trong thực hiện các dự án đầu tư công, tăng cường kiểm soát lạm phát, bình ổn giá nguyên vật liệu ở trong nước, tránh tình trạng giá xăng dầu tăng kéo theo các mặt hàng khác tăng theo…
Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái, dịch bệnh COVID- 19, thiên tai, bão lũ trong nước diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của Nhân dân. Song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, tình hình KT-XH trong nước đã có sự phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, nhất là trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID- 19 và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập đã được đánh giá đầy đủ trong cáo cáo của Chính phủ và cáo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Đại biểu nhất trí với những giải pháp phát triển KT-XH năm 2023 mà Chính phủ đã đề ra, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương để thực hiện các thủ tục giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi phát triển KT-XH, bao gồm cả chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có các biện pháp kiểm soát lạm phát, kiểm soát giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp và giá các loại hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân; tăng cường hơn nữa việc đảm bảo tự chủ về nguồn nguyên vật liệu trong nước trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo đại biểu, việc chủ động về nguồn lương thực, thực phẩm và nguồn nguyên liệu, vật tư trong nước cũng sẽ góp phần giảm lạm phát. Song song với đó, cần có biện pháp để tránh tình trạng khi giá xăng dầu tăng kéo theo các mặt hàng khác tăng theo nhưng khi giá xăng dầu hạ, giá cả các mặt hàng khác không giảm theo, gây khó khăn cho đời sống của nhân dân. Nhất là theo dự kiến tới đây, Chính phủ tăng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lại là lý do để các mặt hàng khác tăng theo, khiến cho chính sách tăng lương cơ sở có thể sẽ không đạt được mục tiêu đề ra…
Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp quyết liệt, sớm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-CP, ngày 2/3/2022 của Chính phủ về phát triển KT – XH khu vực biên giới đất liền, nhất là chính sách thu hút nguồn nhân lực, chính sách về bảo hiểm y tế cho người dân khu vực biên giới.
Ý kiến ()