Dạy và học ngoại ngữ: Giải pháp phù hợp, thực hiện tích cực
(LSO) – Trong học kỳ I năm học 2018 – 2019, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã có những giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ theo Kế hoạch số 122/KH-UBND, ngày 20/8/2018 của UBND tỉnh.
Nâng cao số lượng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên
Bổ sung đội ngũ giáo viên đủ số lượng và nâng số giáo viên đạt chuẩn trình độ theo chuẩn khung năng lực 6 bậc của Bộ GD&ĐT được coi là khâu then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Với điểm xuất phát thấp so với các tỉnh khác, cách làm của ngành là vừa tuyển dụng mới, vừa tăng cường bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh kết hợp với tổ chức thực hiện các chuyên đề, đẩy mạnh giao lưu, qua đó nâng cao trình độ cho đội ngũ. Ngay từ hè năm 2018, ngành đã phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức 1 lớp với 60 học viên; liên kết với Đại học Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội bồi dưỡng 150 giáo viên tiếng Anh phổ thông; hợp tác với Hội đồng Anh bồi dưỡng 22 giáo viên cấp THCS và 23 giáo viên nâng chuẩn năng lực.
Với những giải pháp đó, đến nay toàn ngành đã có 924 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó có 301 giáo viên tiểu học, 438 giáo viên THCS và 185 giáo viên THPT. Về trình độ, số giáo viên đạt chuẩn B2, C1 cấp tiểu học và THCS đã đạt 50,7%, ở cấp THPT đã đạt 31,3%. Nếu đầu năm học 2018 – 2019, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn khung năng lực 6 bậc chỉ ở mức 44,7%, thì đến cuối tháng 1/2019, tỷ lệ này đã đạt 60%.
Giờ học tiếng Anh tại Trường THCS Chi Lăng – thành phố Lạng Sơn
Bên cạnh đầu tư cho giáo viên, việc xây dựng chương trình, mua sắm thiết bị học ngoại ngữ cho các nhà trường được tăng cường, nhiều phòng học ngoại ngữ với các thiết bị nghe nhìn được các trường tiếp nhận đã góp phần cải thiện đáng kể tình trạng “dạy chay, học chay”, khiến môn ngoại ngữ trở nên hấp dấn hơn đối với người học.
Mở rộng đối tượng người học, dạy học có hiệu quả
Đến nay, toàn tỉnh đã có 20 trường mầm non ( MN) với 91 nhóm lớp, 2.595 trẻ tham gia chương trình trẻ làm quen với tiếng Anh. Cấp tiểu học đã có 262/267 trường với trên 36 ngàn học sinh được dạy học tiếng Anh với thời lượng từ 2 – 4 tiết/tuần. Tỷ lệ học sinh cấp THCS và THPT được học tiếng Anh đạt 100%, trong đó 77 trường THCS và 6 trường THPT được học chương trình 10 năm, còn lại là chương trình 7 năm. Dạy tiếng Anh ở một số môn khoa học tự nhiên đã và đang được thực hiện tại Trường THPT chuyên Chu Văn An và một số trường THCS trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thực hiện dạy và học ngoại ngữ một cách nghiêm túc với 100% học viên theo học. Song song với bộ môn tiếng Anh, nhiều trường đã tổ chức dạy tiếng Trung Quốc và coi đó như môn ngại ngữ thứ hai trong nhà trường.
Cách dạy học được đổi mới, nhiều loại hình bổ trợ như: các câu lạc bộ tiếng Anh, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm… được tổ chức tốt đã có tác dụng nâng cao chất lượng môn học này. Đánh giá cuối học kỳ môn ngoại ngữ cho thấy: tỷ lệ hoàn thành ở cấp tiểu học là 99,8% (có 43,2% hoàn thành tốt); tỷ lệ yếu ở cấp THCS chỉ còn 4% và cấp THPT là 10% – giảm nhanh so với năm học trước.
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Học kỳ 1 năm học 2018 – 2019, ngành GD&ĐT đã thực hiện tốt nhiệm vụ mà Kế hoạch 122 của UBND tỉnh đã đề ra. Trong học kỳ 2, ngành phấn đấu hoàn thành một số chỉ tiêu như: chất lượng giáo viên, mở rộng đối tượng học, nhất là cấp học mầm non, đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện dạy và học ngoại ngữ… nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu vào cuối năm 2019, tạo đà cho việc thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ đến năm 2025.
Ý kiến ()