Đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu
Sau gần một năm triển khai thực hiện, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững sự ổn định và hoạt động an toàn hệ thống ngân hàng. |
Nợ xấu giảm dần Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một đóng góp quan trọng của Quốc hội đối với ổn định vĩ mô là tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Đến nay, Nghị quyết đã mang lại hiệu quả tích cực. Các NHTM yếu kém được kiểm soát chặt chẽ; quá trình triển khai Nghị quyết cũng giúp cho nền kinh tế vận hành, tiếp cận với quy luật thông thường của nền kinh tế thị trường. Tốc độ thu nợ tăng lên rất nhiều và giảm được tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế. Đến cuối tháng 3-2018, tỷ lệ nợ xấu còn 2,18%. “Và quan trọng hơn, qua xử lý nợ theo Nghị quyết 42 đã nâng cao nhận thức người đi vay. Khi khách hàng nhận được nhắc nhở của ngân hàng thì hai bên đã ngồi lại với nhau để đưa ra hướng xử lý”, TS Nguyễn Đức Kiên cho biết. Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) Nguyễn Tiến Đông cũng đồng quan điểm khi cho rằng, điểm mới ở Nghị quyết 42 là thay đổi tư duy về nợ xấu. “Trước đây, suy nghĩ nợ xấu là của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, với Nghị quyết số 42, tư duy của nhà lập pháp đã thay đổi khi cho rằng, nợ xấu là của nền kinh tế”, ông Nguyễn Tiến Đông chia sẻ. Nghị quyết số 42 có hiệu lực đã tạo động lực quan trọng cho VAMC và các TCTD chủ động trong xử lý nợ xấu, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay trả. Và cũng từ nhận thức nợ xấu là của nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ ngành ngân hàng xử lý nợ xấu để giải phóng nguồn lực, tái tạo nguồn lực, từ nguồn lực đang nằm tại chỗ để tái đầu tư, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn sau. Kết quả từ ngày 15-8-2017, khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến nay, hiệu quả xử lý nợ xấu đã tăng gấp 1,5 lần so với các thời kỳ trước. Đặc biệt, Nghị quyết số 42 có hiệu lực chỉ hơn một quý trong năm 2017 nhưng kết quả thu hồi nợ xấu về thực chất của năm 2017 đã tăng hơn rất nhiều so với năm 2016 và những năm trước đây. Từ năm 2018, VAMC sẽ hạn chế việc mua nợ xấu và phát hành bằng trái phiếu đặc biệt. Thay vào đó, sẽ tổ chức phân tích, phân loại các loại khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên, gắn với việc mua đứt bán đoạn, hay nói cách khác là mua theo cơ chế thị trường. Vẫn còn rào cản Với Nghị quyết số 42, công tác xử lý nợ xấu đã được hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý, nhờ đó xử lý nợ xấu đã thuận lợi và có nhiều tiến triển. Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện, nghị quyết cũng bắt đầu bộc lộ những khó khăn, thách thức cần phải tháo gỡ. Theo Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Huyền Anh, bên cạnh những kết quả có được khi thực hiện Nghị quyết số 42, công tác xử lý nợ xấu vẫn còn gặp phải một số vướng mắc. Đó là khó khăn của TCTD về thu giữ tài sản do khách hàng không hợp tác trong việc bàn giao tài sản; một số cơ quan chức năng (UBND, cơ quan công an,…) chưa phối hợp, tham gia hỗ trợ một cách tích cực để giải quyết khó khăn cho TCTD. Mặt khác, điều kiện tài sản bảo đảm được xử lý phải không là tài sản tranh chấp, trong khi hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp là khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo Nghị quyết số 42. Bên cạnh đó, mặc dù về cơ bản, quá trình triển khai Nghị quyết số 42 đã nhận được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tại một số nơi, cơ quan công an, UBND tỉnh, thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể (tới UBND, cơ quan công an cấp huyện, xã) cho nên còn vướng mắc trong công tác phối hợp, xử lý. Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng: Hiện nay, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm vẫn còn vướng ở khâu thuế, cụ thể là thuế chuyển nhượng tài sản. Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể. Nếu không, sẽ xảy ra tình trạng người bán tài sản bảo đảm, bán xong rồi nhưng người mua được tài sản đó không lấy được tài sản về do thuế chưa đóng. Bên cạnh đó, sự phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành là rất quan trọng và cần sớm có hướng dẫn để triển khai thực hiện đồng bộ, đồng cấp giữa Trung ương và địa phương, TS Cấn Văn Lực nêu rõ. Đồng thời, ông cũng đề xuất: Muốn phát triển thị trường nợ xấu hay nợ bình thường sau này theo giá thị trường thì phải có thị trường. Trong khi, chúng ta chưa có một thị trường mua bán nợ thật sự. Ngoài ra, để việc mua bán, xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, Tổng Giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng cũng bày tỏ mong muốn được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ nội tại cũng như khung pháp lý. “Hiện tại, VAMC đã được NHNN cấp đủ 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy nhiên, với kết quả thực hiện đến hết năm 2017, vốn điều lệ của VAMC chưa tương xứng với khối lượng và khả năng tiếp tục triển khai mua nợ thị trường của VAMC trong những năm tiếp theo. Vì vậy, VAMC rất mong trong năm 2018 sẽ được cấp vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng theo Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ”, Tổng Giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng kiến nghị. Dù về cơ bản, Nghị quyết số 42 của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu thời gian qua; nhưng trong quá trình triển khai, VAMC cũng đang gặp những khó khăn nhất định liên quan khung pháp lý. Một số quy định pháp lý cần tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh. Đơn cử như Nghị quyết số 42 cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, VAMC tại tòa án. Nhưng, tại khoản 3 Điều 317 và khoản 4 Điều 323 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì tòa án phải ra quyết định chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Như vậy, thời gian giải quyết vụ việc lại phải kéo dài đồng nghĩa với xử lý nợ xấu bị chậm trễ,… Vì vậy, nếu không có hướng dẫn cụ thể đối với các quy định nêu trên, việc áp dụng các thủ tục rút gọn được quy định tại Nghị quyết số 42 có thể khó thực hiện trong thực tế. Từ đó, VAMC đề nghị các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các nội dung để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42. Đơn cử, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án; Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các thủ tục chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án BĐS đang dở dang; thủ tục nhận thế chấp, đăng ký thế chấp sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;… |
Theo Nhandan
Ý kiến ()