Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh miền trung
Nhân dân xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa làm đường giao thông. Nhiều tỉnh ở miền trung đã và đang tập trung xây dựng nông thôn mới với kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đề án này còn nhiều bất cập, nhất là một số tiêu chí đòi hỏi quá cao, không thực tế, trong khi đó nguồn vốn bố trí chưa tương xứng với mục tiêu đề ra.Phát triển nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới Nhiều tỉnh miền trung hiện nay đã xây dựng Chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Nhờ đó, các tỉnh như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Trị và Quảng Ngãi đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế đáng kể. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa cho biết: Tỉnh đang thực hiện có hiệu quả về chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với...
Nhân dân xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa làm đường giao thông. |
Nhiều tỉnh ở miền trung đã và đang tập trung xây dựng nông thôn mới với kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đề án này còn nhiều bất cập, nhất là một số tiêu chí đòi hỏi quá cao, không thực tế, trong khi đó nguồn vốn bố trí chưa tương xứng với mục tiêu đề ra.
Phát triển nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới
Nhiều tỉnh miền trung hiện nay đã xây dựng Chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Nhờ đó, các tỉnh như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Trị và Quảng Ngãi đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế đáng kể. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa cho biết: Tỉnh đang thực hiện có hiệu quả về chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với XDNTM. Nhờ đó, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp có bước đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trước đây nông dân sản xuất lúa đạt năng suất thấp, thì hiện nay, thực hiện chuyển đổi mùa vụ, đầu tư giống mới, ứng dụng khoa học – kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất đã tăng năng suất gấp hai lần so với năm 2010. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường với độ che phủ đạt hơn 45% và khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng hằng năm khá cao. Giá trị đất sản xuất nông nghiệp hiện nay bình quân đạt hơn 35 triệu đồng/ha, tăng hơn 6,8 triệu đồng/ha so với năm 2010.
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Phạm Phượng bộc bạch: Khi Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành chương trình hành động về XDNTM, huyện chúng tôi đã thành lập ngay Ban chỉ đạo và tiến hành công tác quy hoạch, xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với XDNTM. Huyện tập trung hướng dẫn các xã rà soát lại công tác Quy hoạch hạ tầng, nhân lực, xây dựng hệ thống chính trị có tính chiến lược, ổn định lâu dài. Nhiều xã phải điều động, thay đổi một số cán bộ để bảo đảm năng lực quản lý, điều hành chuyên môn. Huyện trực tiếp hướng dẫn, tập huấn Ban quản lý xã điều tra thực trạng tình hình kinh tế-xã hội từng thôn, xóm và xác định nông dân là chủ thể XDNTM hiện nay. Qua đó, nông dân ở địa phương từng bước phát huy vai trò làm chủ của mình trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn và sản xuất nông nghiệp ngày càng có hiệu quả kinh tế cao.
Tiến độ XDNTM còn chậm
Thực trạng XDNTM ở các tỉnh miền trung hiện nay chưa đạt yêu cầu so kế hoạch đề ra. Nguyên nhân của sự chậm trễ là do các đơn vị tư vấn nhận lập quy hoạch quá nhiều xã, dẫn đến quá tải, chỉ tập trung thực hiện ở các xã điểm và những xã gần, không kịp chỉnh sửa theo nội dung thẩm định của cấp huyện. Trong khi sự phối hợp của chính quyền các xã với các đơn vị tư vấn chưa nhịp nhàng, khoán trắng và phụ thuộc hoàn toàn vào tư vấn. Các xã không dứt khoát với những tư vấn, không cam kết hạn định, từ đó kéo dài thời gian, không thực hiện hoặc thực hiện cầm chừng. Một số phòng ban tham mưu cho UBND huyện phê duyệt đề án chưa thống nhất các nội dung quy hoạch của đơn vị tư vấn và xã nên có hiện tượng trình và trả hồ sơ nhiều lần, chậm tiến độ tham mưu phê duyệt. Đề án quy hoạch các xã chưa phê duyệt kịp thời nên các xã chưa có cơ sở trình UBND cấp huyện phê duyệt. Năng lực cán bộ nhiều xã còn hạn chế, ỷ lại cấp trên cho nên việc nắm bắt thông tin chương trình chưa đầy đủ. Công tác tổ chức họp lấy ý kiến người dân để chỉnh sửa chưa sâu sát và thường xuyên. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư xây dựng các tiêu chí theo quy định chưa bảo đảm. Nhiều địa phương cơ sở hạ tầng yếu kém, chậm phát triển kinh tế-xã hội. Đời sống đại bộ phận nông dân gặp khó khăn và hộ nghèo còn ở mức cao cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ triển khai đề án rất chậm. Các tỉnh như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi đang khó khăn về nguồn vốn XDNTM. Hiện phần lớn các địa phương mới triển khai chương trình bước đầu như: ban hành các nghị quyết, kế hoạch thực hiện, kiện toàn bộ máy tổ chức, khảo sát thực trạng, lập quy hoạch chung XDNTM, Đề án XDNTM cấp xã, tập huấn đội ngũ cán bộ chuyên trách, bảo đảm triển khai xây dựng các tiêu chí về nông thôn mới.
Theo tính toán của tỉnh Quảng Ngãi, nhu cầu vốn đầu tư cho các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2015 lên đến 6.600 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư cho 33 xã phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015 gần 5.300 tỷ đồng (160 tỷ đồng/xã). Tuy nhiên, đến thời điểm này, kinh phí bố trí đầu tư cho Chương trình toàn tỉnh chỉ mới gần 28 tỷ đồng (khoảng 170 triệu đồng/xã), do đó đã làm cho tiến độ chương trình XDNTM của tỉnh Quảng Ngãi chậm so với kế hoạch. Tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2011, có 100% số xã trong tỉnh hoàn thành việc lập quy hoạch XDNTM. Nhưng đến nay chỉ có 31 trong số 91 xã hoàn thành, và đã được UBND cấp huyện phê duyệt đề án quy hoạch. Ngoài ba địa phương huyện Phú Hòa, thành phố Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu có 100% số xã trên địa bàn hoàn thành công tác quy hoạch nông thôn mới thì những huyện còn lại triển khai thực hiện rất chậm, nhất là huyện Sông Hinh, Đồng Xuân chưa có xã nào phê duyệt đề án quy hoạch. Nhiều xã đã hoàn thành công tác quy hoạch trong năm 2011, nhưng đến nay việc lập đề án XDNTM vẫn còn chậm. Chỉ có 8 trong số 91 xã đã phê duyệt đề án, còn lại chủ yếu đang dự thảo và đang trình thẩm định. Do đó đến hết quý I-2012, vẫn chưa có xã nào xây dựng các dự án đầu tư trên địa bàn, vì chưa hoàn thành phê duyệt đề án nên chưa có cơ sở để cấp huyện tổng hợp từ các xã, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư trên địa bàn.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Rõ ràng chương trình XDNTM hiện nay ở các tỉnh miền trung đang còn nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ nhanh chóng để bảo đảm tiến độ kế hoạch đề ra. Rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn của các tỉnh miền trung theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới hiện nay chưa có huyện nào đạt. Các tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp lớn như: Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Đến năm 2015, các tỉnh miền trung phấn đấu đạt khoảng 30% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Trước mắt, các tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện bốn nhiệm vụ trọng tâm là: Tổ chức rà soát lại các quy hoạch ngành, các đề án, dự án đã phê duyệt, đồng thời điều chỉnh chính sách, có cơ chế đầu tư hợp lý hiệu quả từng chương trình, dự án. Thực hiện tốt việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, coi đây là một trong những biện pháp then chốt để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả trong lĩnh vực thị trường hàng hóa và thị trường lao động ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết, huy động nguồn vốn trong nước, nước ngoài để đầu tư các công trình an sinh xã hội. Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, xã văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở, phục hồi và phát triển văn hóa truyền thống.
Theo Nhandan
Ý kiến ()