Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tập trung nguồn lực nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tích hợp cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2021 phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chỉ đạo này đã được Thủ tướng nhấn mạnh trong Thông báo kết luận số 60/TB-VPCP tại phiên họp của Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử ngày 10-3-2021, được Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 24-3-2021.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai để phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.
Về thể chế, chiến lược phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành. Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử trình Chính phủ xem xét, ban hành; hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.
Bộ Công an cần triển khai hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kết nối, chia sẻ, khai thác triệt để dữ liệu nhằm giảm tối đa giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính; đến tháng 7-2021 khai thác, sử dụng chính thức trên diện rộng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, bảo đảm đến tháng 7-2021 hoàn thành kết nối chia sẻ dữ liệu đất đai theo quy định.
Về triển khai các nền tảng chính phủ điện tử, các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan khác theo quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm an toàn thông tin.
Về triển khai chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng, triển khai ngay các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số cho giai đoạn mới, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý, đẩy mạnh triển khai công nghệ thông tin, viễn thông phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trường học cần tiếp tục duy trì phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội như đã được hình thành trong thời gian dịch Covid-19.
Cũng trong thông báo trên, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận những kết quả đạt được. Trong đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 31%, một số bộ, ngành, địa phương cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4; Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công với hơn 2.800 dịch vụ được tích hợp, cung cấp. Hơn 50% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số; trên 40 nền tảng “Make in Vietnam” được ra mắt; cổng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thu hút hơn 400 người dùng là doanh nghiệp, hỗ trợ gần 200 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng chuyển đổi số…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực này, Thủ tướng cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, như: Xếp hạng về chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc còn thấp (đứng thứ 6 khu vực ASEAN), môi trường pháp lý cho chính phủ điện tử chưa hoàn thiện; một số nghị định quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử chưa được ban hành; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phát sinh hồ sơ trực tuyến còn thấp…
Ý kiến ()