Ðẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến giao thông trọng điểm
Thi công trụ P8 cầu vượt đường sắt giao quốc lộ 1A (cũ) thuộc gói thầu PK 1A, dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) đã thể hiện quyết tâm rất cao khi chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu tại hai tuyến đường cao tốc trọng điểm ở phía bắc gồm Hà Nội - Thái Nguyên và Hà Nội - Lào Cai, mặc dù chậm tiến độ nhưng không lùi thời hạn, bằng mọi giá thông tuyến theo kế hoạch vào ngày 31-12-2013. Các nhà thầu cần tập trung dồn lực, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, nếu không đạt yêu cầu cần buộc điều chuyển khối lượng hoặc thay thế.Năng lực nhà thầu kém, mặt bằng "xôi đỗ"Chậm nhất về tiến độ có thể kể đến là dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, một trong những dự án hạ tầng có quy mô lớn nhất từng được triển khai ở nước ta, với chiều dài 244 km, tổng mức đầu tư 1,25 tỷ USD (gần 20 nghìn tỷ đồng) từ vốn ODA, do Tổng công ty Đầu tư...
Thi công trụ P8 cầu vượt đường sắt giao quốc lộ 1A (cũ) thuộc gói thầu PK 1A, dự án đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. |
Năng lực nhà thầu kém, mặt bằng “xôi đỗ”
Chậm nhất về tiến độ có thể kể đến là dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, một trong những dự án hạ tầng có quy mô lớn nhất từng được triển khai ở nước ta, với chiều dài 244 km, tổng mức đầu tư 1,25 tỷ USD (gần 20 nghìn tỷ đồng) từ vốn ODA, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng. Dự án gồm bảy gói thầu, do các nhà thầu nước ngoài có thương hiệu và danh tiếng như Posco E&C, Doosan, Keangnam Enterprise của Hàn Quốc và Công ty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) đảm trách. Tuy nhiên, các nhà thầu này lại không thể hiện được năng lực của mình tại dự án đường cao tốc này. Được khởi công từ tháng 9-2009, theo tiến độ kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2013, nhưng đến nay, trừ gói thầu A7 do Công ty cầu đường Quảng Tây thực hiện tương đối sát tiến độ, còn lại các gói khác đều thi công với tiến độ “rùa”. Tiến độ thực hiện toàn dự án đến nay chưa đến 40%, hai gói thầu A4 và A5 (tổng giá trị hơn 2.800 tỷ đồng) được đưa vào danh sách “báo động đỏ”: A4 mới đạt hơn 23% và A5 chỉ đạt hơn 9%, chưa bằng một phần ba so giá trị bình quân toàn dự án và chỉ bằng một phần sáu giá trị thực hiện của gói A1 có sản lượng tốt nhất. Tư vấn trưởng dự án của Công ty tư vấn Tây Ban Nha phải phàn nàn: “Trong một tuần, có nhà thầu chỉ đổ được 70 m bê-tông, thi công ì ạch như vậy, đáng lẽ buộc phải thay ngay chỉ huy công trường. Không thể chấp nhận được sự chậm trễ kiểu này ở bất kỳ đất nước nào!”. Mặc dù Keangnam đã ba lần thay thế giám đốc dự án, nhưng việc hoàn thành theo đúng thời gian trong hợp đồng vẫn khó như “giơ tay với sao”. Do bỏ thầu với giá quá thấp, các nhà thầu Hàn Quốc phải thuê hàng chục nhà thầu phụ thuộc hàng “lông gà, lông vịt” với giá rẻ mạt, băm nát công địa cho vừa năng lực yếu kém đó. Điều này khiến nhà thầu không kiểm soát được tiến độ, trên công trường từng xảy ra hiện tượng đưa nông dân vào… thi công đường cao tốc.
Theo Tổng Giám đốc VEC Mai Tuấn Anh, trước đây dự án bị vướng về thủ tục giải ngân của ADB (mới đây đã được giải tỏa), cộng với hiện tượng “xôi đỗ” về mặt bằng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi công của nhà thầu. Tuy nhiên, nguyên nhân chính cần khẳng định là do nhà thầu “có vấn đề” khi bộc lộ sự yếu kém về năng lực thi công trên công trường, không bảo đảm được những điều kiện tối thiểu của hợp đồng như huy động máy móc, thiết bị cũng như khả năng tài chính đã cam kết với chủ đầu tư. Đơn cử, khi đấu thầu, Posco cam kết có 400 triệu USD để thực hiện, nhưng khi triển khai bị thiếu vốn, tài chính hoàn toàn phụ thuộc vào tiền tạm ứng của chủ đầu tư, thậm chí chiếm dụng vốn của nhà thầu phụ.
Tại tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản), mặc dù không đến mức chậm như tuyến Hà Nội – Lào Cai, nhưng cũng chậm tiến độ từ 6 đến 8 tháng. Ngay từ những ngày đầu khởi công, cả đại diện chủ đầu tư Ban quản lý dự án (PMU) 2 – Bộ GTVT lẫn các nhà thầu đã thiếu quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, khiến dự án “giẫm chân tại chỗ” trong thời gian dài. Đầu tháng 11, chúng tôi đi thực tế toàn tuyến, nhận thấy mặc dù tại nhiều hạng mục trọng yếu của dự án, các nhà thầu đang tập trung huy động nhân lực và phương tiện thi công, nhưng nếu không xây dựng phương án tiến độ tối ưu, khả năng thông toàn tuyến vào cuối năm 2013 là thiếu thực thi. Phó Tổng Giám đốc PMU2 Lưu Việt Khoa cho biết, giá trị sản lượng của cả bốn gói thầu đều đạt thấp hơn nhiều so yêu cầu. Đến nay, dự án đã đi được ba phần tư quãng đường, nếu suôn sẻ thuận lợi, hết năm nay, dự án có khả năng đạt khoảng 60% khối lượng. Đại diện chủ đầu tư kỳ vọng khi chuyển sang thi công phần mặt và thảm nhựa, giá trị khối lượng lớn, có khả năng sẽ đuổi kịp tiến độ. Theo Phó Trưởng phòng điều hành dự án – PID5 (PMU 2) Nguyễn Mạnh Hà, phụ trách đoạn PK1 dài gần 27 km, nhiều chỗ rất căng thẳng về giải phóng mặt bằng. Điển hình, gói thầu PK1A có hàng chục điểm “xôi đỗ”, nhiều chỗ chỉ dài 200 m nhưng cả năm nay việc giải phóng mặt bằng vẫn “án binh bất động”. Tương tự, gói PK1B có cầu vượt đường ngang số 1 xã Vân Hà (Đông Anh) chỉ làm được vài trụ cầu sau đó “đắp chiếu” trong hai năm qua vì đường điện 110 kV cản lối. Còn gói PK2 tuy tiến độ có chậm so với ban đầu nhưng nhà thầu cam kết sẽ thông tuyến Thái Nguyên – cầu Phù Lôi (Sóc Sơn) vào tháng 6-2013.
Thi công nhanh, bảo đảm chất lượng
Tại cuộc họp bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ hai tuyến cao tốc này mới đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo VEC đưa nhà thầu chỉ định của chủ đầu tư vào thi công hỗ trợ cho Keangnam. Trước mắt, sẽ bớt 50% khối lượng của gói thầu A4 và 80% của gói thầu A5, chuyển giao cho các nhà thầu khác thi công. Nếu Keangnam tiếp tục không đạt tiến độ yêu cầu, bộ sẽ thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Ngoài việc “cứu tiến độ” hai gói thầu này, thái độ kiên quyết của Bộ GTVT còn là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các nhà thầu khác trong quá trình triển khai thi công. Đây là dự án trọng điểm, việc đưa vào khai thác mang ý nghĩa kinh tế – xã hội rất lớn, vì vậy Bộ GTVT quyết không lùi thời hạn thông tuyến. Nhà thầu nào chậm trễ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo điều khoản hợp đồng đã ký với chủ đầu tư và Bộ GTVT cũng không châm chước cho bất kỳ trường hợp nào xảy ra yếu kém về chất lượng công trình. Để “cứu” tiến độ các gói thầu, các nhà thầu Hàn Quốc phải chấp nhận “hy sinh” một phần lợi nhuận, bổ sung tài chính bù đắp thiếu hụt. Nếu bị loại khỏi dự án, chính họ sẽ gánh chịu tổn thất về uy tín cũng như tài chính do không được tham gia các dự án tiếp theo của nhà tài trợ ADB.
Còn dự án cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, thời gian gần đây, từ đại diện chủ đầu tư đến nhà thầu đã ý thức được trách nhiệm của mình, quyết tâm dồn lực thi công, dần lấy lại tiến độ dự án. PMU 2 đã thành lập riêng một tổ điều hành do lãnh đạo ban phụ trách, liên tục có mặt trên công trường chỉ đạo, giám sát tiến độ; cùng các nhà thầu xây dựng lại tiến độ, làm việc với các địa phương để gỡ vướng về mặt bằng và huy động cao nhất phương tiện, nhân lực cho công trường. Đồng thời, điều chuyển khối lượng, rút khỏi công trình 24 trong tổng số 84 nhà thầu phụ năng lực kém, chấn chỉnh một số nhà thầu khác còn thiếu quyết liệt thi công. Nếu không có biến chuyển mạnh trong thời gian tới, đại diện chủ đầu tư đề nghị Bộ GTVT cắt giảm khối lượng của nhà thầu chính để điều chuyển cho nhà thầu chỉ định của chủ đầu tư. Đối với các nhà thầu năng lực kém bị điều chuyển, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh: Các nhà thầu kém sẽ bị nêu tên, không cho phép tham gia các dự án khác trong ngành GTVT. Phó Tổng Giám đốc Cienco 8 Chu Văn Thiệu trực tiếp chỉ huy gói thầu PK2 tại công trường khẳng định: Hiện tại, toàn bộ gói PK2 cơ bản đã làm xong nền móng đường và đang thực hiện trải đá cấp phối, lu lèn, thảm nhựa và hoàn thiện các hạng mục kỹ thuật. Việc thông tuyến vào cuối tháng 6-2013 hoàn toàn có thể nằm trong tầm tay.
Hai tuyến cao tốc hướng tâm Hà Nội – Thái Nguyên và Hà Nội – Lào Cai có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 và định hướng phát triển toàn diện ngành GTVT. Không chỉ có ý nghĩa đặc biệt với Thủ đô Hà Nội và các địa phương có tuyến đường đi qua, các dự án còn có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh vùng núi phía bắc. Vì thế, quyết liệt thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiến độ và coi trọng chất lượng công trình được coi là việc làm kịp thời, đem lại hiệu quả cao của ngành GTVT.
Theo Nhandan
Ý kiến ()