Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm
Càng gần Tết Nguyên đán, trên nhiều công trường, dự án trọng điểm ngành giao thông, nhịp độ càng khẩn trương, sôi động hơn. Các chủ đầu tư, nhà thầu đều cố gắng bứt tốc, huy động tối đa phương tiện, nhân lực ở các mũi thi công, làm ba ca liên tục, phấn đấu đưa dự án hoàn thành vượt tiến độ.
Tuy vậy, chỉ đạo xuyên suốt của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vẫn là ưu tiên hàng đầu cho chất lượng công trình, xác định đây là đòi hỏi cao nhất, quyết không vì mục tiêu tiến độ mà để sơ suất, làm ẩu ở bất kỳ hạng mục nào.
Đường băng Nội Bài về đích
Hôm nay 27/1, Ban Quản lý dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài chính thức hoàn thành thi công, đưa dự án vào khai thác trước Tết Nguyên đán. Theo phương án trước đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự kiến hoàn thành trong 28 tháng. Ban Quản lý dự án Thăng Long đã lên phương án chi tiết, rút ngắn tiến độ còn khoảng 20 tháng. Sau khi hoàn thành nâng cấp, sân bay quốc tế Nội Bài đủ năng lực tiếp nhận các loại tàu bay cỡ lớn như Airbus A350, Boeing 787-9 hay 787-10, đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2030 đạt công suất 63 triệu khách và 2 triệu tấn hàng hóa/năm, đường băng hoạt động ổn định ít nhất đạt 20 năm và có thể tới 50 năm nếu bảo dưỡng định kỳ đúng quy định.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn đánh giá: Đây là công trình trọng điểm cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư hơn 2.030 tỷ đồng, khởi công cuối tháng 6/2020, với các hạng mục chính như xây mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu; xây dựng công trình phục vụ quản lý bay, sơn kẻ, đèn tín hiệu, hệ thống thoát nước,…. Tiêu chuẩn của đường băng khác biệt và cao hơn rất nhiều so các công trình đường bộ thông thường, bê-tông cốt thép đan lưới thép hai lớp, dày khoảng 38 cm để độ sụt bằng 0,
bằng phẳng, chịu được cường độ áp lực hạ cánh của máy bay thân rộng hoặc tương đương (khoảng 350 MPa). Do tiến độ hết sức gấp gáp, nhà thầu đã đầu tư đưa nhiều phương tiện đặc chủng, hiện đại vào thi công, như máy thảm bê-tông SP64 có thể thảm từng tấm dài 50-60 m, rộng 5,62 m. “Đây là công trình thực hiện theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ, nên ưu tiên số 1 vẫn là chất lượng. Quá trình triển khai, chủ đầu tư đã kiên quyết loại bỏ khỏi công trường những lô vật liệu chưa đạt chuẩn và thay thế một số nhân sự tư vấn giám sát không tuân thủ quy định”, ông Dương Viết Roãn khẳng định. Theo Tư vấn giám sát trưởng Lê Kim Liệu, thuộc Công ty Tư vấn CONINCO, qua thời gian khai thác giai đoạn 1, các tổ lái nhận xét hạ cánh ở đường băng mới mặt đường êm thuận, ổn định, hệ thống đèn tín hiệu, sơn kẻ rõ ràng, an toàn.
Trong giai đoạn 2, từ tháng 10/2021, các nhà thầu bắt đầu tiến hành nâng cấp đường băng 1A. Liên danh các nhà thầu ACC, VINADIC và Trường Sơn đã tăng cường nhân lực, chia ba ca thi công liên tục 24/24 giờ, cao điểm nhất có tới hơn 1.000 công nhân làm việc ngày đêm với nỗ lực tối đa hoàn thành phần xây lắp. Giám đốc dự án (Ban Quản lý dự án Thăng Long) Đặng Hùng Thái cho hay, trong bối cảnh lượng công nhân lớn, để phòng, chống dịch hiệu quả, tránh đứt gãy tiến độ vốn rất cấp bách, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã phối hợp Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thành lập Tổ phòng, chống Covid-19, hằng ngày xét nghiệm ngẫu nhiên công nhân và theo dõi sát các diễn biến để xử lý kịp thời. Đến ngày 31/12/2021, các đơn vị thi công đã hoàn thành khối lượng bê-tông xi-măng mác cao M350/45 đạt hơn 78 nghìn m3;
mác M350/45 của đường băng 1A và các đường lăn S1, S2, S7 hơn 64 nghìn m3,… Trên công trường, cùng thời điểm hoàn thành hạng mục bê-tông xi-măng, các nhà thầu khác cũng huy động gần 1.000 kỹ sư, công nhân triển khai lắp đặt đèn hiệu, biển báo, hệ thống hỗ trợ hạ cánh (ILS), hoàn thành để đưa vào bay hiệu chuẩn từ giữa tháng 1 vừa qua, đưa vào khai thác từ ngày 27/1, kịp phục vụ nhân dân dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Phát động thi đua trên công trường
Cùng ngày 27/1, Bộ Giao thông vận tải cũng tổ chức ra quân thi đua tại công trường dự án cao tốc bắc-nam, đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45 (dài hơn 63 km, đi qua Ninh Bình và Thanh Hóa, tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước). Đây là hoạt động mở màn phong trào thi đua “Xuân Nhâm Dần trên các công trường giao thông” do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát động. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, phong trào thi đua này có ý nghĩa khích lệ cán bộ, công nhân, người lao động tổ chức thi công hiệu quả trong giai đoạn Tết Nguyên đán, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án giao thông, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia. Giám đốc điều hành dự án (Ban Quản lý dự án Thăng Long) Lương Văn Long cho hay, trên toàn dự án đang triển khai 68 mũi thi công tại năm gói thầu, gồm 30 mũi thi công đường, 34 mũi thi công cầu và cấu kiện, bốn mũi thi công hầm. Tổng sản lượng đến ngày 26/1 đạt hơn 3.335 tỷ đồng, tương đương 48,5% giá trị xây lắp theo hợp đồng. Trong đó, gói số 10-XL triển khai 16 mũi thi công, hạng mục hầm Tam Điệp đã hoàn thành đào và đúc bê-tông vỏ cả hai ống hầm, đang trong quá trình hoàn thiện. Gói số 12 tổ chức tám mũi thi công, trong đó, bố trí hai mũi hạ nền hầm Thung Thi (hiện đã đào thông cả hai ống hầm). Ban Quản lý dự án Thăng Long đã phát động thi đua trên công trường tại dự án, đăng ký với Bộ Giao thông vận tải bảo đảm thi công liền mạch trong dịp Tết, tất cả các đơn vị đều bố trí cán bộ, công nhân tại hiện trường để việc quản lý, giám sát, thi công đúng chất lượng, an toàn và hiệu quả.
Nối tiếp cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45, đoạn quốc lộ 45-Nghi Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 5.534 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành năm 2023. Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) Lê Thắng, đại diện chủ đầu tư cho biết, tại gói thầu số 2, nhà thầu Công ty Định An đã đăng ký tổ chức thi công xuyên Tết. Theo kế hoạch, giá trị sản lượng Định An đảm nhận tại gói thầu khoảng 350 tỷ đồng. Ngoài nhà thầu Định An, nhiều nhà thầu khác cũng mong muốn được thi công trong dịp Tết nhưng do một số mỏ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nghỉ Tết từ ngày 23 tháng Chạp cho nên không đủ nguồn vật liệu để thi công. Ban Quản lý dự án 2 cũng đề nghị các nhà thầu sẵn sàng tập trung máy móc, thiết bị và chủ động có phương án huy động đủ nhân lực trên công trường để triển khai thi công ngay sau Tết, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. “Đây là công trình trọng điểm quốc gia, vì vậy trong quá trình thi công, các nhà thầu được yêu cầu tuyệt đối bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường. Nhà thầu phải xác định tinh thần quyết tâm cao, phát huy năng lực thi công để rút ngắn tiến độ, đạt chất lượng cao ở các hạng mục”, ông Lê Thắng nhấn mạnh. Tại hạng mục cầu Yên Mỹ (huyện Nông Cống), thuộc gói thầu XL3 của đoạn quốc lộ 45-Nghi Sơn, Tư vấn giám sát trưởng Mai Hùng Mạnh cho biết, cầu Yên Mỹ thi công từ tháng 8/2021, do dịch Covid-19 và việc chuẩn bị mặt bằng mất nhiều thời gian nên đến tháng 10/2021, các đơn vị mới triển khai cọc khoan nhồi. Theo kế hoạch, đến tháng 5/2023, cầu Yên Mỹ sẽ hoàn thành nhưng các nhà thầu đã phấn đấu rút ngắn tiến độ hai tháng. Nhà thầu Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đánh giá, vấn đề khó nhất ở hạng mục này là thi công dưới lòng hồ và chỉ triển khai được ở một phía, vì vậy các bên liên quan phải giám sát chặt về an toàn lao động, bảo vệ môi trường và tăng nhân lực, thiết bị thi công ba ca mới đẩy nhanh được tiến độ.
Nhiều lần trực tiếp thị sát các dự án trọng điểm, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể liên tục nhắc nhở và đưa ra thông điệp yêu cầu các Ban Quản lý dự án, nhà thầu đặc biệt quan tâm đến chất lượng dự án. Không thi công đốt cháy giai đoạn, không được để lọt bất cứ sai sót ở khâu nào về chất lượng, rút ngắn về thời gian nhưng tuyệt đối không cho phép đánh đổi bằng chất lượng. Tại hội nghị giao ban trực tuyến công trường triển khai dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đặc biệt nhấn mạnh: “Đường cao tốc bắc-nam là dự án trọng điểm quốc gia mà Quốc hội, Chính phủ quyết tâm hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Thực tế chứng minh, cao tốc đi đến đâu, kinh tế-xã hội địa phương đó phát triển, vị thế được nâng lên. Các đơn vị, cơ quan cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, thay đổi tư duy để đẩy nhanh tiến độ. Công trình hạ tầng giao thông hoàn thành sớm chừng nào, diện mạo khu vực đó được đổi thay, giá trị mang lại lớn chừng đó”. Bộ Giao thông vận tải phải xác định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022, trong đó có nhiều dự án giao thông trọng điểm và cần phải hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra ■
Ý kiến ()