Đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp an toàn đập
– Theo kế hoạch, trong năm 2022, dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn đập đối với 10 đập thuỷ lợi trên địa bàn các huyện: Tràng Định, Cao Lộc, Hữu Lũng, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn phải hoàn thành xây lắp. Thời gian thực hiện các công trình không còn nhiều, chủ đầu tư và đơn vị thi công đang tập trung phương tiện máy móc vật tư, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ nhằm bảo đảm an toàn công trình.
Dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn đập gồm các đập thuỷ lợi: Bản Cưởm, Ba Sơn, Kỳ Nà, Khuôn Pinh, Cốc Lùng, Bó Chuông, Kai Hiển, Thâm Sỉnh, Khuổi Mặn, Khau Piều (trên địa bàn các huyện: Tràng Định, Cao Lộc, Hữu Lũng, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn) có tổng mức đầu tư 196 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mục tiêu đầu tư nhằm đảm bảo an toàn cho công trình thông qua sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập đã xuống cấp, thiếu năng lực xả lũ và phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp với diện tích khoảng 1.000 ha.
Toàn cảnh đập Bản Quyền, huyện Văn Quan
Các công trình được khởi công trong năm 2021, theo kế hoạch sẽ hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng trong năm 2022. Dự án được chia làm 2 gói thầu xây lắp; trong đó, gói thầu số 1 thực hiện xây dựng 5 hồ, đập gồm: Bản Cưởm, Ba Sơn, Kỳ Nà, Khuôn Pinh và đập Kai Hiển; gói thầu số 2 thực hiện xây dựng các hồ, đập: Bó Chuông, Thâm Sỉnh, Khau Piều, Cốc Lùng, Khuổi Mặn.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến đầu tháng 5/2022, giá trị khối lượng thực hiện đối với gói thầu số 1 đã đạt 70% kế hoạch, trong đó, các hạng mục quan trọng như: khoan phụt chống thấm, xử lý mối, cải tạo thân đập mái thượng lưu, hạ lưu của hồ, đập đều đã cơ bản hoàn thành. Các hạng mục đang thi công dở dang như: sửa chữa nhà vận hành, tháp van, nhà van, tràn xả lũ, đường vận hành, lắp đặt thiết bị cơ khí… đang được khẩn trương triển khai.
Khảo sát thực tế tại công trình hồ Ba Sơn, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc vào cuối tháng 4/2022, chúng tôi ghi nhận đơn vị thi công đang tập trung khá đầy đủ vật tư, thiết bị, nhân lực để triển khai các hạng mục. Công trình đập Ba Sơn có dung tích chứa nước hơn 220 nghìn mét khối với khả năng phục vụ tưới tiêu cho hơn 70 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Xuất Lễ.
Ông Lê Xuân Dũng, Phó Chỉ huy trưởng công trường thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển kinh doanh Hà Nội cho biết: Tháng 11/2021, công trình chính thức được khởi công xây lắp 7 hạng mục chính, đến nay, nhà thầu đã hoàn thành 3/7 hạng mục và đang triển khai hoàn thiện 4 hạng mục, giá trị thực hiện ước đạt 75% kế hoạch. Theo hợp đồng, đến hết tháng 6/2022, công trình phải hoàn thành đưa vào khai thác, thời gian thi công theo hợp đồng không nhiều, để đáp ứng tiến độ, đơn vị đã tăng cường thêm 2 mũi thi công, nâng tổng số mũi thi công lên 5 mũi triển khai đồng bộ các hạng mục.
Ông Dũng cho biết thêm: Hiện nay điều kiện thời tiết đang rất thuận lợi, đơn vị đã lập kế hoạch thi công chi tiết theo tuần và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát để thúc đẩy tiến độ cũng như quản lý chặt chẽ chất lượng công trình.
Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển kinh doanh Hà Nội thi công lát mái kè thượng lưu tại đập Ba Sơn, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc
Tại hồ Thâm Sỉnh, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn (thuộc gói thầu xây dựng số 2) có dung tích chứa 1,1 triệu mét khối nước, đây là hồ chứa vừa phục vụ tưới tiêu vừa là hồ dự trữ, điều hoà quan trọng của thành phố Lạng Sơn; việc triển khai thi công các hạng mục được đơn vị thi công triển khai khẩn trương từ công tác huy động thiết bị, nhân lực đến sắp xếp các tổ, đội thi công xây lắp, tập kết vật liệu. Do đó, khối lượng thực hiện đến nay đạt khá, giá trị xây lắp ước đạt 70% kế hoạch, đơn vị phấn đấu trong tháng 6/2022, cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng theo hợp đồng.
Ngoài 2 công trình nêu trên, 8 công trình còn lại đều được các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị đẩy nhanh thi công các hạng mục, trong đó, nhiều công trình có khối lượng đạt khá, khối lượng triển khai đạt từ 50% đến 90%.
Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (chủ đầu tư các công trình) cho biết: Đối với các công trình khối lượng cần thi công còn lớn, chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu tăng cường năng lực thi công, lập kế hoạch tiến độ và cam kết thời gian hoàn thành. Bên cạnh đó, hằng tuần, chủ đầu tư luân phiên tổ chức giao ban tại từng công trình để đôn đốc tiến độ gắn với quản lý chất lượng công trình. Mục tiêu đặt ra là khi lũ tiểu mãn xuất hiện vào cuối tháng 5 cũng là khởi đầu của mùa mưa năm 2022 thì tất cả các công trình phải bảo đảm an toàn, đủ điều kiện để tích nước và thực hiện được việc điều tiết lũ khi cần thiết
Ý kiến ()