Đẩy nhanh tiến độ kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia
Dự kiến đến ngày 11/3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ khai trương. Đến thời điểm này, đại diện của các Bộ, ngành, địa phương đều cam kết trước thời điểm ngày 11/3 sẽ kết nối liên thông gửi nhận văn bản điện tử, sẵn sàng cho việc khai trương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phát biểu tại buổi họp |
Chiều 21/2, tiếp tục đôn đốc triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gửi nhận văn bản điện tử của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp với 16 Bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định này.
Trục liên thông văn bản quốc gia – bước triển khai mạnh mẽ CPĐT
Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện 8 Bộ, ngành và 8 địa phương trước ngày 20/2 chưa hoàn thành kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia gồm: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ban cơ yếu Chính phủ; các Bộ: Nội vụ, Giao thông vận tải, Công an, Ngoại giao, Tài chính, TT&TT; các tỉnh: Quảng Nam, Đắk Lắk, Bình Định, Trà Vinh…
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 28/2018/QĐ-TTg, từ đó VPCP đã triển khai xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia, đây là trục liên thông quan trọng, quá trình triển khai xác định lấy ngày 11/3/2019 là ngày khai trương Trục văn bản này.
“Đây là bước chuẩn bị mạnh mẽ cho xây dựng Chính phủ điện tử. Từ Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ là Trục kết nối chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước, tiếp đó là kết nối giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết và nhấn mạnh tinh thần sẽ làm nhanh và làm hiệu quả, thiết thực.
Cũng theo người đứng đầu VPCP, Thủ tướng Chính phủ đang triển khai rất mạnh mẽ xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số. VPCP đang tập trung để triển khai sớm Cổng dịch vụ công quốc gia, trung tâm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trung tâm tư vấn chính sách; bảo đảm an toàn thông tin…. Đối với VPCP từ tháng 10/2018, toàn bộ hồ sơ được xử lý trên nền điện tử, thực hiện văn phòng phi giấy tờ.
Vì vậy, cuộc họp nhằm để các Bộ, ngành, địa phương đưa ra lộ trình kết nối, liên thông, phản hồi văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia, bởi từ nay đến 11/3 chỉ còn 20 ngày và còn rất nhiều công việc phải hoàn thành.
Các Bộ, ngành, địa phương đều cam kết trước ngày 11/3 sẽ kết nối liên thông gửi nhận văn bản điện tử, sẵn sàng cho việc khai trương |
Cam kết hoàn thành để khai trương đúng hạn
Về tình hình triển khai Quyết định 28/2018/QĐ-TTg, theo Cục Kiểm soát TTHC (VPCP), đối với việc chuyển đổi sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử, trong vòng 1 tháng (từ 19/1/2019 – 18/2/2019) có 8.315 văn bản gửi, 19.296 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Về triển khai máy chủ bảo mật, đến trước ngày 20/2 có 63/95 cơ quan đã chuẩn bị được máy chủ bảo mật dùng riêng; 14 cơ quan đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành, đang chạy chính thức; 24 cơ quan xác nhận đang phát triển và nâng cấp phần mềm, phối hợp kiểm tra nghiệp vụ; 57 đơn vị chưa hoàn thành nâng cấp hệ thống quản lý văn bản điều hành theo nghiệp vụ quy định tại Quyết định 28.
Khó khăn, vướng mắc được Cục Kiểm soát TTHC cho biết là các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu chỉnh phần mềm quản lý văn bản và điều hành, bộ kết nối trung gian còn chậm, phụ thuộc vào các nhà cung cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành; có địa phương thì hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia mới được nâng cấp nên hoạt động chưa ổn định; có cơ quan, đơn vị vẫn chưa bố trí được kinh phí mua sắm máy scan tốc độ cao để số hóa văn bản…
Tại cuộc họp, các Bộ, ngành, địa phương đều đưa ra cam kết bảo đảm cho việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia vào ngày 11/3. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, tỉnh đã yêu cầu đơn vị phần mềm nâng cấp hệ thống để tương thích với Trục liên thông văn bản quốc gia, bảo đảm cho việc khai trương đúng hạn.
Đại diện tỉnh Trà Vinh cho biết không có khó khăn trong quá trình triển khai, việc chậm liên thông là do chuyển đổi từ hệ thống quản lý văn bản cũ sang hệ thống mới. Đến hiện nay tỉnh đã đăng ký xong hệ thống máy chủ dùng riêng. Trà Vinh cam kết sẽ thực hiện đúng lộ trình khai trương.
Đối với TP Hồ Chí Minh, việc chậm liên thông là do vấn đề xin cấp chứng thư số. Đến ngày 20/2, TP Hồ Chí Minh đã nhận được chứng thư số và tiến hành cài đặt phần mềm. Thành phố cũng đã hoàn thành cài đặt máy chủ dùng riêng, đã kết nối Trục nội bộ của Thành phố với máy chủ bảo mật dùng riêng để gửi, nhận văn bản lên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… cũng cho biết đã phản hồi và đang kiểm tra trạng thái gửi nhận văn bản, đến hiện tại đã kết nối và gửi nhận được văn bản điện tử.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá cao quyết tâm của các Bộ, cơ quan để tiến tới khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Đồng thời đề nghị các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành sớm việc kết nối vào Trục liên thông. Bộ TT&TT và Tập đoàn VNPT là cơ quan thẩm định đánh giá chất lượng đường truyền, khả năng đáp ứng các vấn đề dự phòng, bảo đảm đường truyền về tốc độ; bảo đảm an toàn tuyệt đối thiết bị trong ứng dụng hạ tầng, trong ứng dụng CNTT.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()