Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các cụm, tuyến dân cư vượt lũ
Cụm tuyến dân cư vượt lũ phường 8, TP Vĩnh Long. Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được triển khai từ năm 2002 đến nay đã đạt những kết quả nhất định. Chương trình không những góp phần ổn định và cải thiện cuộc sống người dân, mà còn giải quyết được vấn đề ngập lũ trên địa bàn.An cư trong mùa lũNhững ai về thăm Vĩnh Long hôm nay, chắc hẳn sẽ ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một vùng đất trước đây thường xuyên ngập chìm trong lũ. Cảnh nhà cửa lụp xụp, những căn lều dựng tạm ven kênh rạch, người dân long đong chạy lũ trong mùa nước nổi nay đã được thay bằng vẻ khang trang, kiên cố của các cụm, tuyến dân cư và nhà ở mới được xây dựng. Anh Nguyễn Công Tâm, ở F60 cụm tuyến dân cư vượt lũ phường 8, TP Vĩnh Long (Vĩnh Long) phấn khởi khoe: "Kể từ khi chuyển đến nơi ở mới, tôi và nhiều hộ khác đã có cuộc sống an toàn, ổn định hơn. Các con tôi...
Cụm tuyến dân cư vượt lũ phường 8, TP Vĩnh Long. |
An cư trong mùa lũ
Những ai về thăm Vĩnh Long hôm nay, chắc hẳn sẽ ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một vùng đất trước đây thường xuyên ngập chìm trong lũ. Cảnh nhà cửa lụp xụp, những căn lều dựng tạm ven kênh rạch, người dân long đong chạy lũ trong mùa nước nổi nay đã được thay bằng vẻ khang trang, kiên cố của các cụm, tuyến dân cư và nhà ở mới được xây dựng. Anh Nguyễn Công Tâm, ở F60 cụm tuyến dân cư vượt lũ phường 8, TP Vĩnh Long (Vĩnh Long) phấn khởi khoe: “Kể từ khi chuyển đến nơi ở mới, tôi và nhiều hộ khác đã có cuộc sống an toàn, ổn định hơn. Các con tôi được đi học, được khám chữa bệnh tận tình, giao thông đi lại cũng thuận tiện hơn trước rất nhiều”.
Thực hiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ, trong giai đoạn 1, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư 219 tỷ đồng để tôn nền 43 cụm tuyến dân cư, với diện tích 282 ha, tạo điều kiện sống ổn định cho hơn sáu nghìn hộ dân. Tiếp nối những thành quả từ giai đoạn 1, từ nguồn kinh phí hơn 72 tỷ đồng vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT), tỉnh Vĩnh Long tiếp tục triển khai chương trình xây dựng các cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2 với 14 cụm tuyến dân cư và sáu dự án xây dựng bờ bao, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2012 với mục tiêu di dời 2.350 hộ dân sống ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao vào cụm tuyến dân cư, xây dựng nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống.
Cùng với Vĩnh Long, bảy tỉnh khác cũng nằm trong chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, được bắt đầu từ cuối năm 2002 theo Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Chương trình có quy mô xây dựng 1.013 cụm, tuyến dân cư với dự toán đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng gồm ngân sách nhà nước cấp và vay với lãi suất 0% từ NHPT nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống cấp điện… và vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà ở.
Theo số liệu thống kê, kết thúc giai đoạn 1 có hơn 1.000 cụm tuyến dân cư được xây dựng với diện tích hơn 3.000 ha, giúp cho khoảng 200 nghìn hộ thuộc tám tỉnh, thành phố vùng ngập lũ thường xuyên được an cư. Đến nay, chương trình chuẩn bị kết thúc giai đoạn 2. Tổng vốn đầu tư dự toán là 2.387 tỷ đồng với mục tiêu đến hết năm 2013 sẽ bố trí cho khoảng 52.300 hộ dân có nơi ở mới an toàn. Theo thống kê đến thời điểm cuối năm 2011, các địa phương đã bố trí được hơn 7.600 hộ dân trong vùng ngập lũ, sạt lở vào sinh sống tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. 149 trong số 178 công trình tôn nền, đắp bờ bao các cụm, tuyến đã được khởi công, 4.442 trong số 36.327 căn nhà và 22 bãi chứa rác đã được xây dựng, hơn 23 nghìn người được bố trí vào ở trong cụm, tuyến và bờ bao,…
Đánh giá về việc thực hiện chương trình, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHPT Vĩnh Long Lê Thị Hải khẳng định: Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư là chương trình thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc giúp người dân có điều kiện sống khó khăn ở vùng sạt lở, ngập lũ có cuộc sống an toàn, ổn định theo hướng bền vững, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra. Đáng chú ý, trận lũ năm 2011, các hộ dân vào ở trong cụm, tuyến không bị thiệt hại về người và tài sản.
Với những cơ chế ưu đãi về vốn để thực hiện chương trình, nhất là số vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đến với chương trình thông qua NHPT đã góp phần cải thiện đáng kể về mặt vật chất; điều kiện thụ hưởng các chương trình dịch vụ phúc lợi cũng được cải thiện như: giảm bệnh tật, sức khỏe cộng đồng được nâng cao trong khu dân cư vùng ngập lũ, trẻ em được đến trường.
Tháo gỡ vướng mắc
Theo Phó Giám đốc Lê Thị Hải, bên cạnh những mặt tích cực, chương trình vẫn tồn tại một số hạn chế. Nhiều hộ dân được chính quyền địa phương vận động nhưng vẫn chưa vào ở trong cụm, tuyến hoặc đã vào ở trong cụm, tuyến nhưng chưa có tiền trả nợ do phần lớn các hộ đều thuộc diện gia đình chính sách hoặc các hộ nghèo. Chi phí đền bù cho người dân chưa sát thực tế hoặc địa phương thiếu vốn, do đó việc giải phóng mặt bằng còn chậm.
Việc lồng ghép các chương trình trong cụm, tuyến dân cư còn chưa đồng bộ, chưa được triển khai thực hiện. Các địa phương còn thiếu đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn kỹ thuật giỏi, dẫn đến một số sai phạm như: giao đất và thu hồi đất chậm, thi công sai với thiết kế kỹ thuật, thanh toán không chính xác. Công tác quy hoạch, tư vấn, thiết kế; khảo sát chưa đạt yêu cầu cho nên nhiều cụm tuyến phải chuyển đổi địa điểm, mất nhiều thời gian. Việc quyết toán khối lượng công việc còn chậm so với kế hoạch.
Để chương trình giai đoạn 2 triển khai theo đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội và đáp ứng mục tiêu của chương trình vào năm 2013, Bộ Xây dựng và phía NHPT đã yêu cầu các địa phương có các biện pháp, lên kế hoạch cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định. UBND các tỉnh, thành phố vùng ngập lũ cần quan tâm chỉ đạo, có kế hoạch và biện pháp cụ thể đối với từng huyện, xã, tăng cường kiểm tra đôn đốc, giám sát thực hiện bảo đảm mục tiêu và yêu cầu đề ra. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ cấp đủ và kịp thời số vốn ngân sách Trung ương còn thiếu so với tổng số vốn đã được phê duyệt cho các địa phương với số tiền hơn 580 tỷ đồng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()