Ðẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp các quốc lộ ở Tây Nguyên
Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đác Nông bị hư hỏng nặng. Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên giai đoạn 2012-2015 khoảng 26 nghìn tỷ đồng.Trong điều kiện nguồn đầu tư của Nhà nước hiện nay đang khó khăn, cho nên dự kiến giai đoạn 2012-2015 tổng nguồn vốn huy động cho các dự án của Bộ Giao thông vận tải ở vùng Tây Nguyên khoảng 6.843 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn đầu tư cho giao thông Tây Nguyên giai đoạn 2012-2015 mới đáp ứng được... 26%.Quốc lộ 29 được chuyển từ tỉnh lộ lên QL theo quyết định ngày 14-6-2011 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trên cơ sở các đường tỉnh lộ của hai tỉnh Đác Lắc và Phú Yên. Điểm đầu của tuyến đường này là cảng Vũng Rô (tỉnh Phú Yên), đoạn qua tỉnh Đác Lắc có chiều dài gần 70 km bắt đầu từ ranh giới hai tỉnh Đác Lắc và Phú Yên đến thị xã Buôn Hồ. Tương lai, QL 29 được nối tuyến tới cửa khẩu Dak Ruê (huyện Ea Súp, tỉnh Đác...
Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đác Nông bị hư hỏng nặng. |
Trong điều kiện nguồn đầu tư của Nhà nước hiện nay đang khó khăn, cho nên dự kiến giai đoạn 2012-2015 tổng nguồn vốn huy động cho các dự án của Bộ Giao thông vận tải ở vùng Tây Nguyên khoảng 6.843 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn đầu tư cho giao thông Tây Nguyên giai đoạn 2012-2015 mới đáp ứng được… 26%.
Quốc lộ 29 được chuyển từ tỉnh lộ lên QL theo quyết định ngày 14-6-2011 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trên cơ sở các đường tỉnh lộ của hai tỉnh Đác Lắc và Phú Yên. Điểm đầu của tuyến đường này là cảng Vũng Rô (tỉnh Phú Yên), đoạn qua tỉnh Đác Lắc có chiều dài gần 70 km bắt đầu từ ranh giới hai tỉnh Đác Lắc và Phú Yên đến thị xã Buôn Hồ. Tương lai, QL 29 được nối tuyến tới cửa khẩu Dak Ruê (huyện Ea Súp, tỉnh Đác Lắc), là tuyến giao thông quan trọng góp phần giao thương, phát triển kinh tế – xã hội giữa Đác Lắc với nước bạn Cam-pu-chia và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Đoạn đường bị hỏng nghiêm trọng nhất là khoảng 20 km đi qua Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, từ xã Ea Sô (huyện Ea Kar) đến xã Cư Prao (huyện Ma Đ’rắc, tỉnh Đác Lắc), nhất là từ Trạm kiểm lâm số 1 đến Trạm số 8 Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, đường nhiều chỗ bị sụt lún, tạo nên những ổ gà trên mặt, một số chỗ đá dăm trồi lên nham nhở, có đoạn dài hàng chục mét, toàn bộ mặt nhựa bị bong tróc làm đường trở nên gồ ghề, rất khó khăn cho các phương tiện qua lại. Anh Trần Mạnh Lợi, người ở xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên thường xuyên đi qua đoạn đường này cho biết: Đường hẹp, hư hỏng nhiều chỗ nên đi lại rất vất vả. Còn ông Bùi Đình Kính, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô phản ánh: Do đường bị xuống cấp, nên công tác tuần tra bảo vệ rừng cũng gặp trở ngại, nhất là về đêm.
Giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông vận tải Đác Lắc Trần Thủ cho biết, đoạn đường nói trên dài 20,6 km được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2002 theo tiêu chuẩn đường đá dăm láng nhựa dày 15 cm (loại đường bán kín, dễ thấm nước, tuổi thọ ngắn). Do thời gian sử dụng đã lâu, cùng với lượng xe tải trọng tải lớn lưu thông nhiều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đường hư hỏng nói trên. Sau khi được chuyển thành QL, Bộ Giao thông vận tải đã giao tỉnh Đác Lắc quản lý, khai thác tuyến đoạn đi qua địa phương, và ngành giao thông vận tải tỉnh đã tiến hành duy tu, bảo dưỡng hằng năm, nhưng không thể bảo đảm chất lượng lâu dài mà cần phải được đầu tư cải tạo, nâng cấp một cách đồng bộ. Ngày 7-5-2012, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định cho phép lập dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL 29 bằng nguồn vốn Trung ương giao cho Sở Giao thông vận tải Đác Lắc làm chủ đầu tư. Hiện Sở đang lập dự án, dự kiến sẽ triển khai thi công vào năm 2013.
Người dân trên quốc lộ 14 phải tự tay vá đường để giải quyết những ổ voi, ổ gà là một hình ảnh gợi mở cho các nhà lãnh đạo, quản lý nhiều suy nghĩ. Điều đó cũng nói lên rằng, đã đến lúc cần có một sự quyết liệt về giải pháp và chính sách để sớm giải quyết được tình trạng ách tắc con đường này. Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 từ TP Kon Tum (Kon Tum) đến thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) có tổng chiều dài khoảng 660 km. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành GTVT các tỉnh nói trên, hiện rất nhiều đoạn trên tuyến đường này thi công dang dở đã gây trở ngại lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đác Nông có chiều dài hơn 150 km nối từ cầu 14 giáp tỉnh Đác Lắc đến địa phận Cây Chanh, xã Đác Ru, huyện Đác R’lấp, tiếp giáp tỉnh Bình Phước. Trong những năm gần đây, do mật độ xe lưu thông ngày càng lớn khiến cả tuyến quốc lộ xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Tháng 9-2010, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đác Nông được Tập đoàn Đức Long Gia Lai chính thức khởi công xây dựng theo hình thức BOT. Theo thiết kế ban đầu được phê duyệt, dự án có bề rộng mặt đường 21,6 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với tổng vốn đầu tư 1.366 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành sau ba năm xây dựng. Tập đoàn Đức Long Gia Lai sẽ khai thác, thu phí đường bộ trong vòng 31 năm. Tuy nhiên, đến nay, sau hai năm triển khai thi công, trên đoạn quốc lộ dài hơn 70 km, các đơn vị thi công chỉ mới san ủi mở rộng mặt bằng hai bên đường và từ tháng 5-2012 đến nay đã ngừng thi công. Chủ đầu tư đưa ra lý do kinh tế khó khăn, nên đề nghị giảm quy mô công trình. Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, đầu năm 2012 UBND tỉnh Đác Nông đã chấp thuận cho điều chỉnh dự án từ đường cấp III đồng bằng xuống đường cấp III miền núi, vận tốc thiết kế còn 60 km/giờ, chiều rộng mặt nền đường thu hẹp xuống còn 12m với tổng mức đầu tư hơn 1.228 tỷ đồng, đồng thời cho kéo dài thời gian hoàn thành đến năm 2014. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đác Nông Nguyễn Văn Viện bức xúc: Mặc dù đã được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về nhiều mặt, nhưng chủ đầu tư vẫn thiếu trách nhiệm. Cuối tháng 7-2012, các nhà thầu thi công dự án đã đồng loạt gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng của tỉnh với lý do từ tháng 5-2012 đến nay, công trình đã ngừng thi công nhưng chủ đầu tư vẫn không phối hợp các nhà thầu thi công bàn bạc, tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, gây thiệt hại cho các nhà thầu. Bên cạnh đó, dự án được điều chỉnh quy mô từ đầu năm 2012 nhưng mới đây, Sở Giao thông vận tải Đác Nông mới nhận được hồ sơ thiết kế, gây khó khăn cho công tác thẩm định và quản lý. Trước việc dự án ngừng thi công, trong thời gian qua, sở đã có hàng loạt văn bản và trực tiếp làm việc với nhà đầu tư, yêu cầu triển khai lại dự án, chủ đầu tư hứa trong tháng 9 sẽ tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, hiện nay đã gần hết tháng 10 nhưng trên một đoạn đường dài vẫn không thấy đơn vị nào thi công, để công trình trong tình trạng dang dở.
Quốc lộ 14 là tuyến giao thông huyết mạch nối Tây Nguyên với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, nên mật độ phương tiện lưu thông ngày càng dày đặc dẫn đến xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. Theo quy định, trong quá trình thi công, các đơn vị thi công phải cắm các biển báo nguy hiểm, cọc tiêu kiên cố, sơn phản quang… Ngoài ra, những chỗ hạ thấp nền đường so với mặt đường nhựa có độ sâu trên 30 cm phải có đèn chiếu sáng, đèn báo hiệu vào ban đêm để cảnh báo cho phương tiện và người tham gia giao thông. Thế nhưng, trên suốt chiều dài hơn 70 km quốc lộ 14 đang được thi công thì không có một đơn vị nào chấp hành đúng quy định về bảo đảm ATGT. Hầu hết các đoạn tuyến, các đơn vị thi công hạ thấp lề đường so với mặt đường nhựa sâu từ 15-40 cm, thậm chí có nơi sâu đến 50 cm, nhưng chỉ cắm các cọc tre, cây rất sơ sài và do lâu ngày, đến nay những hàng cọc tiêu này đã bị đổ hết. Điều nguy hiểm là trên cả một đoạn đường dài, các đơn vị thi công đã san ủi mở rộng và hạ thấp hai bên mặt đường nhựa cũ, có nhiều nơi hạ sâu đến 50 cm nhưng không hề được lắp đặt rào chắn cũng như biển báo nguy hiểm để người điều khiển phương tiện giao thông cảnh giác. Theo khảo sát sơ bộ của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Đác Nông, trên đoạn đường hơn 70 km quốc lộ 14 do Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư xây dựng có tới 173 “ổ voi”, “ổ gà” các loại, mỗi ổ rộng từ 0,5-3 m2, sâu từ 10 – 60 cm. Chính vì thế, trong thời gian qua, trên đoạn đường này liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Đác Nông, hằng năm số vụ TNGT xảy ra trên quốc lộ 14 chiếm đến 60-70% số vụ TNGT xảy ra trên toàn tỉnh. Hiện nay, việc giao thông đi lại trên tuyến quốc lộ 14, đặc biệt là đoạn hơn 70 km do Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư nâng cấp mở rộng là hết sức khó khăn, nguy hiểm và đang là nỗi ám ảnh của người dân sinh sống hai bên tuyến đường cũng như những người hằng ngày đi qua tuyến đường này. Anh Nguyễn Văn Thành, một lái xe xe khách chạy tuyến Đác Lắc – TP Hồ Chí Minh ngán ngẩm: Ngày nào tôi cũng chở khách qua con đường này, trước đây mỗi chiều chỉ mất sáu đến bảy giờ, nay phải mất hơn 10 giờ mới đến nơi. Đường hư hỏng làm mất thời gian, tốn kém xăng dầu đã đành, đằng này xe cộ lại hay hư hỏng dọc đường và sợ nhất là TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn phía nam thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc có tổng chiều dài 13,5 km được chia thành bốn gói thầu (ba gói thầu đường và một gói thầu cầu – gồm cầu Ea Tam và cầu Duy Hòa) với tổng mức đầu tư khoảng 437 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011. Đến nay ngoài gói thầu cầu Ea Tam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, các gói thầu còn lại của dự án đang dừng thi công.
Theo Nhandan
Ý kiến ()