Ðẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm ngành than
Theo kế hoạch, trong năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sẽ dành nguồn vốn khoảng 32 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy mạnh sản xuất, mở mới mỏ than bằng giếng đứng, khai thác vỉa sâu. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, tiến độ một số dự án trọng điểm của ngành còn chậm, chưa đạt yêu cầu.
Xuống lò, độ sâu 300 m
Giám đốc Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 Phạm Ðức Khiêm đích thân đưa chúng tôi “tham quan” cặp giếng đứng của Công ty Than Núi Béo mà Hầm lò 1 đảm trách tổng thầu thi công. Chúng tôi nai nịt quần áo thợ, đi đôi tất quấn chân bằng vải thô, mang ủng, đội mũ bảo hộ có gắn đèn, đeo bình tự cứu. Tôi đã nhiều lần xuống mỏ hầm lò nên “thao tác” khá nhanh, còn anh bạn đồng nghiệp tỏ ra lúng túng và có phần “hoảng sợ” với đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh theo người. Ðối với những người đi chơi như chúng tôi, đeo trên người cả mớ dây rợ, ắc-quy, bình tự cứu đã cảm thấy cực hình, còn thợ lò cũng từng ấy đồ nghề, lại phải lao động nặng nhọc trong điều kiện chật hẹp, gò bó, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, thật đáng khâm phục!
Các chuyên gia tỏ ra ngần ngại khi chúng tôi đề nghị xuống lò. Ðủ lý do được nêu ra để từ chối, song cuối cùng họ đành nhượng bộ khi chúng tôi tỏ ra “quyết tâm” thám hiểm công việc của thợ lò ở độ sâu 300 m. Hai tấm thép dày trên miệng giếng mở ra, một chiếc thùng sắt to như cái bồ thóc (thợ lò gọi là thùng skips) được hệ thống tời kéo lên. Ông Ga-len-cô, chuyên gia cùng chúng tôi trèo vào trong thùng skips. Thùng được thả xuống, miệng giếng đậy lại và thoáng chốc, bóng tối đã trùm kín. Chiếc thùng trôi trong lòng giếng với tốc độ khoảng 5 m/giây, chỉ một lát sau, áp suất thay đổi, chúng tôi bắt đầu thấy ù tai và khó thở. Có thể tưởng tượng giống như đi thang máy từ tòa nhà 100 tầng xuống. Chiếc đèn gắn trên mũ soi ánh sáng vàng đục, chỉ đủ nhìn thấy dọc theo thành giếng gắn hệ thống thiết bị khá phức tạp. Mất vài phút, chúng tôi đã đặt chân xuống đáy giếng, nghe tiếng máy khoan dội trong lòng đất âm âm. Qua phiên dịch, vị chuyên gia giải thích, nhóm thợ đang lập hộ chiếu khoan nổ mìn, tiếp tục đào để đạt độ sâu thiết kế. Vị chuyên gia này không giấu vẻ thán phục thợ lò Việt Nam. Ông Ga-len-cô bảo, trong quá trình làm việc, thợ lò Việt Nam nắm bắt công nghệ rất nhanh, tuy chưa từng thi công giếng đứng bao giờ nhưng đã nhanh chóng bắt nhịp và triển khai khá thuần thục, sáng tạo. Anh Khiêm cho biết, mỏ giếng đứng Núi Béo này là “sản phẩm đầu tay” của ngành than Việt Nam, khởi công ngày 3-2-2012, công suất thiết kế hai triệu tấn than nguyên khai/năm, mở vỉa bằng cặp giếng đứng từ mặt bằng mức 35 m xuống đến mức âm 410 m (so mặt nước biển). Các công đoạn sản xuất của mỏ giếng đứng Núi Béo sẽ được cơ giới hóa đến mức cao nhất, sử dụng giàn chống Vinaalta và máy khấu com-bai, giá khung di động, xe khoan tam-rốc,… Giếng phụ có đường kính 6m, thân vỏ giếng đúc bằng bê-tông cốt thép liền khối dày 0,6 m. Từ khu vực phân tầng, sẽ xây dựng hệ thống sân ga, các đường lò xuyên vỉa, chuẩn bị các lò chợ tại các mức âm 140 m và 350 m. Ngành than kỳ vọng đây sẽ là tiền đề nhằm nâng cao trình độ quản lý của cán bộ; công nghệ chế tạo thiết bị và nâng cao tay nghề công nhân đào lò, từ đó làm cơ sở cho việc tự triển khai các dự án giếng đứng sau này.
Trưởng phòng kỹ thuật Hầm lò 1 Ðoàn Hòa cho biết: Công nghệ lò giếng đứng có nhiều ưu điểm, cho phép khai thác than quy mô lớn, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo đảm an toàn,… Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ba Lan, Nga,… đã triển khai công nghệ này từ lâu, nhưng ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Sau khi khởi công, công ty đã tự mình thi công đến đoạn “độ mở công nghệ” sâu 57 m, lắp đặt các thiết bị tời chuyên dụng, tháp giếng, trọng lượng khoảng 1.500 tấn bảo đảm chính xác tuyệt đối, đồng thời xử lý các tình huống phát sinh về địa chất, nước ngầm, được các chuyên gia đánh giá cao. Ðến nay, giếng phụ đã đạt độ sâu 320 m, giếng chính sâu 270 m. Giám đốc Hầm lò 1 Phạm Ðức Khiêm khẳng định: Từ kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình đào giếng đứng mỏ Núi Béo, từng bước làm chủ công nghệ, công ty đã đề xuất Tập đoàn Vinacomin khi triển khai dự án mỏ giếng đứng Khe Chàm II – IV và Mạo Khê, cho phép công ty thuê hoặc mua thiết bị, thuê chuyên gia và tự mình thi công giếng đứng.
Cán bộ, công nhân Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 triển khai thi công lò giếng đứng Khe Chàm II-IV.
Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ
Trong những năm qua, sản lượng khai thác than lộ thiên của Vinacomin có xu hướng ngày càng giảm. Do vậy, các mỏ hầm lò cần phải tiến hành đổi mới công nghệ khai thác nhằm nâng cao sản lượng khai thác và đầu tư xây dựng mỏ mới, tầng khai thác mới. Hướng chủ đạo bảo đảm ổn định và nâng cao sản lượng khai thác là tập trung đầu tư các mức sâu tại các mỏ hầm lò đang hoạt động cũng như mở các mỏ mới ở các trữ lượng vỉa than chưa huy động vào sản xuất. Nhằm phát triển ngành than bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, phù hợp sự phát triển chung của các ngành kinh tế khác, Vinacomin đã giao Viện Khoa học công nghệ (KHCN) Mỏ chủ trì công tác tư vấn thiết kế mỏ hầm lò Núi Béo, trong đó bao gồm tư vấn thiết kế giếng đứng và sân ga đáy giếng với sự phối hợp thiết kế của các kỹ sư LB Nga. Viện đã ký hợp đồng dự án KHCN “Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ Núi Béo”. Ðây là một trong hai dự án khoa học – công nghệ lớn mà Bộ KHCN giao Bộ Công thương quản lý với tổng số vốn gần 46,5 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học. Dự án sẽ được Viện triển khai từ nay đến giữa năm 2016. TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện KHCN Mỏ cho biết: Ðây là dự án quan trọng của Vinacomin, bởi ngành than tiếp tục đảm đương nhiệm vụ khai thác than ngày càng xuống sâu hơn, trong đó chủ yếu sử dụng giếng đứng. Chế tạo thiết bị, công nghệ và trục tải giếng đứng thành công, ngành than có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất, chế tạo một số thiết bị không chỉ phục vụ riêng dự án Núi Béo, mà còn phục vụ cho các dự án mỏ giếng đứng khác. Làm chủ công tác tư vấn, thiết kế thi công và xây dựng quy trình công nghệ đào lò giếng đứng cũng như thiết kế chế tạo, nội địa hóa hệ thống thiết bị trục tải giếng đứng hết sức cần thiết cho việc chủ động thi công, đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời nâng cao trình độ cơ khí trong nước. Trên cơ sở triển khai thử nghiệm tại mỏ Núi Béo, phấn đấu sau năm 2015, ngành than sẽ nhân rộng và làm chủ hoàn toàn công nghệ khi thi công xây dựng giếng đứng cho các mỏ hầm lò tương tự khác.
Chúng tôi có mặt tại công trường thi công mỏ Khe Chàm II-IV nằm sâu trong thị trấn Mông Dương, khai thông bằng ba giếng đứng, kết hợp các lò xuyên vỉa ở hai tầng khai thác. Tầng trên khai thác từ mức âm 60 đến âm 350 m, tầng dưới khai thác từ âm 350 xuống âm 500 m. Dự án có trữ lượng hơn 74 triệu tấn than, công suất thiết kế 3,5 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư khoảng 14 nghìn tỷ đồng. Khe Chàm II-IV có đầy đủ các tiêu chí mỏ sạch, an toàn, hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, tiết kiệm tài nguyên, sản lượng cao, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác, sử dụng ít nhân công. Các hệ thống vận tải, thông gió, thoát nước, quan trắc tập trung, tổ hợp công nghệ trên mặt mỏ được cơ giới hóa, tự động hóa tối đa. Theo Phó Tổng giám đốc Vinacomin Vũ Thành Lâm, Trưởng ban chỉ đạo dự án Khe Chàm II-IV, dự án này do Công ty Than Hạ Long làm chủ đầu tư, quy tụ nhiều “cái nhất” của ngành than: công suất lớn nhất, vốn đầu tư lớn nhất, xuống sâu nhất, mỏ hiện đại nhất. Thợ Hầm lò 1 hiện đã hoàn thiện các công trình tạm, phụ trợ phục vụ thi công dự án, hiện tại đã đào và đổ bê-tông cốt thép chống cố định với giếng đứng chính sâu 30 m và giếng phụ 20 m, đường kính giếng 8m. Trong năm nay, phấn đấu đào sâu tới “độ mở công nghệ” 60 m, tiếp tục thi công móng tháp, móng tời nếu hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Những năm 90 của thế kỷ trước, cả ngành than chỉ có vài mỏ thử nghiệm cơ giới hóa, đến nay toàn bộ các lò chợ đã được cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu khai thác đến vận chuyển, sử dụng máy khấu com-bai, khoan tự hành tam-rốc,… Có thể khẳng định, lộ trình phát triển ngành than bền vững chủ yếu nhờ khai thác than hầm lò và áp dụng công nghệ hiện đại, cơ giới hóa khai thác than là bước đi đúng hướng. Bởi trong tương lai, việc xóa bỏ khai thác lộ thiên là bắt buộc. Khai thác hầm lò có điều kiện xuống sâu, giảm chi phí bốc xúc đất đá, bảo vệ môi trường, do vậy, đầu tư các mỏ giếng đứng có ý nghĩa cấp thiết, quyết định bước phát triển mới bền vững của ngành than trong công cuộc xây dựng đất nước.
Các công trình đầu tư mở mới lò giếng đứng là dự án trọng điểm của Tập đoàn Vinacomin, các đơn vị từ chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu đã hợp tác chặt chẽ, học hỏi kinh nghiệm, mặc dù quá trình triển khai ban đầu gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quản lý, tổ chức thi công cũng như vận hành dự án. Trong tương lai, những công nhân, kỹ sư tham gia dự án giếng đứng sẽ là vốn quý của ngành than vì họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về công nghệ, quy trình dự án. Vinacomin sẽ xây dựng được đội ngũ tư vấn tốt, xây lắp mỏ tốt, chế tạo cơ khí, hình thành nền tảng vững chắc để phát triển các mỏ than hầm lò đi sâu hơn, xa hơn, đủ năng lực đáp ứng chiến lược của tập đoàn trong giai đoạn mới. LÊ MINH CHUẨN (Tổng Giám đốc Vinacomin) |
Năm nay, Tập đoàn Vinacomin sẽ phê duyệt chương trình phát triển cơ giới hóa, lựa chọn mô hình phù hợp để áp dụng đạt hiệu quả trong thực tiễn. Áp dụng cơ giới hóa trong khai thác than, số công nhân giảm từ 1,5 đến 2 lần, năng suất lao động tăng 1,5 – 2,5 lần, các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật cao hơn so với lò chợ thủ công. Ðây sẽ là hướng phát triển bền vững của ngành than, giúp nâng cao năng suất, giảm nhân công trong hầm lò và độ an toàn cao.
TS NGUYỄN ANH TUẤN (Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Mỏ)
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()