Đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17-8-2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách phục vụ quá trình cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN, trong đó có Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13-10-2015 về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN.
Chuẩn hóa công tác bán vốn
Trong đó, nội dung về thoái vốn được điều chỉnh theo hướng quy định phương thức thoái vốn phù hợp tình hình thị trường và thực tế hoạt động của DN như: đấu giá bán toàn bộ phần vốn nhà nước; bổ sung quy định việc xác định giá khởi điểm khi tổ chức bán phần vốn nhà nước theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán. Để hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN, một trong những đề xuất quan trọng là sớm thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại DN.
Trong thực tế, đã có một định chế tài chính hiện đang nỗ lực giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả. Tại hội thảo khoa học mới đây, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, 10 năm qua, thông qua các hoạt động tái cơ cấu quản trị DN và bán vốn nhà nước tại DN, thông qua thực hiện vai trò cổ đông nhà nước, SCIC đã triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước tại các DN thuộc diện nhà nước không cần nắm giữ. Từ khi thành lập đến nay, trong số gần 1.000 DN tiếp nhận, SCIC đã bán vốn tại 961 DN (trong đó bán hết vốn tại 862 DN, bán một phần vốn tại 80 DN và bán quyền mua tại 19 DN) với giá vốn là 7.763 tỷ đồng và thu về 27.215 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá vốn.
Về lộ trình bán vốn, Chủ tịch HĐQT SCIC Nguyễn Đức Chi cho biết, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn theo lộ trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch năm 2017, SCIC sẽ thoái vốn tại các DN lớn như Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex (VCG), FPT… Đây là những DN có vốn của SCIC đang kinh doanh rất hiệu quả và có thể nói là DN đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động của mình. Nhiều DN trong số đó đã trở thành đích ngắm của nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn trong và ngoài nước. Hiện nay, Tổng công ty đang tích cực triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bán vốn tại các DN này.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong việc thực hiện bán vốn nhà nước, SCIC đã tổ chức các đợt thoái vốn ngày càng chuyên nghiệp và góp phần đem lại lợi ích tối ưu cho Nhà nước. Trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường chứng khoán còn nhiều khó khăn, công tác thoái vốn nhà nước tại DN của SCIC đã được triển khai theo đúng quy định của nhà nước, đạt được hiệu quả cao; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, trước hết là nhờ việc xây dựng quy chế, quy trình và tổ chức thực hiện công tác bán vốn luôn quán triệt và tuân thủ các nguyên tắc bảo toàn, phát triển giá trị vốn nhà nước đã giao cho Tổng công ty; bảo đảm công khai, minh bạch, gắn với thị trường và phù hợp quy định pháp luật; việc xác định giá khởi điểm khi bán cổ phần nhà nước phải bảo đảm phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN, trong đó bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất giao theo quy định của pháp luật. Qua hơn 10 năm triển khai, công tác bán vốn tại DN của SCIC từng bước được chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp: lựa chọn hợp lý và đúng quy định danh mục DN bán vốn, nghiên cứu kỹ tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán, tổ chức bán công khai minh bạch, có mạng lưới nhà đầu tư tốt, thực hiện tái cấu trúc DN trong từng trường hợp nhằm gia tăng giá trị vốn để thực hiện bán vốn.
Kinh nghiệm bán vốn nhà nước thành công của SCIC đã được Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu để đẩy mạnh áp dụng chung cho các DNNN, tập đoàn, tổng công ty nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Cùng với việc công khai danh sách bán vốn, các giải pháp liên quan cơ chế thực hiện cũng đang được gấp rút chỉnh sửa, đặc biệt là sửa cơ chế chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm một phương thức chuyển nhượng vốn là tổ chức bán đấu giá công khai ngoài hệ thống giao dịch, bên cạnh hai phương thức hiện hành là khớp lệnh và thỏa thuận. Riêng việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần chưa lên sàn chứng khoán, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện theo phương thức đấu giá công khai.
Trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh. Nếu chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận… Trong đó, phương thức đấu giá công khai thực hiện theo hướng cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ tình hình tài chính của công ty cổ phần có vốn góp nhà nước, nhu cầu của thị trường, mục tiêu và điều kiện chuyển nhượng vốn, lựa chọn phương thức đấu giá thông thường hoặc đấu giá theo lô trước khi tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước.
Chính vì thế, giới đầu tư đánh giá và kỳ vọng vào một lộ trình thoái vốn khả thi trong những năm tới, bởi một khi thông điệp của Chính phủ là đa dạng sở hữu trong DN và Nhà nước chỉ sở hữu một phần, thì cơ hội cho nhà đầu tư trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán là rất lớn. Các quyết định thoái vốn của Nhà nước ở các DN đã cổ phần hóa ngày càng rõ ràng về tiến độ với nhiều DN quy mô lớn, tỷ lệ thoái vốn cũng được công bố công khai với mức tỷ lệ thoái vốn đáng kể chứ không còn hình thức như trước, đặc biệt là tiến trình thoái vốn được tổ chức bài bản như thực tế đã và đang diễn ra ở SCIC.
Ngày 10-11 vừa qua, SCIC đã hoàn tất chào bán cổ phần Vinamilk (VNM) do SCIC đại diện chủ sở hữu với tổng số lượng 48,33 triệu cổ phần (tương ứng 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk) với giá trúng 186.000 đồng/cổ phiếu, mức giá cao hơn tới 24% so với giá khởi điểm chào bán và cao hơn 7% giá trần của ngày giao dịch. Tổng giá trị bán cổ phần thu về cho Nhà nước cao hơn khoảng 2.000 tỷ đồng so với giá trị tính trên giá khởi điểm. Tiếp theo việc thoái vốn tại VNM, SCIC sẽ thoái vốn tại VCG (21,79% vốn điều lệ), NTP (37,1% vốn điều lệ), BMP (29,51% vốn điều lệ), DMC (34,71% vốn điều lệ), FPT (5,96% vốn điều lệ). Dự kiến, roadshow bán vốn tại các DN này sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 và việc bán vốn sẽ hoàn tất ngay trong tháng 12. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()