Đẩy nhanh thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%
Chương trình hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đang được hệ thống ngân hàng rốt ráo thực hiện, nhằm nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là một trong nhiều giải pháp mà ngành Ngân hàng triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ngay sau khi Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được ban hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẩn trương ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện và tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước. Để thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng này, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện quyết liệt, khẩn trương, đúng quy định, đối tượng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thanh tra, giám sát để bảo đảm không có trục lợi chính sách.
Nhiều ngân hàng vào cuộc
Agribank là một trong những tổ chức tín dụng chủ động vào cuộc từ sớm. Theo Phó Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, xác định đây là chủ trương lớn nên ngân hàng đã có bước chuẩn bị kỹ càng trong khâu triển khai. Ngay sau khi Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được ban hành, Agribank đã có hướng dẫn các đơn vị trực thuộc rà soát các đối tượng được hỗ trợ. Đối với những khoản đã giải ngân và cam kết tín dụng từ ngày 1/1/2022, ngân hàng đã chỉ đạo cán bộ tín dụng đến gặp gỡ khách hàng để thực hiện cam kết hỗ trợ. “Qua rà soát, dư nợ hiện hữu thuộc trong nhóm ngành nghề được ưu đãi chiếm khoảng 40-50%/tổng dư nợ của ngân hàng. Trong 11 nhóm ngành, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 70% dư nợ, doanh số cho vay hằng năm tại ngân hàng lên tới hơn một triệu tỷ đồng nên phải tập trung giải ngân cho nhóm đối tượng này. Và ngân hàng sẽ triển khai ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo mức hỗ trợ”, ông Phạm Toàn Vượng cho biết.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc MB Phạm Thị Trung Hà cũng cho biết, ngân hàng đã tập huấn trên toàn hệ thống chi nhánh để triển khai nghị định, thông tư; đồng thời sẽ xây dựng hệ thống mẫu biểu chứng từ, quy trình kiểm tra giám sát để bảo đảm thực hiện chương trình chặt chẽ, đúng trọng điểm, đúng đối tượng. Ngân hàng BIDV cũng đã xây dựng phần mềm phục vụ riêng cho chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Quy trình nội bộ triển khai gói hỗ trợ lãi suất đã hoàn thiện và BIDV sẽ hướng dẫn, tập huấn tới toàn bộ chi nhánh. VietinBank cũng đã lên sơ bộ danh sách, dự thảo các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất thông suốt trong hệ thống. Theo thống kê, dư nợ tín dụng của các nhóm ngành được thụ hưởng lãi suất ưu đãi từ chương trình trong năm 2022-2023 chiếm khoảng 30% dư nợ của ngân hàng…
Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Hà Thu Giang, Nghị định 31 quy định, trong vòng 15 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, các ngân hàng phải đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ sớm phân bổ gói 40.000 tỷ đồng này để hỗ trợ khách hàng.
Công khai, minh bạch, tránh trục lợi
Thực tế, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, toàn ngành ngân hàng đã sẵn sàng trong tâm thế nhanh chóng vào cuộc triển khai thực hiện. Công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách cũng là điều mà lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện các tổ chức tín dụng nhiều lần khẳng định. Để công khai minh bạch thông tin hỗ trợ, đồng thời bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, tránh trường hợp lợi dụng chính sách, hiện các ngân hàng đang rất khẩn trương xây dựng cơ chế hướng dẫn và đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin.
Tại hội nghị triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% trong toàn ngành vừa qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh quan điểm: Trong trách nhiệm có những rủi ro, nhưng không vì thế mà sợ sệt, lảng tránh, không làm. Tinh thần từ nay đến cuối năm là phải tiếp tục coi trọng hoạt động tín dụng, làm sao vừa tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. “Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất phải diễn ra ngay từ hôm nay. Trong quá trình triển khai cần thực hiện đúng quy định, tránh mất mát về tiền bạc, con người, vận dụng linh hoạt nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng thực hiện quyết liệt, khẩn trương, đúng quy định, đối tượng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thanh tra, giám sát để bảo đảm không có trục lợi chính sách.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam-tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận, việc sớm đưa ra phương án triển khai gói hỗ trợ thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống. Nhưng việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất phải trên nguyên tắc không hạ chuẩn tín dụng. Khi vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện theo đúng quy định pháp luật. Do vậy, chỉ những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành theo quy định và có dư nợ nhóm 1 mới được cho vay. Bởi nếu không may doanh nghiệp vay vốn không trả được nợ, ngân hàng chịu rủi ro không thu hồi được nợ. “Khi ngân hàng cho vay theo chương trình gói hỗ trợ lãi suất vẫn phải thẩm định, đánh giá hiệu quả dự án chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật, hạn chế rủi ro nợ xấu phát sinh”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Phương, một trong những khó khăn khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất lần này là sẽ làm ảnh hưởng nhất định đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng, bởi ngân hàng sẽ phải ứng trước tiền và một phần tiền sẽ được quyết toán sau. Thêm vào đó, số lượng khách hàng đăng ký gói hỗ trợ sẽ ngày càng lớn trong khi “room” tín dụng của BIDV chỉ ở mức 10%, nên ngân hàng này mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét sớm “nới room” tín dụng cho BIDV cũng như các ngân hàng có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng khi triển khai gói hỗ trợ. Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Việt Cường cũng cho hay, sau 5 tháng đầu năm 2022, tín dụng Vietcombank tăng trưởng hơn 9%. Thống kê sơ bộ của Vietcombank cho thấy, dư nợ cho vay với các đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất chiếm gần 30% tổng dư nợ ngân hàng, với gần 30.000 khách hàng. Trong khi nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau hai năm dịch bệnh tăng lên rất nhanh, nên với room tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Do vậy, Vietcombank cũng đề xuất được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới room tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo, gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ khiến cầu tín dụng tăng nên cơ quan này có thể phải tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn phải bảo đảm kiểm soát lạm phát. “Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa bổ sung room tín dụng, chúng tôi sẽ xem xét trong thời gian tới. Nhưng trong khi chưa có thì các ngân hàng cần phải tính toán, luân chuyển quay vòng vốn, ưu tiên nguồn vốn tín dụng tốt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng mong muốn dư nợ cao nhưng điều hành vĩ mô là cả một vấn đề, trong đó, kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng nhất”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ.
Ý kiến ()