Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hợp tác xã
Chuyển đổi số được xác định là “chìa khóa” tạo động lực cho kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) phát triển nhanh và bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng, nhưng riêng tại khu vực HTX, còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể. Ðiều này đòi hỏi các HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số để thích nghi với tình hình.
Ðóng gói chè tại Hợp tác xã chè Hồng Hà, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Ðồn, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh TRỊNH PHÚ) |
Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, với chủ đề “Chuyển đổi số-Ðộng lực phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Chuyển đổi số sẽ là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế HTX một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị”.
Kích hoạt “số hóa”
Theo số liệu từ Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, cả nước có hơn 4.600 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chiếm 17% tổng số HTX; nhiều HTX đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong quản trị, xúc tiến thương mại; các Quỹ Tín dụng nhân dân ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp, số HTX ứng dụng công nghệ cao còn thấp, với hơn 1.700 HTX.
HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) là một trong số ít HTX nông nghiệp trên cả nước sớm chủ động ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động. Theo đó, HTX từng bước ứng dụng khoa học-công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý tại HTX. Sản phẩm chính của HTX là quả mãng cầu, được sản xuất theo quy trình chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 25,7ha và đang nhân rộng phát triển diện tích cho các thành viên, hướng đến sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Trong quá trình chăm sóc, HTX ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân, từ đó tiết kiệm chi phí, tăng năng suất. Trong khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, HTX đã thử nghiệm phun thuốc bằng thiết bị bay-Drone cho cây mãng cầu, nhằm thay thế và giảm ảnh hưởng đến sức khỏe cho nhân công tiếp xúc thuốc, tiết kiệm thời gian, chi phí, sử dụng linh hoạt trong điều kiện thời tiết thay đổi… được đánh giá hiệu quả cao. Ðáng chú ý, sản phẩm có mã QR giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất và thông tin dinh dưỡng của sản phẩm. Nhờ áp dụng công nghệ, minh bạch trong sản xuất mà các sản phẩm mãng cầu của HTX chinh phục được người tiêu dùng.
Tương tự, HTX chăn nuôi và dịch vụ Ðồng Tiến (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) cũng sớm gắn mã QR, tạo thương hiệu cho sản phẩm quả trứng vịt biển của HTX. Theo chia sẻ của Giám đốc Nguyễn Văn Hưởng, từ một HTX chỉ có 7 thành viên nuôi vịt biển đẻ trứng năm 2015, đến nay đã có 25 thành viên cung cấp trứng và thịt vịt biển an toàn cho nhiều địa phương trên cả nước. Ðể thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm, HTX đã xác định sản xuất là khâu quan trọng nhất, mọi chiến lược phát triển thương hiệu có thành bại đều bắt đầu từ đây. HTX tổ chức hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sản phẩm trứng vịt biển Ðồng Rui theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ thành viên, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong tập quán sản xuất chăn nuôi của người nông dân xã đảo Ðồng Rui. “Việc có thông tin truy xuất nguồn gốc đã phản ánh đầy đủ từ quá trình sản xuất của người nông dân đến việc phân phối sản phẩm, từ đó tạo niềm tin đối với các sản phẩm nông sản sạch. Chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên phát triển các ngành nghề phụ trợ để làm tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm mới. HTX sẽ liên kết với các đơn vị sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho chuỗi giá trị”-ông Nguyễn Văn Hưởng cho hay.
Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
Chuyển đổi số được xác định là một trong những hướng đi quan trọng thúc đẩy các HTX phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để các HTX có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý hiệu quả.
Trong hai năm qua, Liên minh HTX Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát về tình hình ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và phục hồi của HTX. Cụ thể, năm 2021, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp Tổ chức Oxfam của Anh triển khai khảo sát 153 HTX tại 3 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá thực trạng, điểm mạnh, điểm yếu của các HTX nông nghiệp về khả năng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm. Năm 2022, cơ quan này phối hợp Viện Rosa – Luxemburg của Ðức khảo sát 160 HTX, 240 người lao động và thành viên tại 12 tỉnh, thành phố về tác động và khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong đó có khảo sát về ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Các kết quả nghiên cứu cho thấy: Về nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, HTX đánh giá mức độ quan trọng của việc áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành như sử dụng máy vi tính, phần mềm kế toán, điện thoại thông minh, phần mềm bảo vệ, tuy nhiên mới áp dụng trong thực tế ở mức độ thấp. Về nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong sản xuất hiện tại được HTX đánh giá tương đối cao, trong khi thực tế áp dụng ở mức thấp. Tại một số HTX, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mới được thực hiện thí điểm với quy mô nhỏ do chi phí đầu tư lớn so với tiềm lực tài chính hạn chế của HTX… Ðiều này phần nào cho thấy, từ nhận thức đến hành động trong tiến trình chuyển đổi số tại các HTX đang là một khoảng cách khá xa. Liên minh HTX Việt Nam và các tổ chức quốc tế khuyến nghị: Chuyển đổi số phải bắt đầu từ việc số hóa dữ liệu, qua đó các HTX cần có thiết bị cơ bản là máy vi tính kết nối Internet trong khi hiện nay nhiều HTX chưa có máy tính, hoặc có thì đã lạc hậu. Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có thể xem xét trích một phần ngân sách kết hợp với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ trang thiết bị cơ bản như máy vi tính cho những HTX cam kết thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động.
TS Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam dẫn chứng thêm số liệu: trong hơn 1.700 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%; trong đó, các HTX này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa được chú trọng. “Ðiều này khiến nhiều HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan đến hệ sinh thái. Do vậy, để tháo gỡ những rào cản này, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng phát triển thị trường thì chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin được xem là giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp Việt Nam nói chung và các HTX nông nghiệp nói riêng trong giai đoạn hiện nay”, TS Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định.
Cần phát huy vai trò của các công ty công nghệ trong phát triển các giải pháp công nghệ phù hợp cho các HTX. Muốn thúc đẩy chuyển đổi số trong HTX nên cân nhắc xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các công ty công nghệ số, thay vì quan hệ hợp đồng ngắn hạn. Các giải pháp công nghệ số đều cần liên tục cải thiện và phát triển sau khi ra mắt chính thức thì mới đáp ứng được nhu cầu thay đổi liên tục của nhóm đối tượng đích cũng như những thay đổi mạnh mẽ của môi trường số.
Bà LÊ KIM THÁI –
Quản lý chương trình cao cấp tại Tổ chức Oxfam
Ý kiến ()