Đẩy nhanh lộ trình phát triển vật liệu xây không nung
LSO-Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 204 dây chuyền sản xuất gạch không nung xi măng - cốt liệu với tổng sản lượng khoảng 42 triệu viên một năm.
Trong đó, chỉ có hai đơn vị sản xuất đã thực hiện kiểm tra chất lượng và đánh giá về chỉ tiêu cơ lý làm cơ sở đưa vào danh mục công bố giá các sản phẩm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Hồng Phong và Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư và xây dựng Phú Lộc. Còn lại, hầu hết các cơ sở sản xuất có quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm gạch chưa được kiểm định theo đúng quy trình nên mới chỉ sử dụng xây các công trình phụ trợ như tường rào, nhà kho, nhà ở thấp tầng có kết cấu đơn giản tập trung phần lớn ở các vùng nông thôn.
Sản xuất gạch không nung tại Công ty cổ phần đầu tư và Xây dựng Phú Lộc |
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2015 là 20-25%, năm 2020 là 30-40% sản phẩm gạch xây không nung được sử dụng tại các công trình xây dựng. Và theo Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước tại các đô thị loại 3 trở lên bắt buộc phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây). Nhưng đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có công trình xây dựng theo nguồn vốn ngân sách Nhà nước nào đầu tư xây dựng thực hiện theo đúng quy định về sử dụng vật liệu xây không nung như trên.
Bà Trịnh Thị Thủy, Phó Trưởng Phòng Kinh tế, Kế hoạch và Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng cho biết: Thực trạng trên là do ở địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung nào đạt tiêu chuẩn để có thể đưa vào xây dựng các công trình công có kết cấu phức tạp. Trong các loại vật liệu xây không nung, trên địa bàn tỉnh mới sản xuất được gạch xi măng – cốt liệu với những ưu thế như giá thành thấp hơn gạch nung, rút ngắn thời gian hoàn thiện công trình và thân thiện với môi trường nên đã được người dân lựa để xây dựng các công trình dân dụng đơn giản, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, về kích cỡ, khối lượng từng loại gạch xi măng – cốt liệu được sản xuất trên địa bàn vẫn chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định nên chưa được các nhà thầu chọn để xây dựng các công trình lớn, có kết cấu phức tạp. Tại một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh… đã có nhiều công trình lớn được xây dựng bằng vật liệu không nung nhưng là loại vật liệu nhẹ như gạch bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông bọt chuẩn theo quy định hiện hành.
Trong thời gian tới, để phát triển vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, ngày 23/7/2014, UBND tỉnh đã ra công văn chỉ đạo gửi đến các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thành phố về việc sử dụng vật liệu xây không nung cho các công trình xây dựng. Theo nội dung công văn, tỉnh chỉ đạo các huyện còn tồn tại lò gạch nung thủ công, lò thủ công cải tiến như tại Tràng Định, Cao Lộc, Hữu Lũng, Đình Lập khẩn trương thành lập ban chỉ đạo và phân công cụ thể cho từng thành viên theo dõi, vận động, tuyên truyền để xóa bỏ các lò trên địa bàn. Thời gian tới không cho phép đầu tư xây dựng mới các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung. Cùng với đó, UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, quản lý chất lượng sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời, hướng dẫn các thủ tục về địa điểm xây dựng dự án, đổi mới công nghệ sản xuất và đưa ra lộ trình xóa bỏ các lò thủ công sản xuất gạch, ngói nung phù hợp với điều kiện sản xuất, cung ứng các loại vật liệu xây dựng trên địa bàn. Qua đó làm cơ sở để tổ chức thực hiện đúng lộ trình, tỷ lệ phần trăm sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng theo quy định tại Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng. Cùng với đó, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng như chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát…, các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ thẩm tra, thẩm định dự án, cấp phép xây dựng công trình…phải đảm bảo việc sử dụng vật liệu xây không nung theo đúng lộ trình đã quy định. Đặc biệt, các đơn vị sản xuất kinh doanh vật liệu xây không nung cần xác định giá sản phẩm để đảm bảo giá thành khối vật liệu không nung không cao hơn giá thành khối vật liệu nung và phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Việc sử dụng vật liệu xây không nung là rất quan trọng, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tiết kiệm tài nguyên, giảm lượng khí thải…Do vậy, sự phát triển vật liệu xây không nung trong tương lai sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh một cách bền vững.
ANH DŨNG
Ý kiến ()