Dạy nghề và đưa nghề về buôn làng Tây Nguyên
Giờ học nghề của học viên Trường trung cấp nghề Đác Nông. Trong cái nắng nóng của vùng biên giới huyện Ea Súp (Đác Lắc), tại phòng kho xã Ea Lê, thầy Y Louit Niê vẫn tận tụy hướng dẫn từng chi tiết máy nổ nông cơ cho 30 học trò, đa số là người dân tộc thiểu số của các thôn, buôn. Cũng như thầy, gần 10 năm qua, hàng trăm thầy cô giáo của các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề, là nghệ nhân và cả những người thợ lành nghề không quản ngại khó khăn vất vả, cần mẫn "gùi" nghề về tận buôn làng vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên, truyền đạt cho người dân, giúp họ có việc làm phù hợp, cải thiện cuộc sống.Anh Y Mai ở buôn Cư Canh, xã Ea Sin (xã vùng 3 của huyện Krông Búc, tỉnh Đác Lắc) khoe: Mình rất biết ơn cô giáo Hường và cảm ơn chính sách dạy nghề của Đảng, Chính phủ đã cho người dân trong buôn nâng cao nhận thức, hiểu biết về phương pháp chăn nuôi, thú y... Cô giáo mà Y Mai biết ơn là Nguyễn Thị Hường,...
Giờ học nghề của học viên Trường trung cấp nghề Đác Nông. |
Anh Y Mai ở buôn Cư Canh, xã Ea Sin (xã vùng 3 của huyện Krông Búc, tỉnh Đác Lắc) khoe: Mình rất biết ơn cô giáo Hường và cảm ơn chính sách dạy nghề của Đảng, Chính phủ đã cho người dân trong buôn nâng cao nhận thức, hiểu biết về phương pháp chăn nuôi, thú y… Cô giáo mà Y Mai biết ơn là Nguyễn Thị Hường, bác sĩ thú y ở thôn 9, xã Pơng Drang hợp đồng với Trung tâm dạy nghề huyện Krông Búc dạy nghề cho lao động nông thôn. Chị Hường tâm sự: Ban đầu được Trung tâm mời dạy nghề tôi chỉ nghĩ tham gia công tác xã hội cho vui, sau này khi đã làm việc, mặc dù rất vất vả, khó khăn nhưng nhìn thấy thành quả là sự chuyển biến trong nhận thức của bà con, áp dụng những kiến thức đã học được vào phát triển chăn nuôi, cải thiện cuộc sống gia đình, nhiều học viên đã thoát nghèo, vậy là thấy “ham”, say nghề hồi nào không hay. Suốt ba năm nay, không quản ngại đường xa mùa mưa trơn trượt lầy lội hay mùa khô bụi mù, cô giáo Hường cần mẫn đi hết buôn gần, buôn xa tổ chức và dạy được bảy lớp học với hơn 200 học viên, trong đó phần lớn là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Ấn tượng nhất là hai lớp học ở xã Ea Sin. Trong số 60 học viên theo học thì có 55 người dân tộc Ê Đê, nhiều người trong số họ là lao động chính, trụ cột gia đình và họ rất ý thức được việc học. Suốt ba tháng không một học viên nào bỏ học quá ba buổi, đoàn kết, giúp đỡ nhau và chú trọng thực hành, áp dụng ngay vào việc phát triển chăn nuôi ở gia đình mình.
Thời gian gần đây, hai bên con đường cấp phối sạch đẹp giữa buôn Bu (xã Ea Knuêk, huyện Krông Pác, tỉnh Đác Lắc) các tiệm sửa chữa điện dân dụng, may vá của thanh niên mọc lên ngày càng nhiều. Buôn trưởng Ama Po phấn khởi dẫn chúng tôi đi một vòng trong buôn, rồi khoe: “Bọn trẻ đã có kiến thức để làm ăn, có nghề nghiệp nuôi sống bản thân, tránh xa các tệ nạn xã hội, vui không gì bằng…”. Đời sống của người dân buôn Bu, nhất là lớp thanh niên như được “khoác” lên mình tấm áo mới, Ama Po dẫn chúng tôi đến một tiệm sửa chữa dân dụng, nơi Y Hội A Drơng đang loay hoay với chiếc máy nổ của một người trong buôn vừa mang sang nhờ sửa giúp. Y Hội nhớ lại, năm 2007, anh được các thầy Trường Cao đẳng nghề Đác Lắc về buôn dạy cho nghề sửa chữa điện dân dụng. Sau gần bốn tháng chăm chỉ học nghề, khi đã vững kiến thức, từ số vốn của gia đình anh vay thêm một ít nữa từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mở tiệm ngay trước sân nhà, chủ yếu phục vụ người dân trong buôn và các buôn lân cận.
Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2011, tỉnh Gia Lai đã tuyển sinh đào tạo 4.127 học viên, trong đó dân tộc thiểu số có 2.688 học viên, chiếm 65,13%.
Tại tỉnh Lâm Đồng, chủ trương và kế hoạch đã có, tuy nhiên trong hai năm qua, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác dạy nghề cho hộ nghèo, đặc biệt là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Lê Quang Hân, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lâm Đồng cho biết: Một số khó khăn lớn như kinh phí dành cho công tác này còn thấp; hệ thống cơ sở dạy nghề và đội ngũ cán bộ làm công tác dạy nghề tại các huyện khó khăn còn nghèo nàn, hoặc không đủ sức để tổ chức các lớp nghề, nếu tổ chức được lớp thì phần lớn là nghề đơn giản; mới có 7 trong số 10 huyện có trung tâm dạy nghề công lập và đa số là mới thành lập, trong đó có 5 trung tâm đang xây dựng… Từng bước vượt qua khó khăn, các huyện trong tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Ban chỉ đạo cho công tác này, đồng thời thực hiện việc xây dựng kế hoạch dạy nghề hằng năm thiết thực hơn với nhu cầu tại từng xã, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Về nhu cầu học nghề của đồng bào dân tộc thiểu số, những ngày đầu thực hiện đề án, ở Lâm Đồng còn có hiện tượng ghi danh theo phong trào chứ không thật sự có nhu cầu học nghề. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, các cơ quan chức năng đã thanh lọc và chọn ra đối tượng có nhu cầu thật sự tham gia học nghề. Đến nay, đề án của tỉnh đã đi vào cuộc sống.
Để tăng cường công tác dạy nghề cho người lao động, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS), Tỉnh đoàn Đác Nông đã phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan đẩy mạnh công tác dạy nghề cho thanh niên DTTS bằng nhiều hình thức đa dạng. Các cơ sở dạy nghề tổ chức về tận các xã, thôn, buôn vùng sâu, vùng xa phối hợp chính quyền địa phương mở các lớp dạy nghề ngay tại nhà văn hóa cộng đồng, hội trường của thôn, buôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thanh niên được tham gia. Các đối tượng tham gia học nghề hoàn toàn được miễn phí, riêng đối với học viên là người DTTS tại chỗ tham gia học nghề được UBND tỉnh hỗ trợ thêm 200 nghìn đồng/học viên/tháng… Sau khi được đào tạo nghề, có hơn 70% số học viên có việc làm ổn định, trong đó một số học viên được tuyển dụng vào làm việc trong các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với mức lương ổn định từ 1,5 đến 1,9 triệu đồng/người/tháng. Nhưng số này không nhiều do công tác đào tạo nghề mới dừng lại ở trình độ sơ cấp, mà phần lớn là thanh niên tự tạo việc làm ở địa phương, nâng cao trình độ canh tác, từ đó tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Các học viên người DTTS tại chỗ học nghề không chỉ được miễn phí mà mỗi tháng còn được Trung ương và tỉnh hỗ trợ 390 nghìn đồng/học viên/tháng.
Bên cạnh những thành công, việc dạy nghề cho lao động nông thôn ở Tây Nguyên vẫn đang gặp không ít khó khăn. Cơ sở vật chất, trình độ và đội ngũ giáo viên dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học, nhiều nơi khó vận động thanh niên tham gia học nghề. Thời gian học nghề còn ngắn, sự bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và học viên; ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, phong phú cho nên chưa thu hút được nhiều học viên. Các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề cấp huyện và cụm huyện đều thiếu cơ sở vật chất, phương tiện dạy nghề, giáo viên; chế độ cho học viên quá thấp (6.000 đồng/học viên/ngày) dẫn đến khó hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Mức hỗ trợ học viên là người dân tộc thiểu số học nghề 140 nghìn đồng/tháng đến nay không phù hợp. Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Gia Lai Trần Văn Kiệm chia sẻ: “Dạy nghề cho thanh niên nông thôn được đánh giá là chủ trương khá thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Nếu được quan tâm, chú trọng hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên… thì sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Số học viên dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo nghề dài hạn còn ít, chỉ chiếm 26%; phần lớn tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, chất lượng đào tạo chưa cao, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Các lớp dạy nghề thường xuyên, thời gian đào tạo ngắn, ít có điều kiện thực hành. Phó Bí thư Huyện đoàn Đác Song (Đác Nông) Nguyễn Đức Phương cho biết: Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện chỉ mở được hai lớp dạy nghề sơ cấp sửa chữa xe máy và dệt thổ cẩm tại xã Trường Xuân và Đác N’Drung cho 150 học viên là thanh niên DTTS do Trường trung cấp nghề Đác Nông tổ chức. Sau khi học nghề, chỉ có 10 thanh niên tìm được việc làm hoặc sống bằng nghề, số còn lại trở về làm nương rẫy như trước đây. Nguyên nhân do việc dạy nghề sơ cấp chỉ với thời gian ba tháng, các học viên không đủ tay nghề để tự mở một cơ sở sửa chữa xe máy; còn đối với nghề dệt thổ cẩm do thị trường đầu ra không có, cho nên đa số học viên sau khi học nghề chỉ dệt những đồ dùng cho gia đình mình. Mặc dù hiện nay, nhu cầu học nghề của thanh niên rất lớn nhưng do ngành nghề đào tạo không phù hợp cho nên không thu hút được thanh niên tham gia. Đó là những việc cần khắc phục trong đào tạo nghề ở Tây Nguyên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()