Dạy nghề, trao vốn giúp nông dân làm giàu
LSO-Xác định việc đào tạo nghề và hỗ trợ vốn cho nông dân là khâu then chốt trong thúc đẩy phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động ban hành kế hoạch, hướng dẫn các cấp hội thực hiện, phối hợp giúp đỡ hội viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn.
Nông dân xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng thực hiện mô hình chăn nuôi lợn thịt |
Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề, tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật mới của hội viên nông dân theo độ tuổi, trình độ văn hóa, nhận thức, hoàn cảnh kinh tế… hội nông dân các cấp đã có sự phân nhóm đối tượng, phối hợp với các trung tâm dạy nghề trên địa bàn, để tổ chức các khóa học đào tạo, dạy nghề phù hợp tại từng khu vực. Điểm nổi bật là tại một số lớp học nghề các hội viên được tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế các mô hình kinh tế có hiệu quả; được giới thiệu ứng dụng khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, qua đó giúp các hội viên nắm rõ quy trình, cách thức tiến hành để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Cùng với đó, sau mỗi khóa tập huấn, dạy nghề nhiều hội viên còn được hỗ trợ vốn thông qua ủy thác vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để có thêm điều kiện phát triển sản xuất.
Từ một hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đến nay đã thoát nghèo và đang từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, ông Nguyễn Văn Mong, thôn Mạ A, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng chia sẻ: Là một xã thuần nông đất nông nghiệp ít, nên từ lâu gia đình tôi đã chuyển hướng đầu tư phát triển chăn nuôi, tập trung vào chăn nuôi gia súc. Đặc biệt, sau khi được tham gia một số khóa tập huấn, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật mới, cách phòng tránh dịch bệnh cho đàn gia súc, tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển, tập trung vào chăn nuôi ngựa bạch. Nhờ đó, đến nay kinh tế gia đình đã từng bước ổn định, với mức thu nhập (trừ chi phí) đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Được biết, trong năm 2016 vừa qua, các cấp hội nông dân đã tích cực phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt được hơn 1.300 lớp, với hơn 64.000 lượt hội viên, nông dân tham dự. Đồng thời, tổ chức ủy thác cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội các cấp thông qua 689 tổ tiết kiệm vay vốn, với tổng dư nợ đạt trên 600 tỷ đồng cho gần 20.000 hội viên vay.
Bên cạnh đó, hội còn tổ chức hỗ trợ vốn cho hội viên qua quỹ hỗ trợ nông dân các cấp. Theo đó, trong năm 2016, hội đã triển khai giải ngân 3 nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân (cấp trung ương, tỉnh, huyện) cho 349 hộ vay mới, với tổng số vốn hơn 6,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các cấp hội đã hỗ trợ phát triển được 5.800 con gia súc, 12.000 con gia cầm và giúp cải tạo, trồng mới trên 100 vườn cây ăn quả trên địa bàn.
Ông Hoàng Văn Tài, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh cho biết: Với việc hỗ trợ đào tạo nghề và trao vốn cho hội viên nông dân, qua bình xét trong năm 2016 đã có hơn 10.700 hội viên đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua đó, đã đóng góp vào công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh- quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục xây dựng các dự án, các chương trình dạy nghề phù hợp, đồng thời tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ vay vốn để từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()