Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật: Cơ hội hoà nhập cộng đồng
(LSO) – Với người khuyết tật (NKT), để họ có thể tự chủ trong sinh hoạt cuộc sống hằng ngày đã khó thì việc mưu sinh đối với họ dường như càng khó khăn hơn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số tập thể, cá nhân tích cực đồng hành cùng NKT trong việc dạy nghề, tạo việc làm giúp họ vượt qua mặc cảm, khó khăn của bản thân để hòa nhập cộng đồng.
Mặc dù bị liệt hai chân nhưng em Lâm Thị Định (huyện Bình Gia) đã rất quyết tâm, nghị lực để học hỏi công việc thiết kế mẫu in logo tại cơ sở may công nghiệp Nhà may Sài Gòn (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn). Năm 2019, khi mới đến với cơ sở, Định cũng rất vất vả để làm quen với các bạn tại đây cũng như với công việc này. Thế nhưng, sau hơn một năm được sinh hoạt tại cơ sở và học nghề, đến nay, em đã làm thành thạo công việc thiết kế mẫu in logo được giao và có được mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Người khuyết tật được đào tạo nghề và tạo việc làm tại cơ sở Nhà may Sài Gòn, thành phố Lạng Sơn
Nếu như em Định mới đến cơ sở được hơn một năm thì chị Nguyễn Thị Hiến (tỉnh Thái Bình) đã gắn bó với cơ sở may Sài Gòn được hơn 4 năm. Chị Hiến bị khiếm thị. Chị chia sẻ: Tôi được chủ cơ sở hướng dẫn, đào tạo để làm nhân viên quản lý chung tại cơ sở kiêm nhân viên bán hàng và phụ giúp các công việc khác. Hiện nay, mức lương của tôi được hơn 4,5 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn được thưởng theo doanh thu bán hàng. Được đào tạo nghề và có việc làm phù hợp như thế này tôi và các bạn ở đây rất vui, cảm thấy mình có ích và tự tin vui sống, làm việc.
Cơ sở may công nghiệp Nhà may Sài Gòn được vợ chồng chị Nghiêm Thị Thu Hường (quê ở Hà Tây, nay là Hà Nội) mở tại thành phố Lạng Sơn từ năm 2014. Từ đó đến nay, vợ chồng chị đã cưu mang, giúp đỡ, dạy thành nghề cho khoảng 40 NKT, trong đó, 90% là người khiếm thính và đang dạy nghề, tạo việc làm cho 11 NKT ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Chị Hường chia sẻ: Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là làm sao có thể duy trì hoạt động của cơ sở ngày càng vững vàng, phát triển, đồng thời, có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng cơ sở. Qua đó sẽ hỗ trợ và tạo thêm việc làm cho NKT.
Cùng với cơ sở may của vợ chồng chị Hường, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn còn có Hợp tác xã (HTX) NKT vươn lên Lạng Sơn do bà Dương Minh Từ sáng lập, duy trì hoạt động làm chổi chít và bà cũng chính là NKT, là nhân công trực tiếp làm. Cơ sở của bà Từ xuất phát từ làm cá nhân nhỏ lẻ, chỉ thuê từ 2 hoặc 3 người làm, sau 15 năm hoạt động, đến năm 2015 chuyển thành HTX. Từ ngày thành lập HTX, bà mở rộng làm tăm tre, chổi chít, cơ sở lúc nào cũng có từ 6 hoặc 7 người làm, nếu vào vụ có khoảng 10 người.
Bà Dương Minh Từ, HTX NKT vươn lên Lạng Sơn cho biết: Cơ sở của tôi hoạt động chuyên chỉ có NKT câm điếc và khuyết tật chân. Chúng tôi cũng mong muốn duy trì cơ sở này lâu dài, tuy nhiên, chúng tôi đang lo sang năm, khu vực nhà tôi ở và làm HTX, Nhà nước thu hồi đất để làm công viên cây xanh thì sẽ khó khăn về chỗ làm. Tôi mong muốn các cấp, ngành của tỉnh, thành phố giúp đỡ, tạo điều kiện về địa điểm để HTX có thể duy trì hoạt động lâu dài, ổn định.
Người khuyết tật làm chổi chít tại Hợp tác xã Người khuyết tật vươn lên Lạng Sơn (thành phố Lạng Sơn)
Lạng Sơn hiện có trên 10 nghìn NKT, chiếm trên 1,3% tổng dân số của tỉnh, trong đó, trên 2.500 NKT là hộ nghèo. Những năm qua, việc dạy nghề và tạo việc làm cho NKT đã được ngành chức năng của tỉnh quan tâm, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn về quy trình đào tạo nghề, quy định về tổ chức lớp học, giáo trình, giáo án do NKT có các mức độ, các dạng khuyết tật khác nhau. Theo bà Lương Mỹ An, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh, do kinh phí hoạt động của hội eo hẹp nên từ năm 2019 đến nay, hội chỉ phối hợp tổ chức được 1 lớp học nghề may cho 20 NKT trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy rằng, thời gian tới, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NKT cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn bởi đây chính là cánh cửa để NKT vươn lên, tự tin hòa nhập với cộng đồng.
“Những năm qua, ngành cũng cố gắng kêu gọi các đơn vị tự tổ chức các nhóm để đào tạo nghề cho NKT và đã tạo được khá nhiều việc làm phù hợp như: làm may, làm chổi, làm chiếu tre, thợ sửa vi tính… Hiện trên địa bàn tỉnh có một số đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã nhận dạy nghề hoặc tạo việc làm cho NKT với mức thu nhập trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Mong rằng bản thân những NKT tiếp tục phát huy nghị lực để tự tin vươn lên, cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước hỗ trợ sẽ giúp họ học được nghề và tìm được công việc phù hợp”. Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội |
THANH HUYỀN
Ý kiến ()