Dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Ðồng
Những năm qua, hoạt động dạy nghề đã và đang từng bước góp phần thay đổi cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên. Tuy nhiên, công tác dạy nghề tại đây cũng còn những bất cập cần được tháo gỡ, như hướng nghiệp, chất lượng đào tạo, đầu ra cho học viên...
Những năm qua, hoạt động dạy nghề đã và đang từng bước góp phần thay đổi cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên. Tuy nhiên, công tác dạy nghề tại đây cũng còn những bất cập cần được tháo gỡ, như hướng nghiệp, chất lượng đào tạo, đầu ra cho học viên…
Những “tín hiệu” khả quan
Trên cơ sở đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã phê duyệt “Ðề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lâm Ðồng đến năm 2020”. Theo đó, bằng mọi hình thức, mỗi năm sẽ đào tạo khoảng 26 đến 27 nghìn lao động nông thôn. Trong đó, chú trọng ưu tiên các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, như hỗ trợ một phần tiền sinh hoạt hằng ngày khi tham gia khóa học, được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề và tạo việc làm…
Ðến nay, các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LÐ-TB-XH) trong tỉnh đã có cán bộ chuyên trách công tác dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề có khoảng 170 giáo viên, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân tay nghề cao. Tỉnh cũng đã đầu tư hơn 16,27 tỷ đồng cho trang, thiết bị dạy nghề. “Các chương trình đào tạo nghề không còn là các buổi học lý thuyết, mà được tích hợp vào thực tế trên đồng ruộng, vườn cà-phê… hoặc tại xưởng”. – Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở LÐ-TB-XH Lâm Ðồng Lê Quang Hân cho biết.
Theo Sở LÐ-TB-XH Lâm Ðồng, sau ba năm triển khai đề án, địa phương đã có 56 cơ sở dạy nghề công lập và ngoài công lập tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, tỉnh đã tổ chức 714 lớp đào tạo nghề tại 111/118 xã cho 20.263 học viên (chưa tính các học viên được dạy nghề tại các hộ ngành nghề, cơ sở dịch vụ), tỷ lệ tốt nghiệp đạt hơn 96%, với 24 nghề thuộc ba nhóm ngành nghề chính là nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Trong đó, có hơn 50% các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số theo học. Và từ năm 2006 đến nay, số lao động là người dân tộc thiểu số đã qua đào tạo nghề, được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, dự án vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Ðồng là hơn 5.100 người, với mức thu nhập bình quân khoảng 24 triệu đồng/người/năm.
Bí thư Ðảng ủy xã Ðưng K’Nơh (huyện Lạc Dương) Bon Niêng Ha Ðăng cho biết: Xã đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, phần đông đã được cấp đất sản xuất với diện tích trồng trọt khoảng 600 ha. Nhờ chính sách dạy nghề của Ðảng và Nhà nước, sự “chỉ bày” cụ thể của cán bộ huyện mà bà con đã có thêm kiến thức trong sản xuất nông nghiệp. Mấy tháng đầu năm 2013, bà con xã mình đã được tham gia bốn lớp học nghề chăm sóc cà-phê.
Với phương thức “cầm tay chỉ việc”, qua các lớp dạy nghề, đã có nhiều bà con dân tộc thiểu số biết áp dụng kiến thức đã học vào hoạt động sản xuất của gia đình và thôn buôn. Về mặt xã hội, đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số không những tác động tích cực đến việc giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: Ðối với đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa của huyện, chúng tôi vận dụng phương pháp “cấp gì dạy nấy”. Như cấp bò, cây cà-phê, chuối, phân bón… cho bà con xong, chúng tôi tổ chức luôn lớp hướng dẫn thực hiện, nhờ vậy mà đạt hiệu quả rất cao.
Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, sau khi tham gia các khóa học nghề, bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã có những bước tiến rõ rệt từ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực làm chủ máy móc, đến tác phong lao động. Nhờ đó, có khoảng 85,5% học viên sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm, hoặc mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo các mô hình mới, làm giàu ngay trên quê hương mình.
Chuyển biến bước đầu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Dưới chân núi LangBiang (huyện Lạc Dương) ngày nay đã xuất hiện nhiều nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao. Ðang điều chỉnh hệ thống phun tưới tự động cho vườn rau của gia đình, anh Ða Gout Noa (dân tộc Cơ Ho, xã Lát) thổ lộ: “Ðể làm được nông nghiệp công nghệ cao như bây giờ, mình may mắn được tham gia nhiều lớp tập huấn do các ngành chức năng tổ chức”. Ðến nay, mô hình sản xuất rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao của gia đình anh đã trở thành “mô hình điểm” để các hộ đồng bào dân tộc tại địa phương đến học hỏi.
Cách vườn Ða Gout Noa không xa, tôi gặp anh Cil Nôm (dân tộc Cơ Ho, thôn Bon Ðơng 1, Lạc Dương), điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Lâm Ðồng, giai đoạn 2008 – 2013, anh cho biết: Trước đây mình làm ruộng, mỗi năm một vụ, không đủ sống. Chưa biết tính toán làm gì để nuôi bốn đứa con ăn học, may mắn được đi học lớp sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, thế là chuyển sang trồng dâu tây, cà-rốt và hoa theo công nghệ cao. Giờ thì không lo con bị thất học nữa rồi.
Dải nhà kính tít tắp, trải dài theo con đường nhựa chạy dọc thôn Bon Ðơng 1, Cil Nôm chỉ: nào là vườn của Krajan Théo với gần một sào hoa cẩm chướng, vườn Păng Ting Sin hơn một sào bông hồng… đều được canh tác theo hướng công nghệ cao. Nó học VietGAP cùng mình cả đấy. – Cil Nôm nói.
Rời thôn Bon Ðơng 1, rời các nhà vườn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tôi gặp trưởng thôn Ðăng Gia Dit B (xã Lát, Lạc Dương), ông Ha Sell cho biết: Mỗi năm, thôn mình tổ chức được ba lớp học nghề chăm sóc cà-phê, nhờ vậy mà đồng bào mình biết cách ủ phân, tỉa và ghép cành… Bỏ cách sản xuất lạc hậu rồi, cách mới đạt năng suất cao lắm. Về huyện Lâm Hà trong ngày nắng gắt, chúng tôi gặp ông Ha Ba (xã Mê Linh), tranh thủ tưới vườn cà-phê đang mùa chớm nụ, ông cho hay: Nhiều năm rồi cứ loay hoay chuyển đổi cây trồng nhưng vẫn nghèo, giờ phải bám lấy cây cà-phê. Nhà mình nhiều người được học cách chăm bón nó rồi, yên tâm hơn rồi.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay trên những con đường đất đỏ ba-dan trù phú ở vùng đồng bào dân tộc nơi đây. Không những đồng bào Cơ Ho, Châu Mạ, mà những dân tộc anh em khác cùng sinh sống trên mảnh đất Nam Tây Nguyên đều được địa phương hỗ trợ học nghề. Anh Thào Hùng Khải chia sẻ: Chẳng những được chỉ dẫn trồng cà-phê, làng Mông mình còn được học nghề may công nghiệp, đan len và đang mở hai lớp học đan dây bèo đấy.
Còn nhiều trăn trở
Giám đốc Sở LÐ-TB-XH Lâm Ðồng Trương Ngọc Lý trăn trở: Ðầu tiên là nguy cơ phá vỡ cơ cấu nguồn nhân lực rất lớn, do “vướng” trong phân luồng đào tạo, học nghề là sự lựa chọn thứ yếu; từ đó sẽ lãng phí nguồn nhân lực đào tạo, dư thừa cử nhân. Rồi đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề đang thiếu và yếu; việc duy trì sĩ số các lớp học nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn. Và điều đáng lưu ý là có một số nghề chưa gắn liền với thực tiễn, người học nghề sau khi tốt nghiệp không có việc làm hoặc khó kiếm việc làm. Bên cạnh đó, hiện Lâm Ðồng “dư” hai nghìn lao động có trình độ cử nhân, có người tốt nghiệp đại học đi làm bảo vệ. Việc phân luồng đào tạo các địa phương không làm được, mà phải có chủ trương của Nhà nước, Chính phủ”.
Trưởng phòng LÐ-TB-XH huyện Ðạ Huoai (Lâm Ðồng) Tăng Xuân Sóng cho biết: Các ngành nghề phi nông nghiệp hầu như không có người học, vì nhu cầu sử dụng lao động phi nông nghiệp trên địa bàn huyện rất ít. Trong khi đó, một số nghề mà học viên có nhu cầu thật sự lại không có trong danh mục đào tạo nghề. Từ đó, dẫn đến tình trạng “thừa mà thiếu” lao động ở nhiều huyện trong tỉnh.
Không riêng các cơ sở dạy nghề, tại Trường Cao đẳng nghề Ðà Lạt, hằng năm tuyển khoảng một nghìn học sinh, trong đó có 20% là con em đồng bào dân tộc thiểu số cũng chung tình trạng. Hiệu trưởng Trương Thúc Hiếu cho biết: Trường có tám khoa, sáu ngành học, trong đó có Khoa dân tộc nhằm giúp các em bồi dưỡng thêm kiến thức ngoài chương trình học chung, nhưng cũng khó duy trì được sĩ số. Có thể do sự tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trong việc học nghề chưa đạt hiệu quả, thiếu hệ thống theo dõi, điều tra tổng hợp và phân tích về lao động việc làm, nên thiếu thông tin và cơ sở khoa học để xác định chỉ tiêu kế hoạch về lao động và việc làm hằng năm.
Qua thực tế cho thấy, ngoài chất lượng, thì việc dạy nghề tại Lâm Ðồng chưa gắn kết các chương trình, mục tiêu KT-XH của địa phương với nhu cầu người học nghề, sự liên kết với các doanh nghiệp trong việc xã hội hóa công tác đào tạo nghề chưa cao, quy mô đào tạo nhỏ lẻ, nguồn lực tài chính chưa tương xứng với nhu cầu học nghề, số nghề đào tạo hiện đáp ứng chưa đến một nửa so với nhu cầu đăng ký của nông dân, trong đó có số đông là đồng bào dân tộc.
Các làng nghề truyền thống cũng được mở nhiều lớp truyền nghề, nhưng thế hệ trẻ rất ít quan tâm đến nghề gia truyền của cha ông, nguy cơ thất truyền đang hiển hiện từng ngày. Anh Ya Tuất, nghệ nhân duy nhất còn “giữ” được nghề làm nhẫn bạc của người Churu (Tu Tra, Ðơn Dương) thổ lộ: Mấy lần mình mở lớp truyền nghề cho thanh niên trong buôn nhưng không thành, bọn nó không chịu học cái nghề của cha ông nữa. Bọn nó bảo, học cái nghề này không no được cái bụng.
Tỉnh Lâm Ðồng có hơn 40 dân tộc anh em sinh sống, chiếm khoảng 24% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, địa phương đã nỗ lực trong công tác dạy nghề gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, chú trọng đến lớp thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để việc đào tạo nghề phát huy hiệu quả, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự thay đổi tư duy của người dân về định hướng nghề nghiệp… Ðó đang là những vấn đề đặt ra không chỉ riêng cho tỉnh Nam Tây Nguyên – Lâm Ðồng.
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Lâm Ðồng trong giờ thực hành.
Theo Nhandan
Ý kiến ()